TAND quận Hoàn Kiếm vi phạm pháp luật tố tụng

Đây là nhận định của Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội về Bản án sơ thẩm số 09/2014/DS-ST ngày 13/6/2014 của TAND quận Hoàn Kiếm về việc đòi quền sở hữu nhà ở tại tầng 2 nhà 106 Hàng Trống giữa gia đình bà Nghiêm Thị Nhị và gia đình ông Nguyễn Xuân Quyên. TAND quận Hoàn Kiếm chưa xem xét tính hợp pháp của “giấy chuyển nhượng quyền sử dụng nhà” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Tầng 2 nhà 106 Hàng Trống, nơi xảy ra tranh chấp quyền sở hữu nhà. Ảnh: Phạm Duy

Nguyên đơn không chứng minh được quyền sở hữu nhà

Ngôi nhà 106 Hàng Trống nguyên trạng là nhà 1 tầng, thuộc quyền quản lý của Cty Hữu Nghị phân cho 3 hộ gia đình cán bộ, nhân viên Cty để ở, trong đó có gia đình ông Nguyễn Xuân Quyên, bị đơn trong vụ án này. Năm 1970, gia đình ông Quyên đồng ý cho Cty Hữu Nghị dựng 1 nhà tạm có diện tích khoảng 20m2 trên nóc để làm nhà trẻ. Năm 1972, nhà trẻ chuyển đi, Cty Hữu Nghị đã ngăn diện tích nhà trẻ thành 2 phòng để phân cho cán bộ nhân viên. Năm 1990, Cty Hữu Nghị phân cho 3 ông Vũ Văn Láng, Nguyễn Văn Bạch và Vũ Văn Diu sử dụng căn phòng 10m2 trên tầng 2 nhà 106 Hàng Trống.

Năm 1990 và 1991, ông Diu và ông Bạch lần lượt viết giấy nhượng quyền sử dụng nhà cho ông Quyên với giá 1,4 triệu đồng. Đối với phần của ông Láng thì ông Quyên không thỏa thuận được. Còn nguyên đơn là bà Nghiêm Thị Nhị trình bày, năm 1992, bà mua căn phòng có diện tích 10m2, lan can và bếp tại tầng 2 nhà 106 Hàng Trống của ông Láng, ông Bạch và ông Diu với giá 4 cây vàng. Tháng 6/1992, giữa ông Quyên và bà Nhị xảy ra tranh chấp dẫn đến xô xát. Bà Nhị bị Tòa án tuyên phạt 6 tháng tù treo về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Đến năm 2003, ông Quyên mua nhà theo Nghị định 61/CP đối với diện tích tại tầng 1 và tầng 2 nhà 106 Hàng Trống và được UBND TP Hà Nội cấp sổ đỏ. Năm 2006, Sở Tài nguyên và môi trường đã có văn bản khẳng định: “Diện tích 10m2 tầng 2 nhà 106 Hàng Trống bà Nhị khiếu nại là của mình nhưng không có giấy tờ chứng minh bà được phân phối nhà, hợp đồng thuê nhà, hoặc giấy tờ mua bán nên khiếu nại của bà không có cơ sở giải quyết”.

Giữa năm 2012, bà Nhị gửi đơn khởi kiện đòi quyền sở hữu nhà ở tại tầng 2 nhà 106 Hàng Trống. Căn cứ quan trọng nhất bà Nhị đưa ra để khởi kiện là “giấy nhượng quyền sử dụng nhà” được xác lập năm 1994 giữa ông Láng, ông Diu và ông Bạch với bà Nhị không ghi ngày, tháng.

Tháng 6/2014, TAND quận Hoàn Kiếm xét xử sơ thẩm vụ án dân sự trên. Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp sơ thẩm đã đánh giá, trong suốt quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, bà Nhị không xuất trình được bất cứ tài liệu nào chứng minh các diện tích tại tầng 2 nhà 106 Hàng Trống là thuộc quyền sở hữu của bà Nhị.

Thế nhưng, HĐXX sơ thẩm lại suy luận một cách cảm tính rằng: “Do đó nghĩ nên chấp nhận một phần yêu cầu đòi quyền sở hữu các diện tích tại tầng 2 nhà 106 Hàng Trống của bà Nhị là phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy buộc ông Quyên, bà Tụ (vợ ông Quyên – PV) phải trả lại quyền sử dụng hợp pháp các diện tích tại tầng 2 nhà 106 Hàng Trống cho bà Nhị”.

Cả nguyên đơn và bị đơn đều không đồng tình với phán quyết của TAND quận Hoàn Kiếm và làm đơn kháng cáo.

Cần xem xét tính hợp pháp của “Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng nhà”

Ngày 27/1/2015, TAND TP Hà Nội đã chỉ ra hàng loạt sai sót, vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng của HĐXX cấp sở thẩm. Cụ thể, nguyên đơn và bị đơn đều khai nhận có giấy tờ mua bán diện tích nhà đang tranh chấp, giấy tờ mua bán đều là giấy tờ viết tay, không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cũng như chính quyền địa phương, vi phạm Khoản 2 Điều 124 BLDS. Tòa án cấp sơ thẩm mới có tài liệu xác định trong giấy tờ mua bán giữa 3 ông với bà Nhị có chữ ký của ông Diu có kết quả giám định, còn chưa làm rõ chữ ký trong giấy mua bán này có phải là chữ ký của ông Bạch hay không.

Sau khi lập “giấy chuyển nhượng quyền sử dụng nhà”, không thực hiện việc giao nhận nhà, bản thân bà Nhị không nhận bàn giao, không trực tiếp sử dụng căn hộ. Từ năm 1992 đến nay, ông Quyên, bà Tụ là người sử dụng căn hộ đang tranh chấp. Như vậy, hợp đồng mua bán giữa ông Láng, ông Bạch và ông Diu với bà Nhị chưa hoàn thành.

Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét việc chuyển nhượng giữa các đương sự có đảm bảo theo quy định của Bộ luật Dân sự. Trong trường hợp này phải xem xét tính hợp pháp của “giấy chuyển nhượng quyền sử dụng nhà”: Nếu văn bản này có giá trị pháp lý thì chấp nhận yêu cầu của bà Nhị; nếu hợp đồng mua bán này vô hiệu thì phải giải quyết hậu quả pháp lý của nó. Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét điều tra làm rõ việc này là thiếu sót, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

TAND TP Hà Nội cho rằng, cần phải đưa cả ông Láng, ông Bạch và ông Diu vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Cấp sơ thẩm không đưa những người này vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng. Chính vì những sai sót nghiêm trọng trên nên HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên hủy Bản án sơ thẩm số 09/2014/DS-ST của TAND quận Hoàn Kiếm.

Ông Quyên cho rằng, bà Nhị không có quyền đòi căn hộ này vì “giấy chuyển nhượng quyền sử dụng nhà” là vô hiệu. Bởi lẽ, căn phòng 10m2 tầng 2 nhà 106 Hàng Trống không thuộc quyền sở hữu của ông Láng, ông Bạch và ông Diu mà do Cty Hữu Nghị quản lý; giấy chuyển nhượng không có giá trị pháp lý vì năm 1994, bên chuyển nhượng không phải là chủ sở hữu, không có quyền chuyển nhượng cho bất kỳ ai. Điều này được thể hiện rất rõ trong quyết định phân phối căn hộ của Cty Hữu Nghị cho 3 ông vào năm 1990 đã nêu “không được đổi, nhượng, bán cho người khác” và tháng 6/1992, khi phát hiện 3 ông này nhượng bán cho bà Nhị, Cty Hữu Nghị đã ra tiến hành thu giữ, niêm phong căn phòng này. Việc 3 ông chuyển nhường quyền sử dụng nhà cho bà Nhị (nếu có) là trái luật.

Ngụy tạo chứng cứ giả mạo?

Theo kết luận giám định của Bộ Quốc phòng ngày 23/5/2016 (do gia đình ông Quyên cung cấp-PV), chữ “Bạch” trong “Đơn xin đổi nhà” so với chữ ký “Bạch” trong tàng thư không cùng một người ký. Do đó, “Đơn xin đổi nhà” trong hồ sơ vụ án do nguyên đơn cung cấp có dấu hiệu là chứng cứ giả mạo vì đã bị làm giả chữ ký? Trong khi đó, “Đơn xin đổi nhà” này lại được dùng làm mẫu so sánh để giám định chữ ký “Diu”. Ngày 13/6/2008, cơ quan giám định của Bộ Công an đã kết luận, chữ ký “Diu” trên “Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng nhà” với chữ “Diu” trên mẫu so sánh là “Đơn xin đổi nhà” không ghi ngày, tháng, năm cùng một người ký. Như vậy, có căn cứ để nghi ngờ chữ ký “Diu” trên “giấy chuyển nhượng quyền sử dụng nhà” là giả mạo vì mẫu so sánh để giám định có dấu hiệu là tài liệu giả mạo?

Phạm Duy

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/tand-quan-hoan-kiem-vi-pham-phap-luat-to-tung_t114c39n110068