Tân Tổng thống Iran và sự chiến thắng của phe bảo thủ

Việc ông Ebrahim Raisi trở thành tân Tổng thống Iran đã tạm thời chấm dứt cuộc cạnh tranh kéo dài 3 thập kỷ giữa các phe phái ở quốc gia Hồi giáo này.

Sau thành công của cuộc Cách mạng lật đổ chế độ quân chủ của vua Mohammad Rezza Pahlavi năm 1979, Iran đã chính thức trở thành một nhà nước Cộng hòa, với một nền chính trị trộn lẫn giữa nền dân chủ pháp chế và nền thần quyền.

Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei và Tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại lễ nhậm chức Tổng thống ngày 5/8. (Nguồn: AP)

Nội bộ phân tách

Hiến pháp Iran năm 1979 đã quy đinh, Iran là một nhà nước thần quyền và trao nhiều quyền lực cho Lãnh tụ tối cao, một nhà lãnh đạo với quyền điều hành vô thời hạn và được chỉ định không cần qua bầu cử. Trong khi đó, Hiến pháp Iran cũng thiết lập hệ thống chính trị có cấu trúc dân chủ, với Tổng thống và Quốc hội được bầu theo phổ thông đầu phiếu.

Trong giai đoạn từ năm 1979 tới 1989, cả hai phe đều được dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo với đường lối cứng rắn, bảo thủ và không chấp nhận mở cửa đất nước.

Tuy nhiên, kể từ sau khi cố Lãnh tụ Ruhollah Khomeini qua đời vào năm 1989, nội bộ chính phủ nước này đã bắt đầu xuất hiện những lục đục.

Trước khi qua đời, ông Khomeini đã lựa chọn ông Ali Khamenei, người từng giữ chức Tổng thống từ năm 1981 tới 1989, làm người kế vị mình.

Thế nhưng, cuộc chiến tranh Iran-Iraq mới kết thúc một năm trước đó đã làm cho nền kinh tế nước Cộng hòa Hồi giáo rơi vào trạng thái kiệt quệ hoàn toàn, dẫn đến những làn sóng biểu tình của quần chúng đòi chính phủ mở cửa và cải cách.

Nắm bắt được cơ hội này, những nhà lãnh đạo mang tinh thần cải cách, khởi xướng bởi Tổng thống Iran trong giai đoạn 1989-1997 Akbar Hashemi Rafsanjani, đã cố gắng đấu tranh làm suy yếu quyền lực của vị Lãnh tụ tối cao cũng như lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) trung thành.

Tuy vậy, Đại giáo chủ Khamenei và phe thần quyền bảo thủ đã củng cố quyền lực của mình thông qua việc dập tắt mọi nỗ lực cải cách của những đời tổng thống kế nhiệm ông Rafsanjani. Khi đó, IRGC đã bắt giữ hàng loạt những người bất đồng quan điểm như giới tri thức, nhà báo và sinh viên.

Thậm chí, khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2017, cựu Tổng thống Hassan Rouhani đã phải nhượng bộ trước áp lực của giới bảo thủ và nhường lại một số vị trí nội các quan trọng cho các nhân vật cực hữu.

Phe bảo thủ áp đảo

Dù đã giành được thêm quyền lực, phe bảo thủ vẫn tiếp tục kích động một cuộc biểu tình nhỏ ở thành phố Mashad để đổ lỗi cho chính quyền Rouhani trong vấn đề kinh tế. Kết quả, cuộc biểu tình đã lan rộng ra toàn quốc và kéo dài tới hơn một tháng.

Và trong cuộc bầu cử mới đây tại Iran, ông Ebrahim Raisi, nguyên là Bộ trưởng Tư pháp đã giành chiến thắng áp đảo với 61,95% số phiếu ủng hộ, vượt xa các ứng cử viên khác. Theo báo chí phương Tây, sự nghiệp chính trị của ông Raisi thành công là nhờ sự giúp đỡ và chỉ bảo của Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei.

Giới chuyên gia đánh giá, việc ông Raisi giành chiến thắng hoàn toàn không bất ngờ, trong bối cảnh hầu hết các ứng cử viên ôn hòa tại Iran đều đã bị Hội đồng Giám hộ Iran loại khỏi danh sách tranh cử. Ứng viên duy nhất của phe đối lập là ông Abdolnaser Hemmati, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran, nhưng chỉ nhận được 8% số phiếu ủng hộ.

Việc ông Raisi trở thành tân Tổng thống Iran đã củng cố thêm sức mạnh của Đại giáo chủ Khamenei, đưa nước Cộng hòa Hồi giáo này trở lại thời kỳ trước năm 1989 khi quyền lực của giới tăng lữ bảo thủ còn chưa bị thách thức bởi phe cải cách.

Tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. (Nguồn: AP)

Mềm mỏng đối nội, cứng rắn đối ngoại

Tổng thống Raisi nhậm chức khi Iran đang ở trong một hoàn cảnh hết sức éo le về cả đối nội lẫn đối ngoại.

Tỷ lệ lạm phát của Iran đang ngày một tăng cao và hiện đang đạt ngưỡng kỷ lục 40%, kể từ sau khi phải hứng chịu các đòn trừng phạt của chính quyền Mỹ. Ngành công nghiệp dầu mỏ,lĩnh vực thế mạnh của Iran cũng đã chịu thiệt hại hàng tỷ USD dưới tác động của các lệnh cấm giao dịch tài chính từ phía Washington.

Ngoài ra, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Nghị viện Iran, tỷ lệ hộ nghèo tuyệt đối cũng dao động từ 23% cho tới 40%.

Trong quá trình tiếp xúc và vận động cử tri tại thủ đô Tehran, ông Raisi đã đưa ra lời hứa sẽ cố gắng khôi phục các doanh nghiệp bị phá sản do đại dịch, cũng như đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.

Đặc biệt, các đối tượng hộ nghèo sẽ trở thành đối tượng ưu tiên đặc biệt trong các chính sách kinh tế mới của tân Tổng thống, một phần cũng bởi đây là lực lượng cử tri chính đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.

Bên cạnh vấn đề kinh tế, ông Raisi cũng cam kết sẽ khắc phục vấn đề bạo lực gia đình cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của một số nhóm “cảnh sát đạo đức” - lực lượng có nhiệm vụ đảm bảo người dân luôn tuân thủ “đạo đức Hồi giáo” tại Iran.

Tổng thống Raisi cũng khẳng định sẵn sàng chấp nhận một số đề xuất của phe cải cách trong lĩnh vực đối nội, nhưng có thể vẫn sẽ giữ nguyên lập trường cứng rắn trong vấn đề đối ngoại.

Ông ủng hộ việc nối lại các cuộc đàm phán tại Vienna về thỏa thuận Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng vẫn tiếp tục đặt ra nhiều điều kiện tiên quyết cho phía Mỹ trước khi sẵn sàng thực hiện các cam kết của Tehran trong vấn đề kiểm soát hạt nhân.

Giới quan sát khẳng định ông Raisi sẽ tiếp tục nâng cao khả năng chiến đấu của IRGC cũng như các nhóm dân quân ủy nhiệm của lực lượng này tại Iraq, Lebanon và Yemen, nhằm cải thiện năng lực răn đe của Iran trước các đối thủ tại Trung Đông như Israel và Saudi Arabia.

Tăng cường ảnh hưởng tại Afghanistan và Iraq cũng sẽ là một vấn đề Tehran hết sức chú trọng, trước bối cảnh binh sĩ Mỹ đang gấp rút rời khỏi hai nước trong năm nay.

Bên cạnh đó, các chuyên gia dự đoán, trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Iran sẽ là việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Nga và Trung Quốc. Việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược 25 năm ký kết hồi tháng 3 vừa qua với Bắc Kinh cũng cho thấy Tehran đã phần nào mất đi hy vọng vào việc cải thiện quan hệ với phương Tây.

Mặc dù còn khá sớm để đưa ra các đánh giá toàn diện, việc quyền lực tập trung trong tay của phe bảo thủ dự đoán sẽ đem tới nhiều diễn biến khó lường cho cả tình hình nội bộ Iran lẫn toàn khu vực Trung Đông trong thời gian tới.

(theo Foreign Affairs)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tan-tong-thong-iran-va-su-chien-thang-cua-phe-bao-thu-154702.html