Tản mạn từ hình chim cốc trên trống Ngọc Lũ

Trong vành ngoài cùng trên mặt trống Ngọc Lũ, chiếc trống đồng Đông Sơn cổ kính và đẹp nhất hiện còn, có hình bầy chim đứng dưới mỏ đàn chim bay. Có 20 con chim đứng gồm 2 con chim bồ nông xen kẽ với 18 chim cốc.

Đặc biệt, các con cốc ở đây có mỏ nhọn với móc sắc được cường điệu hóa trông như đầu mũi phi tiêu gợi đến tên gọi "chim phi tiêu" của loài chim cốc châu Mỹ. Tư thế đứng ở đây là một trong hai tư thế thường thấy của chim cốc sau khi bắt cá.

Thông thường, hình các loài vật trong các vành của mặt trống Đông Sơn thể hiện các con vật tổ. Nếu hình cò trắng bay thể hiện vật tổ của nhóm dân Đông Sơn trồng lúa vùng đồng bằng thì hình chim cốc và bồ nông đứng ở đây thể hiện vật tổ của nhóm dân vùng ven biển, sông hồ, nơi chim cốc có vai trò rất đặc biệt.

Tại Việt Nam, cốc từng sống ở vùng ven biển Bắc Bộ nhưng nay chỉ có ở Trung Bộ và Nam Bộ, nhất là các khu rừng ngập mặn ven đầm phá.

Hình chim cốc trên mặt trống Ngọc Lũ.

Cốc là loài chim toàn năng: bay khỏe, bơi lặn giỏi, săn bắt cá nhanh gọn như rái cá. Với màu lông đen và kỹ năng bắt cá siêu phàm, có nơi cốc mang tên "hắc quỷ". Với tai thính, mắt tinh như tai mắt chim ưng nên cốc còn được gọi là "chim ưng biển". Là loài chim đông đúc và phàm ăn, nhiều nơi cốc tranh giành nguồn tôm cá khiến ngư dân thua thiệt đến mức sợ, ghét, gọi là giặc và tìm cách diệt cốc. Nhưng ở một số nơi, con người lại nghĩ cách bắt và thuần hóa cốc để dùng cốc săn bắt cá cho mình.

Thế mới có chuyện tại Cồn Chim, vùng đầm Thị Nại, Bình Định, từ năm 2009-2010, hàng ngàn con cốc kéo về bắt tôm cá của dân nuôi. Trước tài bắt cá của cốc, mới đầu dân ở đây kính sợ gọi cốc là "Ông" là "Ngài", nhưng sau thù ghét gọi là "quỷ" là "giặc". Đuổi, bắt cốc không được, người dân ở đây phải chấp nhận sống chung với cốc bằng cách thả tôm giống gấp hai để có phần cho cốc. Tư liệu khảo cổ cho thấy tục dùng cốc bắt cá đã từng có ở Ai Cập, Peru, Ấn Độ nhưng là một truyền thống lâu đời nhất ở Trung Quốc và Nhật Bản.

Tại di chỉ Tam Tinh Đôi ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), các nhà khảo cổ đã tìm được một chiếc quyền trượng bằng vàng dài 1,42m có niên đại khoảng 2000-1600 trước Công nguyên (TCN), trên gậy có hình hai con chim cốc nâng hai mũi tên cắm vào hai con cá lớn. Đó là cây quyền trượng của vị vua sáng lập triều đại thứ 3 của nước Thục có tên là Chim Cốc như truyền thuyết dân gian vùng này kể. Tên gọi Chim Cốc cho thấy cốc là vật tổ của dòng họ vị vua trên và hình cốc vác mũi tên cắm cá ngụ ý cốc dùng mỏ nhọn như mũi tên của mình bắt cá mang về cho người. Như vậy, tục dùng cốc bắt cá cho người cùng với tín ngưỡng vật tổ cốc đã xuất hiện ở Tứ Xuyên thuộc vùng Nam Dương Tử của người Bách Việt từ thế kỷ 15-16 TCN.

Thường, người xưa thờ làm vật tổ những con vật họ tin hoặc là có mối liên hệ gần gũi, thần bí với mình, hoặc có những đặc tính đáng kính hay đáng sợ khiến họ phải cầu mong tình thân và sự che chở. Cốc chính là con vật khiến người xưa có cả hai cảm nhận trên.

Hình chim cốc trên cây trượng vàng ở Tứ Xuyên.

Rõ ràng, ngư dân và cốc cùng sống ở vùng sông nước, cùng đánh bắt cá. Nhưng cốc lại có những kỹ năng săn bắt cá hơn hẳn người và nêu một tấm gương về xây dựng hạnh phúc gia đình khi cốc bố và cốc mẹ thay nhau ấp trứng và cùng nhau tận tụy nuôi con. Khi coi cốc là vật tổ, ngư dân hi vọng sẽ có tài săn bắt cá như cốc và được thần cốc phù hộ trong việc làm ăn. Một thời không xa, ngư dân ở một số nơi vẫn tin khi ra khơi đánh cá gặp cốc là điềm lành, thuyền về cá sẽ đầy khoang.

Thời Đông Sơn, người Lạc Việt thờ cả vật tổ cốc và vật tổ rái cá nên trong sử sách, tên Lạc Việt được ghi bằng cả chữ Lạc bộ Điểu chỉ chim cốc và chữ Lạc bộ Trãi chỉ rái cá.

Chúng ta không biết cụ thể tín ngưỡng vật tổ cốc và tục dùng cốc bắt cá ở người Việt sau thời Đông Sơn ra sao, nhưng biệt danh Yết Kiêu của một nhân vật lịch sử nổi tiếng thời Trần có thể là một dấu tích của hai tục trên.

Yết Kiêu (1242-1303) tên thật là Phạm Hữu Thế, nguyên là một gia nô trung thành và cận vệ giỏi giang của Trần Hưng Đạo. Cha ông làm nghề chài lưới ở một làng chài ven sông Đáy thuộc tỉnh Hải Dương, xưa nằm ven biển Đông.

Tương truyền, trong cuộc chiến chống quân Nguyên, với tài bơi lội siêu việt, Yết Kiêu đã đục thủng làm đắm nhiều thuyền giặc. Với công lớn đó, ông được vua ban danh hiệu "Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân".

Về tên gọi Yết Kiêu, có người cho rằng trong sử sách, ngoài chữ "Kiêu" mang bộ Mã còn có chữ Kiêu mang bộ Điểu hợp với chữ "Yết" mang ý nghĩa "tháo ra" và đồng âm với chữ "yết" là "cổ họng". Như vậy, tên Yết Kiêu mang hình tượng của chim cốc, con chim mang vòng thắt cổ họng để bắt cá cho chủ. Tên này cũng tương ứng và phù hợp với tài bơi lặn, đục thuyền của Yết Kiêu.

Nếu đúng vậy, rất có thể, Yết Kiêu là người của một nhóm dân chài ven sông Đáy đến thời Trần vẫn còn thờ vật tổ chim cốc, từ đó luyện rèn và có được những phẩm chất của vật tổ.

Tục dùng cốc bắt cá ở ta giờ không còn. Nhưng dấu tích của nó chính là các câu thành ngữ "cốc mổ cò xơi", "công như công cốc" hay "công cốc". Lý giải câu "cốc mổ cò xơi", một cổ tích Việt kể, đại ý: Ngày xưa cò và cốc ở cùng nhau. Cò tinh khôn nhưng lười biếng nên tìm cách lợi dụng cốc vốn hiền lành và chăm chỉ. Lấy lý do phải ở nhà canh trứng, cò gạ cốc đi kiếm tôm cá về ăn chung. Nhưng cốc cũng thường chỉ mang về cho cò vài con cá nhỏ. Cò lập mưu ra vẻ tốt bụng tặng cốc một chiếc vòng đeo cổ, đẹp nhưng nhỏ. Đeo vòng đó, cốc chỉ ăn được tôm cá nhỏ, không nuốt được cá to nên phải mang về cho cò. Một con vạc thấy cảnh đó bức xúc kêu lên "Cốc mổ cò xơi! Cốc mổ cò xơi! Cốc mổ cò xơi!". Thực tế, cốc mổ người xơi, nhưng trong cổ tích và thành ngữ Việt, cò đã thay cho người.

Giờ đây, tục dùng cốc bắt cá chỉ còn ở một số vùng sông hồ tại Trung Quốc và Nhật Bản, chủ yếu để phục vụ khách du lịch. Đầu tiên, người ta dùng bẫy bắt cốc nhỏ đem về nhà nuôi, đặt tên, huấn luyện. Người chủ buộc một sợi dây hay đeo một vòng ở phần dưới họng cốc khiến nó chỉ nuốt được cá nhỏ. Ban đêm, người chủ dùng ánh sáng đèn, còn ban ngày dùng mái chèo đập vào mặt nước hay mạn thuyền gọi cá đến. Cá đến, chủ huýt sáo, cốc liền bổ nhào xuống nước. Bắt được cá, cốc bơi về thuyền hay bè của chủ để chủ lấy cá từ họng, hoặc cốc tự khạc ra. Chủ sẽ thưởng cho cốc một hai con cá nhỏ…

Ngư dân và chim cốc trên sông Lệ, Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc.

Cốc là con vật thông minh và dường như chúng biết tính đếm số cá chúng đã bắt được để so với số cá người thưởng cho chúng, nếu thấy không thỏa đáng, chúng sẽ tỏ ra lười biếng. Ngược lại, chúng sẽ rất ngoan ngoãn, nhiệt tình. Vì thế người phải luôn thưởng phạt công minh với cốc.

Một gia đình ngư dân có thể nuôi ít là 3-5 con, nhiều đến 20-30 con cốc để bắt cá. Khi gặp cá lớn, đàn cốc sẽ hợp lực tấn công, con mổ mắt, con cắn đuôi, con cặp vây, phối hợp rất ăn ý, hiệu quả. Một con cốc có thể bắt 15 kg cá trong một ngày. Vì thế, cốc có vai trò quan trọng trong cuộc sống của ngư dân. Trong tự nhiên, cốc chỉ thọ 5-6 năm, nhưng sống với người, cốc có thể thọ đến 15-20 năm. Cốc chết, chủ làm đám ma và làm giỗ hàng năm như với người thân…

Giờ, chúng ta có thể hình dung phần nào về tục dùng cốc bắt cá và tín ngưỡng vật tổ cốc ở người Việt xưa…

Tạ Đức

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/tan-man-tu-hinh-chim-coc-tren-trong-ngoc-lu-i728190/