Tản mạn chuyện Tết

Anh bạn người Quảng Bá gửi cho mấy ấm chè sen, ướp đúng sen Đầm Trị mùa vừa rồi, nói dành uống Tết. Cuối tuần rét đậm, lại được chú em từ Hải Dương gửi cho phong bánh đậu. Vậy là không cần đợi Tết. Pha ấm chè sen Đầm Trị, bóc phong bánh đậu Hải Dương, độc ẩm mà hưởng cái rét mùa đông Hà Nội, rét ra rét lâu lâu mới có.

Tranh minh họa

Ngắm làn khói trắng mỏng manh quyện nơi miệng tách mà lan man nghĩ đến chuyện Tết. Vậy là đã 70 cái Tết ở Hà Nội. Trừ những năm còn quá nhỏ, ký ức chưa rõ nét. Lại trừ những năm đổi mới, quãng đầu những năm 1990 đến giờ cỡ hơn ba chục năm thì những năm đón Tết thời bao cấp chỉ non nửa, trên dưới 3 chục năm. Vậy mà khi nhớ lại, kỷ niệm về những cái Tết bao cấp lại cứ rõ mồn một, hơn cả Tết những năm gần đây. Các cụ bảo “miếng ngon nhớ lâu…”. Có phải hồi bao cấp ăn tết ngon hơn, hay bệnh của người già, thích nhớ về những kỷ niệm xưa cũ.

Mà đâu cứ người già, ít năm gần đây, mỗi dịp Tết đến Xuân về, báo chí truyền thông, và cả trên mạng xã hội, hay nhắc lại những chuyện Tết của thời bao cấp, khó khăn. Có lẽ khi cuộc sống sung túc đầy đủ, con người ta hay nhớ về một thời vất vả, thiếu thốn. Nhớ để cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, để mà càng trân trọng cái hiện tại tốt đẹp đang có.

Từ lo Tết

Giờ thì còn hơn tháng nữa mới đến Tết mà đã có người cho trà, cho bánh để ăn Tết. Mà cũng chẳng đợi đến Tết nữa, pha ngay ấm trà sen, độc ẩm mà đón tiết Đông. Xưa thì không như vậy, có cái gì cũng để dành đến Tết. Các bà nội trợ tích tem phiếu, lo đong gạo nếp, đậu xanh từ giữa tháng mười âm lịch, có khi còn sớm hơn. Nhà nào cũng cố nuôi vài ba con gà công nghiệp. Thế nên có dạo, công ty bán gà giống, kinh doanh luôn cả chuồng gà. Ai mua được gà giống kèm cái chuồng nuôi theo kiểu công nghiệp thì cứ là…vui như Tết. Suốt mấy tháng, chỉ lo gà ốm, gà rù. Giữ được đến Tết, lúc thịt ra, mấy bà đến cơ quan khoe nhau được cả bát ô tô mỡ…

Những năm ấy, gần như cả bàn dân thiên hạ, hay như bây giờ người ta hay nói cả hệ thống chính trị chung tay lo Tết. Nhất là ngành Thương nghiệp, lo sao cho đủ gạo nếp, lá dong, thịt lợn, củi, dầu… cho người dân ăn Tết. Mà đâu có nhiều nhặn gì, mỗi người vài lạng thịt, nửa kí gạo nếp, mấy lít dầu hỏa…Mà đấy là ở thành phố, thị xã, nơi cán bộ, nhân dân có tiêu chuẩn tem phiếu. Còn ở nông thôn thì cứ là tự thân vận động!

Thời bây giờ, thủ trưởng, lãnh đạo đơn vị, cơ quan chủ yếu lo chuyện thưởng Tết cho anh em. Có tiền thưởng, ai muốn gì mua nấy. Còn thời bao cấp, những người mất công lo tết nhiều nhất cũng vẫn là thủ trưởng, nhưng là lo cử người sớm quan hệ, vận động để sao đến Tết mua được ít gạo nếp, đậu xanh, mấy con lợn theo giá phân phối để thêm vào cho anh em ăn Tết.

Còn với mỗi gia đình, có lẽ việc gay cấn nhất là phân công nhau đi xếp hàng để mua cho hết, cho đủ những mặt hàng được phân phối, từ dầu hỏa, gạo nếp, túi hàng Tết. Vì thế, nhiều năm, với người Hà Nội, cứ mua xong túi hàng Tết, gói xong nồi bánh chưng là lo xong cái Tết.

Nay thì chẳng còn nỗi lo mua đồ ăn tết. Áp tết, thậm chí là 29-30 tháng Chạp mới đi sắm Tết cũng vừa. Mà cũng chẳng phải đi đâu. Thời 4.0, trong chợ online chẳng thiếu thức gì, hàng ship tận nhà. Đã vậy, cái nhu cầu về sự ăn cũng khác, tinh hơn. Tỉ như bánh chưng. Mấy bà nội trợ, sau tết hay than vãn: Nhà em cả tết đặt có mấy chiếc, vậy mà lầy lứt mãi, giờ vẫn chưa hết. Chả bù cho thời mấy chục năm trước. Nồi bánh chưng là chủ lực của Tết. Nhà có điều kiện thì gói riêng, không thì hai ba nhà chung một nồi. Quãng 27-28 tháng Chạp, phố cổ nơi tôi ở mỗi quãng phố bập bùng ánh lửa mấy nồi bánh chưng. Vui và ấm áp.

Lại nhớ sự háo hức ngồi xem ông gói bánh chưng để được ông cho nắm đỗ mà nhấm nháp. Rồi cái niềm vui được vớt chiếc bánh chưng nho nhỏ mà đem khoe với bạn bè. Nhớ và thương con trẻ bây giờ, không được hưởng cái niềm vui của thế hệ ông cha. Chắc bởi nhớ tiếc cái niềm vui ấy, mà bây giờ, nhiều nhà hàng phố, thậm chí là chót vót chung cư cũng tìm cách rủ nhau gói bánh. Là để cho lũ trẻ có niềm vui như bố mẹ nó thuở xưa.

Đến vui Tết

Như một hệ quả, lo chủ yếu là cái ăn Tết, thì niềm vui ban đầu cũng đến từ câu chuyện ăn. Mà niềm vui cũng giản dị. Vui nhất ở một số cơ quan là hôm mổ lợn. Quãng hăm bảy, hăm tám, cơ quan điều chuyến xe để mấy anh cán bộ Công đoàn đi bắt lợn ở những nơi đã dấm sẵn, thường là các xã, huyện có mối quan hệ thân tình. Bắt lợn Tết cũng là một kì công. Phải tính sao để về là có thể mổ luôn, vừa không lo chỗ nuôi, lợn lại không bị gầy, hao thịt. Một cơ quan mấy chục con người, mổ con lợn chừng bảy, tám chục kí, phải chia thật đều để ai cũng có phần nọ phần kia và cách công bằng nhất là gắp thăm. Ai gắp trúng phần nào nhận phần ấy. Sau khi mọi người đã nhận phần thịt, tiết mục vui nhất là ăn cháo lòng. Cỗ lòng của con lợn, luộc ngay tại chỗ, nấu một nồi cháo thật to, ai cũng được nếm tí tim, gan, phèo, phổi…, hả hê và vui như Tết. Vui vậy, nên có người gia đình ở quê, cũng nán đợi để hôm cơ quan mổ lợn mới về, cũng để nhận phần thịt mang về cho vợ con ở quê.

Niềm vui nho nhỏ khác thuộc về các bà nội trợ. Giờ đã hơn nửa thế kỷ, tôi vẫn không quên được ánh mắt tràn niềm vui của mẹ tôi khi giở túi hàng Tết của Mậu dịch quốc doanh phân phối theo bìa mua hàng gia đình, thấy có miếng bóng bì nở đều, hộp mứt Tết không bị bẹp, gói miến không bị gẫy nát… Một niềm vui mà khi nhớ đến muốn trào nước mắt.

Và Tết mãi còn

Lan man lại nhớ đã có thời mấy bác Tây học bàn tính chuyện bỏ Tết. Lý do là ăn Tết ta cách rách, lại chẳng giống ai, khó hội nhập. Nghĩ vậy nên có chút tiếc nuối, băn khoăn, nếu một ngày nào thế hệ sau quyết bỏ Tết thật. Tết Nguyên đán là Tết truyền thống quan trọng nhất trong năm của người Việt, là biểu tượng gắn bó kết nối mọi gia đình, cộng đồng. Nếu bỏ đi để ăn Tết năm mới dương lịch cùng đa phần thế giới thì sẽ ra sao, còn đâu là tết ông Công, ông Táo, đêm Trừ tịch, phút Giao thừa, sáng Mồng một… Mà lấy đâu ra hoa đào, lộc biếc, mưa xuân… Nghĩ vậy nên thật mừng khi đọc được một dòng tin trên báo Tiền Phong: Tết Nguyên đán trở thành ngày nghỉ lễ của Liên Hợp Quốc. Ngày 22/12, tại trụ sở Liên Hợp quốc (LHQ), New York, Mỹ, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán (Lunar New Year - ngày đầu tiên năm mới âm lịch) là ngày nghỉ lễ hàng năm của LHQ.

Vậy là Tết Nguyên đán, hay như dân gian hay gọi là Tết ta đã được LHQ chính thức công nhận. Việc Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết nêu trên ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có nghĩa quan trọng với các nước vẫn giữ truyền thống ăn Tết Nguyên đán mà còn là tin vui cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới, những người coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Lại mừng cho những con dân đất Việt đang sống nơi các quốc gia Âu Mỹ, chắc có điều kiện để mừng cái tết cổ truyền của dân tộc ấm áp, vui vẻ hơn.

Rót thêm chén trà, bồi hồi nghĩ chuyện tết xưa, tết nay. Lại cứ mong, Tết mãi còn với những ước vọng tốt đẹp mỗi một mùa Xuân.

Tạ Việt Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tan-man-chuyen-tet-368822.html