Tân giáo sư duy nhất ngành Luyện kim, là giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội

Thầy Bùi Anh Hòa - giảng viên Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu - Đại học Bách Khoa Hà Nội là tân giáo sư duy nhất ngành Luyện kim năm 2023.

Ngày 6/11, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

Theo danh sách được công bố có tất cả 589 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

Trong đó, ngành Luyện kim năm nay có số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư tăng gấp 3 lần so với năm 2022 (từ 1 lên 3 ứng viên). Cả 3 ứng viên này (1 giáo sư, 2 phó giáo sư) đều được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Tân giáo sư duy nhất của ngành Luyện kim là Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Hòa.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Hòa là ứng viên giáo sư duy nhất của ngành Luyện kim năm nay. Ảnh: website Đại học Bách Khoa Hà Nội

Theo thông tin tại hồ sơ đăng ký xét công nhận chức danh giáo sư, thầy Bùi Anh Hòa sinh ngày 25/4/1974, quê gốc ở phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội. Hiện, thầy đang là Trưởng bộ môn Kỹ thuật gang thép - Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu - Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Năm 1996, thầy tốt nghiệp ngành Luyện kim, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Thầy Hòa tiếp tục học lên thạc sĩ tại trường và được cấp bằng năm 2001. Năm 2006, thầy nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Khoa học vật liệu và luyện kim tại Trường Đại học Quốc gia Kyungpook - Hàn Quốc.

Thầy được bổ nhiệm/công nhận chức danh phó giáo sư ngày 1/11/2013 ngành Luyện kim. Năm 2023, thầy Hòa đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Sau khi được công nhận chức danh phó giáo sư, thầy Hòa đã dành nhiều thời gian cho việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo đại học và sau đại học cũng như tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu, đồng thời hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chuyên môn do nhà trường, khoa và bộ môn phân công.

Với vai trò là giảng viên bộ môn Luyện kim đen - khoa Luyện kim và Công nghệ vật liệu giai đoạn 10/1998 - 8/2021, Trưởng bộ môn Kỹ thuật gang thép - Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, từ tháng 3/2006 đến nay, thầy đã có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của khoa cũng như Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trong hơn 24 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, thầy Hòa tập trung vào 3 hướng nghiên cứu chủ yếu: Công nghệ khử bỏ tạp chất trong thép lỏng; Thép chuyên dụng và công nghệ sản xuất; Chất thải rắn trong luyện kim và công nghệ hướng tới phát triển bền vững.

Quá trình công tác của Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Hòa. Ảnh: Nhật Lệ

Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Hòa đã hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Thầy đã hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Công Thương.

Đặc biệt, thầy Hòa đã công bố 49 bài báo khoa học, trong đó 16 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín. Đồng thời, thầy đã xuất bản 4 cuốn sách thuộc nhà xuất bản uy tín.

Cụ thể, trước khi được công nhận phó giáo sư, thầy Hòa viết 2 sách giáo trình bao gồm: Luyện thép hợp kim và thép đặc biệt (Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 2010); Luyện thép lò thổi oxy (Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 2013). Hai cuốn sách này thầy Hòa là đồng tác giả với một người khác.

Sau khi được công nhận phó giáo sư, thầy Hòa tiếp tục viết 2 cuốn sách. Trong đó có 1 cuốn sách thầy là đồng tác giả với 3 người khác và 1 cuốn sách thầy viết một mình. Cụ thể, cuốn sách Công nghệ hoàn nguyên trực tiếp (Luyện kim phi lò cao) xuất bản năm 2021 là đồng tác giả. Cuốn sách Công nghệ mới trong luyện thép lò điện hồ quang được thầy viết một mình xuất bản năm 2021.

Về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Hòa đã tập trung thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học để có thể công bố kết quả trong các hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia và các tạp chí khoa học có uy tín trong nước và quốc tế.

Thời gian, kết quả tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Hòa. Ảnh chụp màn hình

Thầy cũng chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cấp bộ và cơ sở. Trong 6 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã nghiệm thu của thầy Hòa, có 1 đề tài cấp cơ sở được xếp loại xuất sắc năm 2020 là: Nghiên cứu nâng cao độ bền của thép cacbon siêu thấp sau quá trình nung nhiệt độ thấp.

Trước khi được công nhận phó giáo sư, thầy Hòa có 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ xếp loại tốt bao gồm: Nghiên cứu chống tái oxy hóa thép lỏng trong quá trình đúc rót (năm 2007); Nghiên cứu tổ chức tế vi và độ bền của thép cacbon cực thấp (năm 2012). Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn lại của thầy Hòa đều xếp loại kết quả đạt

Trưởng bộ môn Kỹ thuật gang thép - Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu còn chủ trì hoặc tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo hoặc chương trình/dự án/đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của cơ sở giáo dục đại học. Kết quả nghiên cứu của các đề tài này đã được chuyển giao bằng nhiều hình thức khác nhau vào hoạt động đào tạo tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội từ năm 2009-2017.

Cụ thể, thầy Hòa là Phó chủ tịch Hội đồng xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ năm 2009 theo học chế tín chỉ, chuyên ngành Khoa học và Kỹ thuật vật liệu kim loại; Hội đồng điều chỉnh chương trình đào tạo sau đại học; Hội đồng phát triển chương trình đào tạo 2017 ngành Kỹ thuật vật liệu.

Ngoài ra, thầy còn là thư ký Hội đồng xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ của khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu.

Chi tiết hồ sơ Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Hòa đăng trên website Hội đồng giáo sư Nhà nước TẠI ĐÂY.

Trong thời hạn 15 ngày, nếu không có đơn thư, phản ánh, chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

16 bài báo khoa học của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Hòa đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus bao gồm:

1, Effects of calcining temperature on SnO2 sensors for CO and NOx gases (Metals and Materials International - năm 2004);

2, Dissolution behavior of alumina in mold fluxes for continuous steel casting (Metals and Materials International - năm 2005);

3, Effect of alumina content and solid phase in molten flux on dissolution of alumina (Metals and Materials International - năm 2005);

4, Dissolution kinetics of alumina into mold fluxes for continuous steel casting (ISIJ International - năm 2005);

5, Dissolution behavior of zirconia-refractories during continuous steel casting (Metals and Materials International - năm 2006);

6, Study on recycling of electric arc furnace dust (Materials Science Forum - năm 2014)

7, Strength and microstructure of cold-rolled IF steel (Acta Metallurgica Slovaca - năm 2016);

8, Experimental processing of ultralow carbon steel using vacuum treatment (Acta Metallurgica Slovaca - năm 2018);

9, Defects of the steel billet in continuous casting (Journal of Metals Materials and Minerals - năm 2020);

10, Change in the strength of steel grade 11 loaded at room temperature (Materials Science Forum - năm 2020);

11, Bake hardening effect of the low strength interstitial free steel (Metallurgical and Materials Engineering - năm 2020);

12, Desulphurization of hot metal in pretreatment process with a flux containing basic oxygen furnace slag and CaO (Lecture Notes in Mechanical Engineering - năm 2021);

13, Hardening effect of the interstitial free steel due to cold rolling (Lecture Notes in Mechanical Engineering - năm 2021);

14, Structures and reduction kinetics of pelletized rich iron ores for iron production: A case study for Na Rua iron ore in Vietnam (Mining, Metallurgy and Exploration - năm 2022);

15, Synthesis of ZnO nanoparticles from electric arc furnace dust (Journal of Mining and Metallurgy, Section B - Metallurgy - năm 2022);

16, Decreasing mechanical properties of the superheater steel grade P22 heated at elevated temperature under constant stress (Acta Metallurgica Slovaca - năm 2022).

Nhật Lệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tan-giao-su-duy-nhat-nganh-luyen-kim-la-giang-vien-dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-post238968.gd