Tận dụng UKVFTA, phát triển kinh tế thương mại Việt Nam - Anh

Kinh tế thương mại Việt Nam - Anh không ngừng được mở rộng trên cơ sở tận dụng tốt UKVFTA, hợp tác an ninh, quốc phòng được thúc đẩy và đi vào thực chất.

Thông tin tại Đối thoại chiến lược Việt Nam - Anh lần thứ 9 do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh Anne- Marie Trevelyan đã đồng chủ trì, hai bên đánh giá quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh phát triển ngày càng sâu rộng và toàn diện của trên tất cả các lĩnh vực, ở cả bình diện song phương và đa phương, nhất là việc hai bên thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược vào năm 2010 và Tuyên bố chung 2020 với 7 lĩnh vực ưu tiên thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của hai nước nâng tầm quan hệ song phương.

Tin cậy chính trị được củng cố với việc duy trì trao đổi đoàn các cấp và cấp cao, qua tất cả các kênh, gần đây nhất là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ đăng quang nhà Vua Charles III, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhân Hội nghị G7 mở rộng (5/2023), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Anh (7/2022).

Ngày 12/6, tại London, Vương quốc Anh, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh Anne- Marie Trevelyan đã đồng chủ trì Đối thoại chiến lược Việt Nam-Anh lần thứ 9

Quốc Vụ khanh Anne-Marie Trevelyan đánh giá cao những thành tựu phát triển và vai trò quốc tế, khu vực của Việt Nam; khẳng định Việt Nam Việt Nam là đối tác quan trọng trong tổng thể chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của Chính phủ Anh.

Kinh tế thương mại không ngừng được mở rộng trên cơ sở tận dụng tốt UKVFTA; hợp tác an ninh, quốc phòng tiếp tục được thúc đẩy và đi vào thực chất.

Việt Nam - Anh khẳng định Việt Nam coi trọng tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược, cho rằng hai bên cần phát huy những kết quả hợp tác tích cực trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục - đào tạo, an ninh - quốc phòng, giao lưu nhân dân và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực hợp tác mới mà Anh có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng mới, tài chính xanh, hạ tầng chiến lược…

Anh hoan nghênh những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP 26 về giảm phát thải về 0 vào năm 2050, việc Việt Nam thông qua Tuyên bố chính trị về chuyển đổi năng lượng công bằng với Nhóm G7; khẳng định Anh sẵn sàng cùng với các đối tác quốc tế và khối doanh nghiệp tư nhân hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược và phát huy các tiềm năng còn rất lớn giữa hai nước trong thời gian tới, hai bên nhất trí đẩy mạnh hoạt động trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; tiếp tục duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương… Cùng với đó, hai bên phối hợp triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) nhằm nâng cao kim ngạch thương mại song phương; khuyến khích các doanh nghiệp Anh tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, kỹ thuật số, tài chính-ngân hàng, đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng chất lượng cao...

Trong lĩnh vực an ninh, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các lĩnh vực di cư, xuất nhập cảnh, phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm công nghệ cao, chống buôn bán người cũng như hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ thực thi pháp luật.

Về hợp tác quốc phòng, hai bên vui mừng trước những tiến triển tích cực trong hợp tác giữa hai nước thời gian qua như thăm hữu nghị Việt Nam của tàu hải quân Anh, Anh hỗ trợ đào tạo quân nhân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc... Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn quốc phòng; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; chia sẻ thông tin nghiên cứu chiến lược; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như an ninh mạng, an ninh biển.

Trên cơ sở ưu tiên chung về hợp tác nông nghiệp và đã ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng tạo định hướng hợp tác trong lĩnh vực này, hai bên đã trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong việc tạo điều kiện mở cửa thị trường của nhau đối với các mặt hàng nông sản, thúc đẩy thương mại gỗ, kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm, giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp cũng như khả năng hợp tác ba bên nhằm đảm bảo vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.

Trao đổi về hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, Quốc Vụ khanh Anne-Marie Trevelyan đánh giá cao Việt Nam đã ủng hộ và hỗ trợ Anh đàm phán gia nhập Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi, phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-Anh.

Hai bên cũng trao đổi một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương lien hiệp quốc, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và lập trường của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực trong đó có bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, thượng tôn pháp luật nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 ở khu vực Biển Đông, ủng hộ xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, dệt may, linh kiện điện tử, đồ gỗ, cà phê, gạo, hoa quả… sẽ có lợi thế khi tiếp cận thị trường Anh, trong bối cảnh nhiều quốc gia chưa có FTA với Vương quốc Anh, đón đầu làn sóng chuyển dịch nhu cầu do xu thế phát triển xanh và bền vững của Vương quốc Anh.

Hà Hương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tan-dung-ukvfta-phat-trien-kinh-te-thuong-mai-viet-nam-anh-258051.html