Tận dụng lợi thế để phát triển đồng bộ các đô thị

TP Tuy Hòa đang được đầu tư xây dựng để trở thành đô thị loại I vào năm 2025. Ảnh: NGỌC THẮNG

Phú Yên là một trong những địa phương được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển đô thị. Tận dụng tối đa lợi thế, các ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển đồng bộ, bền vững. Phân tích rõ hơn vấn đề này, ông Trần Xuân Túc, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết:

- Phú Yên có cấu trúc các đô thị phân thành 3 khu vực tương tối rõ ràng gồm khu vực biển, trung du và miền núi. Đặc biệt, khu vực ven biển gồm TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu, TX Đông Hòa và huyện Tuy An còn nhiều quỹ đất thuận lợi để có thể xây dựng, phát triển đô thị. Đất đai, thổ nhưỡng ở khu vực miền núi của tỉnh cũng có nhiều tiềm năng rất tốt để phát triển nông lâm nghiệp, hình thành vùng nguyên liệu cho ngành Công nghiệp chế biến. Nhiều ao hồ, đầm, vịnh ven biển còn hoang sơ, cảnh quan phong phú nhưng chưa được đầu tư, khai thác.

Tất cả đô thị ở Phú Yên đều có hệ thống trục đường giao thông kết nối hoàn chỉnh, không bị chia cắt. Đường giao thông đối ngoại kết nối liên tỉnh và quốc tế thuận lợi ở tất cả các tuyến, từ giao thông đường hàng không (sân bay Tuy Hòa), đường sắt Bắc Nam, đường bộ (có các tuyến quốc lộ đi qua như: quốc lộ 1, 25, 29, 19C), đường thủy với các cảng biển (cảng Vũng Rô và cảng Bãi Gốc trong tương lai). Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở các đô thị gồm cấp điện, cấp nước đều đã được đầu tư và đáp ứng trên 95% nhu cầu dân cư đô thị.

Ông Trần Xuân Túc

Ông Trần Xuân Túc

* Các đô thị trên địa bàn tỉnh có nhiều phát triển, tuy nhiên vẫn chưa tạo được sức bật mạnh mẽ và đồng bộ. Theo ông nguyên nhân là do đâu?

- Như đánh giá nói trên, Phú Yên có rất nhiều tiềm năng, lợi thế cạnh tranh với những tỉnh lân cận để có thể phát triển kinh tế, làm tiền đề xây dựng phát triển đô thị. Tuy nhiên, thực tế còn rất nhiều thách thức, khó khăn.

Từ năm 2008, Phú Yên được đặt trong phân vùng kinh tế duyên hải Nam Trung Bộ thông qua đồ án quy hoạch xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1086/QĐ-TTg ngày 12/8/2008. Sau đó, Phú Yên lại được đặt trong mối quan hệ liên vùng giữa khu vực Nam Phú Yên và Bắc Khánh Hòa, thông qua đồ án quy hoạch xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 128/QĐ-TTg ngày 2/2/2012.

Các đồ án quy hoạch nêu trên đặt ra nhiều kịch bản phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đô thị, nông thôn; phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế… dựa trên hành lang kinh tế và quan hệ tương hỗ giữa 2 tỉnh ven biển là Phú Yên và Khánh Hòa; trong đó nhấn mạnh mối quan hệ giữa khu vực Nam Phú Yên và Bắc Khánh Hòa, thông qua mối quan hệ hợp tác giữa Khu kinh tế Vân Phong và Khu kinh tế Nam Phú Yên. Nền kinh tế của tỉnh trong nhiều năm, đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển, có tính liên kết vùng miền để khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có; qua đó sẽ thúc đẩy phát triển các đô thị ven biển từ Tuy Hòa đến vịnh Vũng Rô và lan tỏa đến các đô thị còn lại.

Vì nhiều điều kiện khác nhau, việc thực hiện các đồ án nêu trên chưa đảm bảo lộ trình theo kế hoạch đề ra đã làm chậm mất các cơ hội về đầu tư và phát triển. Những định hướng liên kết vùng miền, thông qua các hành lang kinh tế của Phú Yên và các tỉnh lân cận cũng chưa được thực hiện, làm cho nền kinh tế Phú Yên phần lớn phát triển dựa vào nội lực mà chưa có các yếu tố ngoại lực thúc đẩy, kích thích.

Địa hình của tỉnh Phú Yên lại đa số là đồi núi kéo dài tới giáp biển làm cho khu vực đất bằng thuận lợi để xây dựng đô thị thường hẹp và trải dài. Vị trí và cao độ của quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam đã chia cắt các đô thị thành 2 khu vực phía Đông và phía Tây; phía Đông giáp biển, đất đai có điều kiện thuận lợi hơn để xây dựng phát triển còn phía Tây thì ngược lại. Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam như là những đường giới hạn cho sự phát triển các đô thị.

Bên cạnh đó, Phú Yên là tỉnh có mức xuất cư khá cao, tỉ suất di cư thuần trong 5 năm trước của Phú Yên là -3,1%. Vấn đề này làm cho nhu cầu lao động cần thiết trong tỉnh có khả năng khan hiếm trong tương lai gần và các dự báo về tăng trưởng, phát triển đô thị có phần chưa sát với thực tế. Dân cư trong tỉnh phân bố không đồng đều, tập trung nhiều ở các đô thị, nông thôn ven biển và thưa dần về miền núi. Các số liệu khảo sát về địa hình cho thấy, 3/4 diện tích tự nhiên của tỉnh là đồi núi; trong đó, trên 30% diện tích có độ dốc từ 11-40%, chỉ khoảng 50% diện tích có độ dốc tự nhiên <10%; đa số quỹ đất thuận lợi để xây dựng, phát triển đô thị tại Phú Yên là những khu vực ven biển nhưng đang là những khu vực dân cư hiện hữu, khó có khả năng di dời, tái định cư. Những khu vực ven biển khác, chưa có dân cư thì đa số là đồi núi, ao, vịnh làm chia cắt, phân tán không gian, khó có thể hình thành đô thị lớn.

Đô thị Tuy Hòa có nhiều tiềm năng phát triển với núi Nhạn, sông Đà Rằng uốn lượn. Ảnh: NHƯ THANH

Đô thị Tuy Hòa có nhiều tiềm năng phát triển với núi Nhạn, sông Đà Rằng uốn lượn. Ảnh: NHƯ THANH

* Những năm gần đây, thị trường đất ven biển trở nên sôi động, theo ông, đây có phải là rào cản để phát triển đô thị theo quy hoạch chung?

- Thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở các tỉnh miền Trung (trong đó có Phú Yên) trong những năm gần đây diễn ra rất sôi động, đã đẩy giá đất lên rất cao so với mặt bằng chung và vượt xa khả năng tài chính của đại đa số dân cư các đô thị và nông thôn. Những dự án phân lô hầu như chỉ do nhà đầu tư mua đi bán lại để đầu cơ đất đai mà người có nhu cầu thực sự khó có đủ khả năng để mua và xây dựng công trình.

Kể cả các khu vực là đất phát triển các dự án thương mại dịch vụ mà theo Luật Đất đai, thuộc trường hợp chủ đầu tư phải thỏa thuận bồi thường với chủ sử dụng đất, cũng bị đẩy giá bồi thường lên rất cao, xấp xỉ với giá đất ở, nhất là những khu vực ven biển. Hầu hết dự án thương mại dịch vụ ven biển đều bị chậm tiến độ, xin điều chỉnh ranh giới, thay đổi tổng mức đầu tư… vì gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tính giá thuê đất. Điều này đã gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai các quy hoạch chi tiết.

* Theo ông, Phú Yên cần có những giải pháp gì để có thể phát triển các đô thị đồng bộ, thống nhất theo một trình tự, thưa ông?

- Để phát triển đô thị hiện đại và bền vững, chúng ta cần thực hiện những vấn đề cơ bản, thiết thực nhất theo một trình tự với một lộ trình cụ thể. Đó là tập trung phát triển kinh tế đô thị theo hướng liên kết vùng, miền, khu vực; xóa bỏ các giới hạn phát triển để xây dựng cấu trúc đô thị theo hướng liên kết đa điểm, đa cực; nhiều phương pháp quy hoạch mới nên được tiếp cận rộng rãi hơn. Các địa phương giải quyết các xung đột nội tại của đô thị theo hướng tập trung thay đổi tập quán, sinh kế của dân cư ven biển để có thể cải tạo môi trường, khai thác hợp lý đất đai, bình ổn và minh bạch hóa thị trường bất động sản. Những vấn đề trên cần được xem xét và thực hiện trước để làm cơ sở xây dựng, phát triển đô thị hướng tới sự bền vững, ổn định.

* Xin cảm ơn ông!

NHƯ THANH (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/277014/tan-dung-loi-the-de-phat-trien-dong-bo-cac-do-thi.html