Tận dụng không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, do đó rất cần những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay không gian chính sách hỗ trợ cho các ngành sản xuất không còn nhiều. Do đó, không thể bảo hộ các ngành công nghiệp bằng thuế nhập khẩu, bằng trợ cấp xuất khẩu hay những biện pháp trợ cấp cá biệt… Tuy nhiên, đối với ngành sản xuất hàng công nghiệp, vẫn có thể sử dụng công cụ bảo hộ nhất định như các biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, bảo vệ bằng hàng rào kỹ thuật áp dụng chung cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp (DN) nhập khẩu.

Chia sẻ tại Hội thảo “Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa - trường hợp của ngành chế biến xuất khẩu gỗ và ngành bán lẻ” diễn ra ngày 7/10 tại TPHCM, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (thuộc VCCI), cho biết hiện ngành gỗ và bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển trong quá trình hội nhập.

Với ngành chế biến gỗ, tính đến cuối năm 2015, cả nước có khoảng 3.900 DN, 340 làng nghề. Đây là ngành có kim ngạch xuất khẩu tăng 6 lần trong 10 năm (2004-2014), hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trước 5 năm so với kế hoạch.

Đối với ngành bán lẻ, lĩnh vực này không chỉ có tác động xã hội mạnh mẽ bởi thu hút tới hơn 3 triệu lao động đang làm việc, mà còn tác động lớn tới nền kinh tế khi nắm giữ vai trò đầu ra cho nhiều ngành sản xuất và tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế.

Mặc dù vậy, hiện nay, các DN FDI đang đầu tư ồ ạt vào các kênh bán lẻ hiện đại, còn kênh bán lẻ truyền thống cạnh tranh yếu, thiếu chuyên nghiệp, sản xuất nội địa mất đầu ra.

Cần thêm chính sách hỗ trợ?

Đề cập về những chính sách hỗ trợ ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, ngành bán lẻ đang đứng trước một số khó khăn như bất cập trong lưu thông hàng hóa từ nhà sản xuất nội địa đến bán lẻ; thiếu lao động có năng lực; khó khăn về mặt bằng kinh doanh và về vốn…

Theo bà Loan, để ngành bán lẻ trong nước cạnh tranh với các DN FDI, cần có các chính sách hỗ trợ. Đó là thúc đẩy hình thành các trung tâm giao dịch kết nối các nhà bán lẻ, nhà sản xuất; tăng cường kiểm soát Nhà nước về chất lượng hàng hóa; ưu đãi đầu tư đối với ngành bán lẻ, khuyến khích cho vay tín dụng cho các nhà bán lẻ nhỏ và vừa; cải cách cơ chế hành chính về thuế đối với DN bán lẻ; các chính sách khuyến khích đào tạo lao động ngành bán lẻ.

Đối với ngành gỗ, ông Trần Lê Huy, đại diện Hiệp hội gỗ Bình Định cho rằng, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, các DN ngành gỗ sẽ có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, các DN ngành gỗ cũng sẽ đối mặt với một số rủi ro trong quá trình hội nhập. Nhiều DN vẫn chưa nắm bắt được những yêu cầu cụ thể về thị trường xuất khẩu, tính pháp lý nguồn gốc gỗ nguyên liệu, quy định về sử dụng lao động, quy định liên quan đến hóa chất sử dụng trong sản phẩm...

Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia trong lĩnh vực gỗ của Tổ chức Forest Trend (Hoa Kỳ), để loại bỏ rủi ro đòi hỏi ngành gỗ cần hội nhập chủ động, điều này yêu cầu nỗ lực của tất cả các bên liên quan. Cụ thể, về phía DN cần tuân thủ các quy định của Việt Nam, tăng cường trách nhiệm giải trình, tìm hiểu kỹ thông tin thị trường xuất khẩu, nhất là các yêu cầu về mặt quy chuẩn kỹ thuật.

Hiệp hội ngành gỗ phát huy vai trò là đầu mối thông tin, đặc biệt thông tin xác định rủi ro và kiến nghị các biện pháp cần thiết đối với DN và cơ quan quản lý nhằm giảm thiểu rủi ro. Với cơ quan quản lý, cần hỗ trợ DN về thông tin thị trường và hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý chuỗi cung.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ DN

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TPHCM cho rằng, không gian chính sách của Việt Nam bị giới hạn bởi những cam kết quốc tế, tuy nhiên, đối với thị trường trong nước, không gian chính sách cho nền kinh tế do chính chúng ta giới hạn. Khi chúng ta dành nguồn lực ưu tiên cho lĩnh vực này thì tiềm lực dành cho lĩnh vực khác sẽ bị hạn chế.

Nguồn lực của Nhà nước là hạn chế, chính vì vậy, khi dành nguồn lực ưu tiên cho ngành nào thì cần tính toán một cách cụ thể hiệu quả mà nó mang lại, nhằm tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Ông Trần Đức Thịnh, Phó Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM cho rằng, ngành nghề nào cũng cần hỗ trợ. Tuy nhiên, các hiệp hội ngành nghề cần phải kiến nghị cụ thể và chi tiết là hỗ trợ cái gì, hỗ trợ đến đâu, dự báo xu hướng và những tác động ảnh hưởng đến xu hướng phát triển.

Đồng thời, dựa trên các yếu tố: Năng lực của Nhà nước, thực trạng DN, không gian chính sách còn những gì, từ đó Nhà nước mới có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với từng ngành nghề phát triển.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN, ngành hàng, tuy nhiên do dàn trải ở nhiều lĩnh vực nên mang lại hiệu quả chưa cao.

Hiện nay, tại Việt Nam có tới trên 95% là các DN nhỏ và vừa (DNNVV) tập trung trong tất cả các lĩnh vực, chính vì vậy, Nhà nước cần sớm ban hành cũng như đẩy mạnh thực thi các chính sách hỗ trợ DNNVV một cách hiệu quả hơn. Đây là một trong những cách hữu hiệu nhất để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa. Đồng thời, các DN nội địa cũng cần phải chủ động trong việc tận dụng không gian chính sách mà Nhà nước hỗ trợ.

Lê Anh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/tan-dung-khong-gian-chinh-sach-ho-tro-cac-nganh-kinh-te-noi-dia/288480.vgp