Tầm vóc thế giới của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở Việt Nam

Vào năm 2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một sự vinh danh văn hóa truyền thống Việt Nam ở tầm thế giới.

Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ là một hình thức tín ngưỡng thuần Việt đặc sắc được hình thành trên nền tảng tín ngưỡng thờ nữ thần. Đây là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ qua lịch sử. Ảnh: Bàn thờ của tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ (ảnh trong bài chụp tại BT Phụ nữ Việt Nam).

Người Việt theo tín ngưỡng thờ Mẫu thờ cúng các nữ thần cùng với các vị thánh là những nhân vật trong lịch sử hoặc huyền thoại, có công với dân, đất nước và có quyền năng trong các điện thờ. Ảnh: Tượng các nữ thần (Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thiên và Mẫu Thoải) trong đạo Mẫu.

Sức mạnh và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu chính là đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt, cầu tài, cầu lộc, sức khỏe, làm ăn, buôn bán, những niềm mong ước tốt đẹp cho cuộc sống hàng ngày. Ảnh: Trang phục dùng trong nghi lễ hầu đồng của đạo Mẫu.

Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân ở khắp các vùng miền Việt Nam. Ảnh: Trang phục của giá chầu Cô Bé Thượng Ngàn.

Sau một thời gian trầm lắng, tín ngưỡng thờ Mẫu đã phát triển trở lại từ đầu thập niên 1990, với sự thực hành tự nguyện của các con nhang, đệ tử và người thực hành di sản, huy động, góp tiền hỗ trợ cho việc duy trì lễ hội và trùng tu di tích thờ mẫu. Ảnh: Trang phục của giá chầu Ông Hoàng Mười.

Đến năm 2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một sự vinh danh văn hóa truyền thống Việt Nam ở tầm thế giới. Ảnh: Trang phục của giá chầu Mẫu Đệ Tam.

Hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận với những tiêu chí nổi bật sau: “Di sản được coi là một phương thức quan trọng đối với các cộng đồng để thể hiện ký ức lịch sử, bản sắc văn hóa, tinh thần đoàn kết và đáp ứng nhu cầu tâm linh”. Ảnh: Chi tiết trên một bộ trang phục hầu đồng.

“Việc ghi danh di sản này sẽ góp phần vào khả năng bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản ở các cấp độ khác nhau, do có những điểm tương đồng văn hóa...”. Ảnh: Chi tiết trên một bộ trang phục hầu đồng.

“...giữa các cộng đồng và các nhóm người tôn thờ các thánh mẫu (nữ thần) như là biểu tượng của lòng từ bi và ban ơn trong các phần còn lại của thế giới, và sự kết hợp của đạo giáo, Phật giáo và nhiều tôn giáo khác đại diện cho di sản này”. Ảnh: Đồ mã hiến tế cho các giá hầu đồng.

“Đây là di sản chung của nhiều nhóm dân tộc ở Việt Nam, do đó việc ghi danh sẽ khuyến khích đối thoại và tôn trọng sự đa dạng văn hóa ở cấp địa phương”. Ảnh: Lễ vật dâng lên Thánh trong tín ngưỡng thờ mẫu.

“Sự sáng tạo của con người sẽ phong phú hơn vì các yếu tố nghệ thuật của di sản bao gồm những bộ trang phục, điệu múa và âm nhạc chiếm một vị trí quan trọng trong lễ hội”. Ảnh: Đàn tranh, một nhạc cụ truyền thống dùng trong hát văn - lễ nhạc chầu Thánh trong đạo Mẫu.

Mời quý độc giả xem video: Non nước hữu tình Chùa Tam Chúc | VTV24.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/tam-voc-the-gioi-cua-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-o-viet-nam-1965441.html