Tâm tình của người làm công tác bạn đọc

Nhiều năm qua, từ khi bước chân vào nghề báo cũng là lúc tôi nếm trải những giây phút nghẹn ngào xúc động, khi những bài báo của mình giúp được những người dân, lấy lại lẽ phải và sự công bằng. Những lá thư cảm ơn, cuộc gọi điện hỏi thăm của bạn đọc khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp.

Lá thư cảm ơn của bạn đọc vụ ao cầu Nảy.

Cảm xúc trào dâng khi giúp người dân đòi được công bằng

Gần 12 năm qua, tôi vẫn trân trọng, gìn giữ lá thư ấy, coi đó là một món quà vô giá mà bạn đọc “tặng” cơ quan mình. Nội dung cũng chẳng có gì là to tát nhưng tôi tin đó là những tâm sự thật, sự gửi gắm niềm tin của bạn đọc dành cho báo. Bức thư được đề ngày 8/8/2007 với tiêu đề: “Thư cảm ơn Báo Gia đình & Xã hội”. Bức thư viết: “Đại gia đình chúng tôi xin chân thành cảm ơn ông Tổng Biên tập và các phóng viên Báo Gia đình & Xã hội đã trực tiếp điều tra, đăng tải nhiều bài về vụ việc ao Cầu Nẩy (xã Thanh Mai, huyện Quốc Oai, Hà Tây), giúp con cháu chúng tôi được minh oan.

Báo Gia đình & Xã hội đã nhiều lần làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tây, điều tra, đăng tải nhiều bài báo trong suốt thời gian dài. Nhờ có tiếng nói của Báo mà đã giúp cho nhiều người thấy vấn đề bất bình thường và sai phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án.

Đến nay, những oan khuất, khổ đau, tổn thất, mất mát trong suốt gần 4 năm qua đã được làm sáng tỏ. Vào các ngày 6-7/8/2007, HĐXX sơ thẩm lần 2 của TAND tỉnh Hà Tây đã tuyên 3 cháu: Nguyễn Trường Đại, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Đức Thuận vô tội. Đề nghị các trường Đại học Bách khoa, Cao đẳng Sư phạm Hà Tây, UBND xã Thanh Mai khôi phục quyền lợi chính đáng cho 3 cháu: Đại, Nhân, Thuận…

Báo Gia đình & Xã hội thật xứng đáng là tờ báo của cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Đại gia đình chúng tôi xin chúc quý báo ngày càng phát triển, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho bạn đọc. Chúc các phóng viên ngày mạnh khỏe, công tác tốt”.

Cũng xin kể lại một vài chi tiết của vụ án này. Theo đó, bắt đầu từ việc tranh chấp sử dụng khu ao Cầu Nảy (xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ). Năm 1990, anh Nguyễn Văn Thuần ở Ba Hàng Mai, Thanh Mai ký hợp đồng thuê thầu khu vực ao Cầu Nảy với HTX nông nghiệp Thanh Mai. Trong khi anh Thuần đang sử dụng thì ngày 15/2/2004, khoảng 20 người lạ mang cuốc xẻng lên khu ao Cầu Nảy san cát xuống ao. Gia đình ông Thuần kéo đến ngăn cản không cho san cát xuống ao dẫn đến hai bên ẩu đả, xô xát, giằng co. Kết quả, cả hai bên đều thương tích. Nguyễn Trường Đại, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Đức Thuận bị bắt giữ và khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích. Ngày 21/7/2005, TAND tỉnh Hà Tây đưa vụ án ra xét xử theo trình tự sơ thẩm và tuyên Đại 8 năm tù giam, Nhân 24 tháng tù giam, Thuận 30 tháng tù giam. Sau đó, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Sau đó, nhận được đơn kêu cứu của gia đình các bị cáo, nhóm phóng viên Báo Gia đình & Xã hội đã nhiều lần về địa phương, tiếp xúc với những nhân chứng và phát hiện, thời điểm này, các bị cáo trên đều không có mặt tại địa phương do đang bận học tại các trường Đại học Bách Khoa và Cao đẳng Sư phạm Hà Tây. Trong các ngày 6-7/8/2007, TAND tỉnh Hà Tây sơ thẩm lần 2 và tuyên các bị cáo “không phạm tội cố ý gây thương tích”. Những nhận định của tòa tương đồng với các quan điểm mà Báo Gia đình & Xã hội đã đăng tải trước đó.

Đối tượng bị án tù và nỗi buồn của người cầm bút

Vợ chồng ông Lân vui mừng khi nhận lại căn nhà tổ tiên

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, chúng tôi - những phóng viên mảng điều tra, đơn thư bạn đọc không sung sướng gì khi phải chứng kiến những đối tượng sau khi bị phản ánh phải hầu tòa và bị án tù. Bởi lẽ, họ cũng có gia đình, mỗi bản án ấy không chỉ mình họ đau mà còn kéo theo bao liên lụy của những người thân khác như: Bố, mẹ, vợ, con… Thật sự, khi tham dự những phiên tòa của các vụ án như vậy, chúng tôi khá đau xót. Trong sâu thẳm, chúng tôi luôn ước rằng, giá như họ biết điểm dừng, giá như họ không để xảy ra các sai phạm thì đã không có kết cục đau đớn ngày hôm nay.

Cách đây khoảng 8 năm, tôi có tiếp một cặp vợ chồng già tìm đến Báo Gia đình & Xã hội cầu cứu với một chồng đơn trên tay. Tôi vẫn nhớ như in vào cái buổi trưa của một ngày đầu tháng 6/2011, trời nắng như thiêu, như đốt, một người đàn ông tóc đã nhuốm bạc, gương mặt đẫm mồ hôi, trên tay cầm một chiếc cặp đã sờn rách lóng ngóng trước cánh cổng Báo Gia đình & Xã hội. Được mời vào phòng tiếp bạn đọc, người vợ òa khóc, tha thiết đề nghị Báo Gia đình & Xã hội cử phóng viên vào cuộc giúp đỡ gia đình lên án hành vi sai trái của chấp hành viên. Rồi người vợ ấy kể, do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình ông đã phải rời bỏ nơi “chôn rau, cắt rốn” tại xã Kiến Quốc (huyện Ninh Giang) di cư vào TP Biên Hòa (Đồng Nai) sinh sống. Ở mảnh đất mới, không người thân thuộc, công ăn việc làm không ổn định khiến cuộc sống gia đình ông lại càng thêm khó khăn.

Để thoát nghèo, ông đã nghĩ đến việc cho con trai đi xuất khẩu lao động. Nghe tin Công ty Cổ phần Tân Thịnh (quận Gò Vấp, TPHCM) tuyển người đi xuất khẩu tại Singapore, ông Lân đã mang 2000 USD (đặt cọc) nộp cho Đoàn Đức Việt - Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Thịnh. Ít lâu sau, Việt bị bắt về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Lân đã tìm đến trụ sở Công ty này đòi lại tiền thì tình cờ gặp khoảng 13 lao động quê Hải Dương cũng gặp cảnh tương tự. Gặp nhau nơi “đất khách quê người”, lại cùng cảnh ngộ nên 13 lao động này đã nhờ ông Lân đòi hộ với tổng số tiền 38.000 USD.

Khi vụ án đưa ra xét xử, Việt bị TAND Hà Nội tuyên mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trớ trêu thay, bản án cũng tuyên ông Lân phải bồi hoàn cho 13 bị hại với số tiền 38.000 USD. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, căn cứ Hồ sơ ủy thác thi hành án Số 78/QĐ-THA ngày 4/9/2009 của Thi hành án dân sự Hà Nội, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ninh Giang đã ban hành các quyết định thi hành án, buộc ông Lân phải trả tiền cho các bị hại.

Nghe tin, ông Lân vội ra Bắc, vay mượn họ hàng được 405 triệu đồng nộp cho Nguyễn Văn Hùng - Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ninh Giang để chuộc lại căn nhà. Trớ trêu thay, sau khi nhận được tiền của ông Lân, Hùng đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền này mang đi đánh bạc và không còn có khả năng khắc phục.

Được sự phân công của lãnh đạo Báo Gia đình & Xã hội, nhóm phóng viên đã vào cuộc tiến hành xác minh vụ việc. Sau khi có đầy đủ các chứng cứ, Báo Gia đình & Xã hội đăng tải loạt bài điều tra về những sai phạm trên tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ninh Giang. Cơ quan điều tra (VKSND Tối cao) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Hùng về 2 hành vi “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. TAND tỉnh Hải Dương đã xét xử bị cáo Hùng về hai tội danh trên và tuyên phạt mức án 30 năm tù giam; yêu cầu bị cáo Hùng có trách nhiệm trả cho vợ chồng ông Lân hơn 400 triệu đồng đã chiếm đoạt. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng giải kê biên, trả lại căn nhà cho vợ chồng ông Lân.

Món quà ân tình của bạn đọc “tặng” phóng viên

Bị cáo Hùng bị tuyên án 30 năm tù giam

Còn nhớ, trong một lần đi thực tế, tìm hiểu viết bài về một xã vùng biển thuộc tỉnh Thanh Hóa. Theo phản ánh của người nông dân thì lãnh đạo xã đã “đẻ” ra nhiều khoản phí bất hợp lý đối với người nông dân, khiến cuộc sống của họ vốn đã khó khăn lại càng thêm chồng chất khó khăn. Sau khi làm việc với các cơ quan chức năng của địa phương, phóng viên chuẩn bị trên đường ra Hà Nội, một người nông dân đã mang 2 chai nước mắm ra làm quà. Biết chúng tôi có ý định chối từ, bác nông dân này nhã nhặn: “Đây chỉ là món quà quê, mong nhà báo không từ chối”.

Phóng viên đi viết bài về nỗi vất vả, khó khăn của người nông dân lại nhận quà của họ, thật chẳng ra làm sao. Nhưng tôi nghĩ đó là tấm lòng, là sự gửi gắm của những người nông dân “chân lấm tay bùn” nên đã nhận. Trên đường đi ra Hà Nội, bác tài xế xe khách cứ thắc mắc xe chạy điều hòa sao cứ có mùi nước mắm phảng phất ở đâu mang lại. Sự việc bại lộ, nhà xe cương quyết bắt để đồ lại. Mất nhiều công sức thuyết phục, cuối cùng 2 chai nước mắm ấy đã theo chúng tôi ra được đến Hà Nội. Đã nhiều năm trôi qua, câu chuyện về những chai nước mắm của người nông dân tỉnh Thanh luôn nhắc nhở tôi phải rèn luyện, phấn đấu nhiều hơn nữa trong công việc.

Với những thành tựu 20 năm qua của Báo Gia đình & Xã hội, tôi tin tưởng rằng tờ báo sẽ không ngừng phát triển lớn mạnh, trở thành người bạn đồng hành, gần gũi và tin cậy đối với bạn đọc.

"Đại gia đình chúng tôi xin chân thành cảm ơn ông Tổng Biên tập và các phóng viên Báo Gia đình & Xã hội đã trực tiếp điều tra, đăng tải nhiều bài về vụ việc ao Cầu Nẩy (xã Thanh Mai, huyện Quốc Oai, Hà Tây), giúp con cháu chúng tôi được minh oan.

Thư cảm ơn Báo Gia đình & Xã hội”

Quốc Tuấn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/tam-tinh-cua-nguoi-lam-cong-tac-ban-doc-20190619094912853.htm