Tâm, tầm hay tài?

Trong từng điều kiện, bối cảnh cụ thể, người thông minh sẽ biết vận dụng tố chất nào - tâm, tầm hay tài - để giải quyết vấn đề.

Là người gắn bó với Chương trình Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can từ những ngày đầu Giải thưởng ra đời, bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo đã dành nhiều tâm huyết và cả công sức cho việc truyền đạt kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm vươn tới thành công cho giới trẻ.

>> Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can lần 2-2012

Trao thưởng cho sinh viên đoạt Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can

Bà Quân tham gia hầu hết các Chương trình giao lưu doanh nhân và sinh viên (trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can) ở các trường đại học trên cả nước. Sau mỗi buổi giao lưu, bà đều viết lại cảm nhận của mình, như một cách để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với tất cả các bạn trẻ chưa có cơ hội tiếp cận và học hỏi với những người thành đạt.

Bài viết dưới đây được bà viết sau chuyến giao lưu với sinh viên Trường ĐH Cần Thơ hôm 7/4/2012:

So với sinh viên Đại học Nông Lâm TP.HCM, sinh viên đại học Cần Thơ có vẻ e dè hơn. Nhưng có một điều đáng mừng tôi cảm nhận được là các chàng trai, cô gái thế hệ 9X ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi được biệt danh “Cần Thơ gạo trắng nước trong” thật sự có cách nhìn nhận, suy nghĩ thực tế hơn, thể hiện ở cách đặt câu hỏi mang tính thực tế hơn, những câu hỏi đôi lúc xoáy vào “nỗi đau” như ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Vissan đã phát biểu, và nó thực sự làm cho những doanh nhân ngày nay phải “trăn trở” rất nhiều…

Các em thắc mắc: Thế nào là một ý tưởng kinh doanh được đánh giá là khả thi và thành công? Làm sao tạo được sự khác biệt, cũng như tìm được chỗ đứng cho một doanh nghiệp sanh sau đẻ muộn trước một xã hội đầy tính cạnh tranh khốc liệt như ngày nay? Tại sao Việt Nam là một nước nông nghiệp mà không định hướng phát triển được như Isreal? Phải chăng đã có sự mặc định trong cách sắp xếp thứ tự ưu tiên về những tố chất cần của một doanh nhân là TÂM, TẦM và TÀI ? Cần bao nhiêu thời gian cho sự chuyển tiếp từ vai trò làm thuê sang làm chủ?...

Một ý tưởng kinh doanh được đánh giá là khả thi và thành công chính nhờ vào yếu tố đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của xã hội và người tiêu dùng, nó phải mang tính ứng dụng và thực tiễn cao nhằm cải thiện được chất lượng cuộc sống của con người.

Muốn khởi nghiệp, điều trước tiên phải xác định “Mình đã thực sự biết gì? Những kiến thức đó có đủ để mình bước những bước đi chập chững và hun đúc được đam mê với nghề để rong đuổi suốt một hành trình - khởi nghiệp và lập nghiệp?”. Sự lung túng, bối rối, thậm chí là mất phương hướng thường là do thiếu sự chuẩn bị và khả năng tổ chức thực hiện với những ai lần đầu khởi nghiệp.

Trong kinh doanh, nếu không tạo được sự khác biệt thì khó mà “chen chân” vào thị trường và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Tạo sự khác biệt trong một sản phẩm hay dịch vụ chính là thể hiện “cái hồn” mà người chủ doanh nghiệp muốn thổi vào sản phẩm và dịch vụ đó (lời chia sẻ của bà Thanh Lâm – PTGĐ Sài Gòn Foods).

Việt Nam là một nước nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lúa gạo đứng nhì thế giới. Những trái cây ngon như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, thanh long Phan Thiết… của Việt Nam hoàn toàn không thua kém các sản phẩm cùng loại của Thái Lan và Philipines. Song quá trình tạo dựng thương phẩm, ngoài sự nhận thức, nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp, rất cần bàn tay hỗ trợ của Chính phủ thông qua những chủ trương, chính sách phù hợp.

Một điều quan trọng mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn sinh viên là mục đích của việc kiếm tiền cần được xác lập - kiếm tiền để thỏa mãn những ước muốn gì.

Cái “tâm” của người muốn làm chủ cần lắm những hạt giống tâm hồn. Có một trải nghiệm 20 năm về trước, mà khi nghĩ lại, tôi vẫn không cầm lòng được. Đó là câu chuyện về sự bủn xỉn, keo kiệt của người chủ mà tôi làm thuê lúc ấy. Tôi đã nuôi ước muốn làm giàu để “mọi người đều được uống nước suối” sau cảm giác uất ức khi bị ông chủ dằn giọng rằng “Nước suối là dành cho bọn chủ tụi tao uống!”.

Còn cái “tầm” muốn nói lên điều gì? Đó chính là những kiến thức, chuyên môn, cách hành xử mà doanh nhân cần phải tự trang bị, học tập và trui rèn không ngừng. Nó không khác gì so với tiêu chí “Học tập kiến thức, rèn luyện nhân cách” của giới sinh viên.

Và cái “tài” chính là đòi hỏi khả năng lãnh đạo và quản lý của người trong vai trò “đứng mũi chịu sào”.

Muốn làm chủ, phải hội đủ 3 yếu tố ấy. Bạn đừng hỏi cái nào quan trọng hơn, hay cần điều gì trước. Để thành công trong vai trò làm chủ, bạn cần có cả ba yếu tố ấy.

Và điều cuối cùng, đừng quá quan trọng chuyện làm chủ hay làm thuê, mà nên biết làm chủ bản thân ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, như lời chia sẻ của diễn giả Lại Minh Duy - Tổng giám đốc TST. Cần tạo lập thói quen “tiết kiệm” ngay từ những đồng tiền kiếm được khi đi làm thuê để tích góp thành một số vốn cần cho việc khởi nghiệp sau này. Điều này sẽ không bao giờ là thừa với những ai muốn khởi nghiệp. Thời gian chuyển tiếp là bao nhiêu năm còn tùy thuộc vào năng lực của mỗi người, nhưng yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa là những tác nhân sẽ cấu thành sự thuận lợi hay khó khăn cho việc biến giấc mơ thành hiện thực.

Nguồn DNSG: http://doanhnhansaigon.vn/online/su-kien-doanh-nghiep/clb-doanh-nhan-sai-gon/2012/04/1063423/tam-tam-hay-tai/