Tâm sự của một thương binh

Khi còn học cấp I, cấp II ngoài bố mẹ nuôi dạy tôi khôn lớn, tôi còn nghe các thày cô nói về Năm điều Bác Hồi dạy.

Mỗi ngày lớn lên tôi mơ ước sẽ phục vụ nhân dân bằng con đường văn hóa, nghệ thuật. Ước mơ vậy nhưng trước dã tâm xâm lược của giặc Mỹ, với lòng nhiệt huyết như bao thanh niên thời ấy tôi tự nguyện viết đơn nhập ngũ khi vừa 18 tuổi, tháng 8 năm 1966.

Theo chính sách tôi được miễn nghĩa vụ quân sự vì bố tôi mất sớm, gia đình chỉ có tôi là con trai cùng một em gái nhỏ dại. Dù vậy tôi vẫn quyết tâm xin đi.

Rời trường lớp, xa quê hương cùng người mẹ thân thương, tôi không khỏi chạnh lòng.

Được cầm súng bảo vệ Tổ Quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, niềm tự hào của tuổi trẻ chúng tôi.

Tôi hòa nhập với đồng đội hát vang bài " Vì nhân dân quên mình" của nhạc sỹ Doãn Quang Khải.

........

Bị thương nặng tôi phải chuyển về tuyến sau. Tôi xác định phải cố gắng từng phút từng giờ trong điều trị, luyện tập để nhanh hồi phụcc được trở lại chiến trường chiến đấu cùng đồng đội thân yêu. Tôi đã cố ý giấu bớt các vết thương khi giám định sức khỏe. Tôi rất buồn không được cống hiến nhiều cho nhân dân khi Hội đồng giám định Trung ương xác định tôi mất sức 81%.

Tôi đã nghĩ đến hình ảnh Paven trong " Thép đã tôi". Tôi nhớ đến lời của Bác với thương binh" tàn nhưng không phế" để động viên mình vươn lên.

Sau thời gian điều dưỡng thương tật , tôi viết đơn xin về sống với gia đình.Thời gian này sau 1975 đất nước còn đầy rẫy khó khăn, tôi cùng vợ con chăn lợn, nuôi gà, tích lũy dần..

Có lao động, sống thuận hòa, tinh thần vui vẻ cùng với sự tích cực luyện tập nên sức khỏe tôi dần dần khá hơn

Trí não còn minh mẫn, sức khỏe được hồi phục phần nào, tôi chở khách hàng ngày để giúp vợ nuôi các con ăn học. Có nhiều lần tôi cho các cháu học sinh, sinh viên đi xe của tôi có khó khăn nợ tiền hoặc cho luôn tiền các cháu vì tôi nghĩ chúng cũng như con cháu mình vậy.

Vợ chồng tôi cần kiệm, dần dần làm được nhà ở, mua sắm các thiết bị trong gia đình như ti vi, tủ lạnh, máy giặt. Vợ chồng tôi sống mẫu mực, dạy bảo các con ngoan ngoãn, học tập với kết quả tốt.

Thể lực còn 19%, tôi tham gia công tác xã hội ở địa phương, làm tổ trưởng dân phố, 15 năm Chi hội trưởng CCB cơ sở.

Tôi nhớ đến quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Cái ngày tôi đi bộ đội, xóm làng người thì 5 đồng, người thì 10 đồng góp lại liên hoan và trao tay tôi lên đường. Thời ấy khổ lắm, dân làng phải ăn khoai, ăn sắn .

Quê tôi bị tàn phá nhiều trong chiến tranh, thiên tai thường xuyên. Lứa thanh niên chúng tôi ra đi đánh giặc, người đã hy sinh để lại cha mẹ già ốm yếu, nhiều người đàn bà góa bụa, tội tình. Nghĩ đến họ, tôi đau lòng!

Đã nhiều năm, hàng ngày trước khi trao tiền cho vợ, tôi để lại một ít bỏ ống tiết kiệm. Mỗi năm thăm quê một vài lần, tôi phá ống. Số tiền đó dùng để mua bánh kẹo cho trẻ nhỏ, thuốc bổ cho người yếu, quần áo cho người khó khăn. Lúc đầu là họ hàng, về sau tôi mở rộng tặng quà cho bà con xóm làng.

Đón xuân 2007, thông qua cán bộ chính sách xã, tôi đã trao tặng hàng chục bộ quần áo tới các gia đình khó khăn. Có người nhận quà đã gặp tôi nói lời cảm ơn.

Tôi chỉ nghĩ đơn giản, tôi là bộ đội Cụ Hồ, nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống ở lứa tuổi 20. Tôi được đồng đội cứu giúp sau mỗi trận gian nguy, được nhân dân đùm bọc che chở yêu thương. Tôi may mắn sống sót để nhìn thấy đất nước thanh bình , đang ngày càng đổi mới.

Những việc làm của tôi thật nhỏ bé. Trong tiềm thức của tôi luôn học tập, lao động theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.

Trái Tim Người Lính

Đặng Sỹ Ngọc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tam-su-cua-mot-thuong-binh-a13313.html