Tầm quan trọng của trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

Việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC, ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã tạo ra những bước chuyển mới hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ðồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý tiếp cận với dịch vụ pháp lý miễn phí của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sóc Trăng.

Để thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC, ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, hàng năm, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Sóc Trăng và các ngành thành viên của Hội đồng đã ban hành các văn bản triển khai, trong đó quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong công tác trợ giúp pháp lý.

Theo đồng chí Lương Thị Ngọc Hân - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, trung tâm đã phối hợp, cung cấp đầy đủ cho các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, cấp huyện, trại tạm giam và nhà tạm giữ tờ gấp pháp luật, sổ tay hỏi đáp pháp luật, bản thông tin về trợ giúp pháp lý… Ngoài ra, trung tâm còn thông báo danh sách, số điện thoại của người thực hiện trợ giúp pháp lý khi có thay đổi đến các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, cấp huyện, trại tạm giam và nhà tạm giữ. Khi tiến hành tố tụng phát hiện các vụ việc có đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì cơ quan tiến hành tố tụng gửi thông báo hoặc liên hệ qua điện thoại trung tâm để yêu cầu cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng đảm bảo theo quy định. Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã triển khai hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý với nhiều hình thức đa dạng, như: cung cấp tờ gấp pháp luật, sổ tay hỏi đáp pháp luật, hộp tin...

Kiểm tra việc thực hiện phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại thành phố Sóc Trăng. Ảnh: KIM NGỌC

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện 219 vụ việc. Theo đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng, việc tham gia bào chữa, bảo vệ của lực lượng trợ giúp pháp lý đã góp phần giúp hội đồng xét xử có cách nhìn toàn diện, khách quan, từ đó đưa ra những phán quyết hợp tình, hợp lý, đúng người, đúng tội. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng, quan điểm bào chữa, bảo vệ cho người được trợ giúp pháp lý của trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Sóc Trăng Phan Văn Tùng cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Sóc Trăng và Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sóc Trăng có sự phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên với nhau. Khi có trường hợp cần phải thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ được cán bộ tiếp công dân trực tiếp hướng dẫn, giải đáp các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời đề nghị trung tâm cử thành viên tham gia các hoạt động tố tụng theo đúng quy định. Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Sóc Trăng cũng như các cơ quan tư pháp luôn tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng và pháp luật về trợ giúp pháp lý. Từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2022, đơn vị đã kịp thời tham gia kiểm sát việc giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí đối với 24 vụ/37 trường hợp người tham gia tố tụng hình sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý và có yêu cầu trợ giúp pháp lý...

Trong những năm qua, số lượng, chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được chú trọng nâng cao, hoạt động trợ giúp pháp lý đã có những chuyển biến tích cực, tạo góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Có thể khẳng định, trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng không chỉ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người yếu thế trong xã hội, mà còn góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong quần chúng nhân dân…

Đồng chí Trần Ngọc Thanh Phong - Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp cho biết, mới đây, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Sóc Trăng thành lập đoàn kiểm tra các đơn vị, cơ quan tiến hành tố tụng, nhà tạm giữ trên địa bàn tỉnh, nhằm kiểm tra, nắm tình hình tổ chức triển khai, phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Qua kiểm tra, các đơn vị được kiểm tra đã thực hiện đảm bảo đầy đủ trách nhiệm theo quy định thông tư liên tịch nói trên. Khi tiến hành tố tụng, phần lớn những người tiến hành tố tụng thực hiện đúng quy định về trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra đối tượng được trợ giúp pháp lý; giải thích quyền được trợ giúp pháp lý theo quy định. Đa số các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đảm bảo việc giao các văn bản tố tụng đầy đủ và đúng thời hạn cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý. Các đơn vị cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng trong các giai đoạn tố tụng.

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/tam-quan-trong-cua-tro-giup-phap-ly-trong-hoat-dong-to-tung-65997.html