Tâm nguyện chưa tròn của người cựu binh Gạc Ma

Trở về từ trận hải chiến Gạc Ma 14/3/1988 với thương tật hạng 2/4, cựu binh Trần Văn Tự (SN 1964) vẫn lạc quan và đầy nghị lực trước cuộc sống khó khăn. Mong ước cả đời của ông là các con được học hành tử tế, được sống trong một mái nhà lành lặn. Thế nhưng đến những phút cuối đời, niềm mong ước nhỏ đó của ông vẫn chưa thể trọn vẹn.

Bà Đào Thị Thảo thắp nén hương lên bàn thờ cho chồng. Ảnh: T.G

Vất vả mưu sinh

Buổi sớm một ngày đầu tháng 3, chúng tôi đến thôn An Truyền, Phú An, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế ghé thăm gia đình cựu binh Gạc Ma Trần Văn Tự. Trong ngôi nhà nhỏ của mình, bà Đào Thị Thảo (SN 1971, vợ của binh Trần Văn Tự) vẫn đang tất bật sắp xếp việc nhà để chuẩn bị cho công việc chính của mình. Đã 8 năm kể từ ngày chồng đột ngột ra đi sau một vụ tai nạn giao thông, mọi gánh nặng gia đình đều đặt cả lên đôi vai bà Thảo.

Biết chúng tôi đến thăm hỏi gia đình trong dịp đặc biệt này, bà Thảo không khỏi xúc động. Thắp một nén hương lên bàn thờ cho chồng, bà cho biết tháng 3/1986 chồng mình là Trần Văn Tự tham gia nhập ngũ vào Đại đội 9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83 Hải quân. Sau trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, ông may mắn sống sót và trở về với tấm thẻ thương binh hạng 2/4, mắt phải bị mù lòa, hội chứng cánh tay, hội chứng đáy phổi.

“Dù thương tật đầy mình nhưng anh Tự rất chịu khó làm ăn. Nhiều khi trái gió trở trời, con mắt bị thương đau buốt, những vết thương cũ khắp mình hành hạ nhưng anh vẫn cắn răng không kêu ca sợ vợ con lo lắng. Anh hay động viên tôi chăm chỉ làm việc, dành dụm tiền nuôi các con ăn học nên người. Sau nữa gắng xây một ngôi nhà nhỏ để con có chỗ che nắng, che mưa. Thế nhưng khi mong ước này chưa thực hiện được thì anh mất”, bà Thảo ngấn lệ.

Trở về sau trận hải chiến, năm 1991 cựu binh Trần Văn Tự kết hôn với bà Đào Thị Thảo và có với nhau bốn mặt con. Quanh năm vất vả với mấy sào ruộng nhưng không đủ để chăm lo cho cuộc sống, người cựu binh Gạc Ma bèn kiếm chiếc xe đạp, ngày ngày rong ruổi trên khắp các con đường của TP. Huế bán bánh bao dạo mong kiếm thêm thu nhập.

Công việc bán bánh vất vả, ra khỏi nhà từ đầu giờ chiều thì đến tận khuya mới về đến nhà. Cho đến một đêm muộn đầu tháng 12/2009, trên chặng đường mưu sinh, tai nạn thương tâm đã cướp đi tính mạng người cựu binh. Ông mất đi để lại vợ và bốn đứa con thơ với bao dự định còn dang dở.

Gắng nặng những đứa con

Để có tiền lo cho con ăn học, vợ của cựu binh Trần Văn Tự vừa làm nghề châm nón vừa tranh thủ giữ trẻ kiếm thêm thu nhập

Ngày cựu binh Trần Văn Tự mất, bà Thảo không còn thiết sống. Lúc đó, con đầu đang học lớp 12, đứa út học lớp 7. Mơ ước về một mái nhà chưa trọn vẹn thì nay các con lại đứng trước nguy cơ phải bỏ học. “Anh thường nói với con gái đầu “khi mô con đi thi đại học, xa tới Sài Gòn ba cũng đưa đi, miễn con cố gắng học hành”. Vậy mà…”, bà Thảo xúc động.

Bà Đoàn Thị Thí, hàng xóm của gia đình ông Tự chia sẻ: “Ngày anh Tự mất để lại bốn đứa con, gia sản chỉ có chiếc xe cà tàng, nhà cửa lại không có, chị Thảo cứ khóc ngất. May nhờ động lực tinh thần là cả bốn đứa con đều thương mẹ và rất hiếu học mà chị đã cố gắng vượt lên tất cả, gắng làm việc để cho con ăn học tử tế”.

Hiện tại, cuộc sống của cả gia đình bà Thảo rất khó khăn. Con gái đầu của ông bà là Trần Thị Hảo (SN 1992) tốt nghiệp Cử nhân Điều dưỡng Đại học Y dược – Đại học Huế đã hơn hai năm nay nhưng không xin được việc. Ba em tiếp theo của Hảo là Trần Thị Mộng Kiều, Trần Văn Hào và Trần Thị Kiều Oanh đang là sinh viên theo học các trường đại học ở Huế. Vừa làm nghề châm nón, bà Thảo lại tranh thủ giữ trẻ nhưng thu nhập chưa đến 70.000 đồng/ngày không thể nào lo đủ cho các con. Mọi chi phí học hành đành phải dựa vào khoản vay chế độ sinh viên và hộ nghèo chưa biết bao giờ mới trả hết.

Còn nhớ, cách đây khoảng một năm khi chúng tôi tìm đến nhà cựu binh Trần Văn Tự, Hảo đang học tiếng ở Hà Nội để chuẩn đi Nhật. Trò chuyện qua điện thoại, giọng em đượm buồn: “Ngày ba mất đi mọi gánh nặng đều một mình mẹ gánh vác. Là chị cả, em chỉ biết cố gắng học thật tốt để có thể thay ba giúp mẹ thoát nghèo. Xa mẹ và các em cũng buồn lắm, nhưng em quyết định đi để kiếm tiền, một phần lo cho các em ăn học, một phần giúp mẹ trang trải nợ nần”.

Thế nhưng, khi nghe bà Thảo chia sẻ về cuộc sống của Hảo hiện tại đang ở Nhật ai cũng cảm thương. Lau vội nước mắt, bà Thảo kể: “Cách đây vài hôm, cháu điện về cho tôi rồi khóc. Nó bảo là qua đó khó khăn, phải làm từ sáng đến tối và mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng. Biết khổ như thế này thì tôi không bao giờ cho nó đi. Qua đó nó vẫn vì mẹ và mấy em chắt bóp kiếm tiền gửi về trả nợ”.

Bà Thảo gạt nước mắt bày tỏ: “Tôi mong ước sao các con được học hành đến nơi đến chốn. Và mong các cơ quan đoàn thể tạo điều kiện để mẹ con tôi cất được một ngôi nhà nhỏ, thỏa được tâm nguyện của chồng lúc còn sống”.

Được biết, lâu nay cả năm nhân khẩu gia đình bà Đào Thị Thảo vẫn phải sống ở nhà từ đường của ông bà nội. Ngày cựu binh Trần Văn Tự còn sống, chính quyền có cấp cho gia đình một mảnh đất nhỏ để xây nhà. Nhưng chưa kịp thực hiện ước muốn đó thì ông đột ngột qua đời.

Trao đổi với PV về hoàn cảnh gia đình của cựu binh Trần Văn Tự, ông Phan Minh Việt – Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết: “Anh Tự ngày trước là thương binh hạng 2/4. Gia đình anh hiện cũng thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Ngày trước chính quyền cũng có cấp cho anh chị một miếng đất nhưng tiếc là anh chưa kịp làm nhà thì không may qua đời. Khi anh chưa bị nạn, vợ chồng tảo tần giúp nhau. Sau ngày anh mất đi gia đình gặp quá nhiều khó khăn khi một mình chị Thảo phải cáng đáng mọi công việc, lo cho các con ăn học. Chị Thảo và các cháu cũng đang rất cần sự giúp đỡ từ mọi người”.

Lê Chung – Đức Hoàng

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tam-nguyen-chua-tron-cua-nguoi-cuu-binh-gac-ma-20170314083952174.htm