“Tắm mình” trong sắc xuân cồng chiêng

- Sau Festival Cồng chiêng quốc tết Tây Nguyên – 2009, tôi lại có dịp về Tây Nguyên trong những ngày giáp Tết Tân Mão. Qua giới thiệu của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, tôi lang thang đến các buôn làng của người Ba Na, người J’Rai, người Ê Đê để thưởng thức tiếng cồng chiêng xuân. Và hình như trong tiết trời cao nguyên se lạnh, trong cái nắng vàng như mật ong, tiếng cồng chiêng càng làm cho bầu trời, núi rừng, sông suối thêm âm vang, lồng lộng và linh thiêng. Không gian ấy chảy vào lòng người, cuộn vào tim người, rạo rực...

Cách TP. Pleiku 45 km về phía Đông là cụm 3 làng Ba Na: Đê Ktu, Đê Cốp và Đê Đoa nằm trên địa bàn huyện Mang Yang. Đây được coi như một trong những cái nôi của cồng chiêng Ba Na ở Gia Lai và Tây Nguyên. Các già làng kể rằng, cồng chiêng Đê Ktu có từ hồi Đam San và Xinh Nhã. Nhiều đời nay Đê Ktu giàu nhất, nhì Tây Nguyên về cồng chiêng. Trước đây, có nhà mua sắm được 3, 4 bộ cồng chiêng quý hiếm. Con trai trong làng ai cũng biết chơi chiêng. Thiếu nữ Ba Na ở Đê Ktu xinh đẹp nghiêng ngả núi rừng và múa xoang làm chao đảo tâm hồn những chàng trai. Trong những ngày lễ hội tra hạt, thổi tai, bỏ mả, cúng giọt nước…tiếng cồng chiêng ở Đê Ktu vang vọng vào đất trời, đến thần linh cũng phải đắm say, nhảy múa. Ngày nay, những tay chiêng “lừng danh” của làng là các anh Kân, Khuynh, Bình…mỗi khi chơi chiêng vẫn làm cho con cá ngừng bơi, con chim sà cánh, núi phải cúi đầu, con gái phải ngất ngây. Những ngày Festival Cồng chiêng ở Pleiku, tôi đã được nghe đội cồng chiêng Đê Ktu của huyện Mang Yang chơi bản “Ca ngợi Anh hùng Núp”, “Mừng lúa mới”, “Âm vang núi rừng”. Mặc dù chưa hiểu nhiều về âm sắc cồng chiêng, nhưng nghe những giai điệu rộn rã, những âm thanh vang vọng, tôi cảm giác như cả Tây Nguyên đang vào hội. Anh Kân nói với tôi: “Người Ba Na mình yêu cồng chiêng cũng giống như yêu vợ, yêu người thân vậy. Vắng tiếng chiêng, người ta chẳng thiết làm gì nữa”. Những năm gần đây, người Tây Nguyên đã biết vui Tết cổ truyền của dân tộc. Đây cũng là thời điểm vào vụ lúa mới, nên buôn làng nào cũng mở hội đánh chiêng. Ngày xuân, cả buôn đến nhà rông nghe Chủ tịch nước chúc Tết, sau đó uống rượu cần, chúc tụng nhau những lời tốt đẹp và chơi cồng, đánh chiêng, múa xoang. Anh Khuynh bảo: “Vợ mình nói ngày Tết cổ truyền có tiếng cồng chiêng, có múa xoang làm cho đất trời sum họp, cây cối tốt tươi, con người hạnh phúc”. Làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) tựa lưng vào đỉnh Kon Ka Kinh cao vút và soi mình xuống dòng Ayun xanh thẳm. Ở đây, quanh năm được nghe tiếng cồng chiêng rộn rã và được xem những điệu múa xoang uyển chuyển, đẹp đến mê hồn. Già làng Piơch, người đã sống 85 mùa rẫy nói: “Trước đây nhà mình có 4 bộ chiêng quý đấy. Từ ngày “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thanh niên làng mình biết đánh chiêng nhiều lắm, con gái càng múa dẻo, hát hay”. Năm nay, tuy bị ảnh hưởng của mưa lũ, nhưng làng Kon Brung vẫn còn nhiều lúa, nhiều heo, nhiều gà để cúng Giàng trong ngày Tết. Làng sẽ tổ chức lễ hội để cúng giọt nước, mừng lúa mới, mừng năm mới. Vào các buổi tối, những nghệ nhân lớn tuổi như già Piơch, già Blênh, già Alin vẫn dạy lớp trẻ đánh cồng chiêng. Người Kon Brung tự hào với tiếng chiêng của làng không chỉ có “tiếng” ở Gia Lai, mà còn vang vọng ở Thủ đô Hà Nội, Nha Trang và nhiều địa phương khác trong cả nước. Già làng Piơch muốn giữ tôi ở lại vui xuân với bà con, nhưng khi biết tôi muốn đi Chư Pah nên ngậm ngùi: “Mày đi đâu thì đi, nhưng đừng quên tiếng cồng chiêng ở Kon Brung nhé”. Hôm tôi về làng Mrông Yố (xã Ia Ka, huyện Chư Pah) mặt trời chuẩn bị đi ngủ. Già Rơchâm Uek - một nghệ nhân chỉnh chiêng tài hoa của người J’Rai đang ngồi khoanh chân giữa một đống cồng chiêng lớn nhỏ trong nhà rông. Tay trái của ông nâng chiếc chiêng lên, tay phải dùng dùi gõ gõ vào khắp mặt chiêng, đôi mắt lim dim, đôi tai như vểnh lên để kiểm định từng âm thanh một. Khi chỉnh xong phía ngoài, già gõ vào núm chiêng và nở một nụ cười nói với đám thanh niên vây quanh: “Nó kêu hay lắm rồi đấy”. Chỉ đợi có vậy, những “tay chiêng” trẻ cầm cồng, cầm chiêng lên hòa vào nhịp gõ. Giàn âm thanh mê hoặc ấy ùa vào không gian, chảy dài theo thời gian, lan mãi ra xa, rất xa. Quay sang phía tôi, già Rơchâm Uek kể: “Tiếng cồng chiêng đã ngấm vào máu thịt của người Tây Nguyên từ ngàn đời nay. Con muốn tập thì ở đây với làng ba mùa rẫy”. Theo già làng, trong những ngày Tết cổ truyền, ngày lễ, tiếng cồng chiêng ở Mrông Yố không chỉ vang lên các trường ca, sử thi và những giai điệu xưa, mà còn thể hiện được nhiều bản nhạc ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ và cảnh đẹp của non sông, đất nước. Già bảo: “Giữ gìn và phát huy được văn hóa của cồng chiêng, là giữ được cái hồn, cái đẹp và sự linh thiêng, phồn thịnh của Tây Nguyên”. Rời Tây Nguyên đại ngàn, nơi không gian đầy ắp tiếng cồng chiêng và những điệu múa xoang say ngất, lòng tôi chơi vơi, hẫng hụt. Đâu đó, những nụ cười của các thiếu nữ J’rai, Ê Đê, Ba Na cứ như muốn nói: “Nếu yêu Tây Nguyên mình, mùa xuân hãy về đây, tắm mình trong tiếng cồng chiêng và những điệu múa xoang”.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=445442&co_id=30374