'Tâm lý học tích cực' - Đón nhận cuộc sống bằng tinh thần sẵn sàng

'Tâm lý học tích cực' là cuốn sách đáng để đọc của nhóm tác giả: Edward Hoffman và William C. Compton. Sách dùng phát triển bản thân và sống tỉnh thức mỗi ngày để hạnh phúc trọn vẹn.

Chúng ta không cần phải là nhà tâm lý học cũng biết được rằng căng thẳng luôn có hại cho con người cả về thể chất lẫn tinh thần. Có rất nhiều nghiên cứu theo hướng mới đã cho rằng những phiền toái nhỏ hằng ngày cũng ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc của chúng ta.

Và cuối cùng họ đã đi đến kết luận: Không phải số lượng rắc rối mà bạn gặp phải, mà chính là việc coi chúng là rắc rối lớn mới chính là vấn đề đáng bàn. Nếu xem đó là những điều mà bạn phải trải qua, thì đó chính là sức mạnh của hệ miễn dịch tự nhiên được gọi là tâm lý học tích cực. Tinh thần sẵn sàng cũng là một trong những điều cốt lõi của tâm lý học tích cực. Đó là sẵn sàng làm việc, xử lý những tình huống. Cũng theo cuốn sách, nếu hàng ngày bạn chủ động liệt kê danh sách những vấn đề mà chính mình đang gặp phải và suy nghĩ theo cách sẵn sàng vượt qua nó, dần dà theo thói quen nó sẽ hình thành trong bạn những phản xạ rất tự nhiên theo hướng tâm lý tích cực.

Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào bồi dưỡng tâm lý tích cực trong cuộc sống hàng ngày?

Theo nghiên cứu ở một Trường Đại học tại Anh, việc thường xuyên thăm các bảo tàng sẽ góp phần tăng trưởng chỉ số hạnh phúc và sức khỏe. Trong một nghiên cứu khác, họ đã tiếp tục chỉ ra rằng, việc ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật khiến con người ta thấy vui như là đang yêu. Cụ thể, nó sẽ kích hoạt sự gia tăng chất dopamine ở vỏ trán của não, dẫn đến cảm giác vui vẻ phấn khích.

Phục hồi cũng là một trạng thái quan trọng và được bàn đến rất kĩ trong cuốn sách.

Theo nhóm tác giả, phục hồi có nghĩa là trở lại trạng thái bình thường từ những tình huống khó khăn. Cụ thể là lấy lại thành công từ những sự việc không mong muốn, cũng như lấy lại cảm giác an toàn, hạnh phúc và hy vọng cho tương lai.

Mặc dù các sự việc trong cuộc sống thường bất ngờ và không mong muốn, khiến chúng ta rất căng thẳng, nhưng một số nhà tâm lý học về sự phát triển tin rằng chúng ta cần phải thích nghi với những khó khăn để trưởng thành hơn và kiên cường hơn. Đúng hơn, cuộc sống không có thử thách có thể dẫn đến sự nông cạn và khiến ta bỏ lỡ cơ hội phát triển cá nhân.

Có bằng chứng cho thấy sự phục hồi có liên quan đến cách mọi người xây dựng những câu chuyện về cuộc sống của họ. Có thể hiểu rằng, phục hồi liên quan đến việc chúng ta tạo ra những câu chuyện của riêng mình về con người chúng ta, những gì chúng ta đã giải quyết, những gì chúng ta đã học và nơi chúng ta sẽ đi tiếp trong cuộc sống.

Đối với hoạt động này, hãy nghĩ về khoảng thời gian hoặc nhiều khoảng thời gian trong cuộc sống mà bạn phải thích nghi khi đối mặt với nghịch cảnh, bi kịch, các mối đe dọa hoặc những nguồn căng thẳng lớn, hay là một tình huống khó khăn. Nếu bạn không xử lý tốt, bạn có thể rơi vào cay đắng, hối hận triền miên, mất tự tin đáng kể và thậm chí trầm cảm.

Rõ ràng không phải ai cũng kiên cường theo cùng một cách. Khả năng phục hồi của mỗi người sẽ là riêng biệt. Nên tốt nhất, bạn cần ý thức cao, ghi chú, suy ngẫm và thực hành theo cách riêng của mình.

Hãy khởi động tâm lý học tích cực và hành động nó hằng ngày bằng những gì bạn có thể như mở một cánh cửa, tình nguyện xách đồ, nhường đường cho ai đó khi tham gia giao thông, nấu bữa tối cho ai đó, hoặc trả thêm tiền cho mỗi lần mua hàng cho một ai đó mà thâm tâm bạn mách bảo. Hoặc thực hành tha thứ cho người khác. Martin Luther King đã nói từ năm 1967: “Người không có năng lượng để tha thứ thì cũng không có năng lượng để yêu thương”.

Một nghiên cứu đến từ Đại học Wisconsin (Mỹ) đã đề xuất 4 bước: Khám phá cảm xúc tức giận hoặc phẫn nộ của ai đó, quyết định tha thứ, làm việc để điều chỉnh lại thông qua sự thấu cảm và làm sâu sắc hơn ý nghĩa của bản thân sau một tổn thương. Nếu làm theo 4 cách này thì các cá nhân có thể giảm bớt lo lắng và đau khổ.

Hãy lắng nghe tiếng gọi từ trong chính bản thân mình, để trí tưởng tượng chắp cánh hiện thực, và dẫn lối bước đi bản thân bằng một trạng thái tâm lý tích cực nhất, chủ động và tinh thần sẵn sàng. Có lẽ hạnh phúc với mọi người dù định dạng hay gọi tên bằng nhiều cách khác nhau, song chân giá trị hầu như không thay đổi, đó là biết trao đi, sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình!

Nguyễn Hường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/tam-ly-hoc-tich-cuc-don-nhan-cuoc-song-bang-tinh-than-san-sang/30318.htm