Tấm lòng với điệu dân ca quê mình

Biết anh từ thuở còn tấm bé khi anh còn là cậu bé hát dân ca rất hay ở Trường THCS Trường Thi, cứ ngỡ rằng sau này Ngân sẽ đi theo con đường sân khấu chuyên nghiệp. Nhưng không, anh chọn cho mình con đường khó nhưng nhiều sự cống hiến ngọt ngào.

Ấy thế mà tôi không khỏi bất ngờ khi sau này gặp lại, Nguyễn Thành Ngân đã là một cán bộ văn hóa ở miền quê ví giặm Hưng Nguyên. Anh nói đó là ước nguyện của anh, vì ở vai trò này anh vừa được hát, vừa được lan tỏa ví, giặm theo cách mà anh cho là bền vững.

Nguyễn Thành Ngân - Cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Hưng Nguyên. Ảnh: NVCC

Hết lòng với dân ca trong cộng đồng

Được xem Nguyễn Thành Ngân, cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Hưng Nguyên thị phạm dân ca cho CLB Dân ca Sông Lam do anh sáng lập từ 2 năm nay mới thấy sự hiểu biết và mức độ cầu toàn của người cán bộ văn hóa này. Từ các khúc thức đến các trổ dân ca đều được anh gọi tên với sự hiểu biết của một người đã có nhiều năm nghiên cứu và nằm lòng với câu dân ca. Các hội viên người là nghệ nhân ưu tú, người là nghệ nhân nhân dân nhưng cũng có người chỉ say mê câu dân ca mà vào hội với ước nguyện được hát và tắm mình trong môi trường này.

Nguyễn Thành Ngân và bạn diễn trong một không gian diễn xướng ví, giặm. Ảnh: NVCC

CLB Dân ca Sông Lam đến nay đã có tới 50 hội viên ở khắp các miền quê trong tỉnh. Họ đã cùng tập dượt nhiều chương trình, đi biểu diễn nhiều nơi với mong muốn được lan tỏa câu dân ca quê mình đến mọi tầng lớp nhân dân. Với họ được hát, được sinh hoạt dân ca cùng nhau là niềm vui, là lẽ sống của đời mình. Nguyễn Thành Ngân chính là người nắm bắt được những tâm tư và ước nguyện đó. Anh ngày đêm nghiên cứu cách thức sinh hoạt cho hội và kết nối với các tổ chức, cá nhân, các địa chỉ du lịch để anh, chị em có nơi được thỏa niềm đam mê.

Anh Ngân cho biết: “Dân ca ví, giặm muốn bảo tồn và phát huy được cần phải trả nó về cho nhân dân. Đồng thời, người hát dân ca phải có được nhiều không gian diễn xướng phù hợp với thời đại mới có thể bền vững. Đó cũng chính là lý do mà tôi tập hợp và kêu gọi anh, chị em đam mê dân ca thành lập CLB Dân ca Sông Lam”.

Nguyễn Thành Ngân cùng bạn diễn trên một sân khấu. Ảnh: NVCC

Ngoài hành trình thắp lửa và trao truyền dân ca cho nhiều tầng lớp nhân dân thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ Dân ca Sông Lam thì Nguyễn Thành Ngân còn được biết đến là người phát hiện, dìu dắt và bồi dưỡng những nghệ nhân ở khắp các làng quê. Với anh, để bảo tồn và phát huy dân ca trong thời đại số cần nhất vẫn là đội ngũ trao truyền thắp lửa được cho thế hệ trẻ. Ấy vậy, nên người nắm giữ di sản phải thực sự là người có tâm huyết trao truyền, đồng thời phải có kỹ năng tổ chức thực hành. Vậy là cuộc hành trình tìm kiếm xây dựng và bồi dưỡng được anh và cán bộ văn hóa huyện dày công vun đắp.

Nguyễn Thành Ngân (giữa) trong lễ ra mắt CLB Dân ca ví, giặm huyện Hưng Nguyên. Ảnh: NVCC

Những nghệ nhân được các anh gây dựng là Nghệ nhân Thu Hương- người hát dân ca hay bậc nhất của xã Hưng Tân. Bà từng được Nhạc sỹ Lê Minh Sơn mời tham gia dự án âm nhạc đồng quê, khi về biểu diễn tại Nghệ An. Nghệ nhân Thu Hương là người có giọng hát dân ca ngọt ngào sâu lắng, và có vốn dân ca khá phong phú, thế nhưng, để bà phát huy được vai trò lan tỏa câu dân ca trong cộng đồng của mình thì cần có sự hướng dẫn mạch lạc của cán bộ trung tâm.

Hay như ông Phan Nguyên Khoa - CLB Dân ca thị trấn Hưng Nguyên, cũng là nghệ nhân được cán bộ trung tâm và Nguyễn Thành Ngân gây dựng và hướng dẫn từ những ngày hoạt động ban đầu.

“Với anh Khoa và chị Hương chúng tôi rất nhiều cảm hứng trong “cầm tay chỉ việc”, bởi họ có tình yêu dân ca vô bờ bến. Cái quan trọng là phải hướng dẫn cho họ hoạt động như thế nào để đúng vai trò, và lan tỏa được tình yêu, nhiệt lượng cho cộng đồng, những hạt nhân dân ca mới trong xã, trong xóm…”.

Nghệ nhân quan họ Bắc Ninh và Nguyễn Thành Ngân trong lần giao lưu giữa 2 miền di sản. Ảnh: NVCC

Hay việc thành lập và hướng dẫn hoạt động các CLB dân ca cấp xã trên địa bàn Huyện Hưng Nguyên, Nguyễn Thành Ngân đã có những cách thức tiếp cận để các câu lạc bộ hoạt động đúng, chuẩn chỉnh và tạo được cảm hứng cho các thành viên. Mỗi kỳ sinh hoạt các câu lạc bộ phải có đề mục rõ ràng, như: Tập bài gì, cần thành thục điệu gì.

“Nhiều khi chỉ là một trích đoạn nào đó thôi nhưng cái trổ dân ca này khó, nên nhiều người hát chưa tốt, vì vậy, chúng tôi luôn phải hướng dẫn để họ biết được cách hát đúng nhất, tuân thủ bản nguyên nhất” - anh Ngân nói.

Theo anh, một câu lạc bộ dân ca cấp xã đứng được dài hơi cần nhất vẫn là sự sát sao của cán bộ văn hóa trung tâm và sự nhiệt tâm của chính các thành viên. Thế nên, hơn 20 câu lạc bộ dân ca ví, giặm cấp xã trên địa bàn Hưng Nguyên hiện nay vẫn hoạt động khá đều tay. Các thành viên câu lạc bộ đều có tâm huyết và niềm say mê rất lớn với điệu ví, giặm quê mình.

Để phát huy được di sản và bảo tồn nó một cách vững chắc, Thành Ngân luôn tự tìm một hướng đi mới cho Dân ca xứ Nghệ trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Anh đề xuất với trung tâm kết nối với các miền di sản, nhằm trao truyền cho họ những cái hay, cái đẹp của Dân ca xứ Nghệ. Đồng thời qua đó, những người thực hành di sản Dân ca Nghệ Tĩnh cũng được thấm đẫm những sự tinh túy của các miền di sản. Anh đã kết nối với các câu lạc bộ Dân ca quan họ Bắc Ninh, với Dân ca bài Chòi, và Đờn ca tài tử. Từ đó, các cuộc giao lưu giữa các miền di sản diễn ra khá đều đặn trong nhiều năm qua.

Một cán bộ trung tâm văn hóa cấp huyện, ngoài việc bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao, truyền thanh ở cơ sở xã, họ còn phải tổ chức, cung ứng dịch vụ, phong trào, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; nhu cầu tiếp nhận thông tin, nâng cao dân trí, nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn huyện. Bởi thế, cán bộ như anh Ngân được Nhân dân đặt tên là "người có hàng trăm vai trên hai vai”.

“Chúng tôi có thể trèo cột điện để treo cờ, căng pano, áp phích, lại vừa hướng dẫn tổ chức các chương trình nghệ thuật cấp huyện, cấp xã, nhưng đồng thời có thể biểu diễn trên sân khấu như những diễn viên”, anh Ngân tâm sự.

Yêu dân ca là được sống với nó mọi nơi, mọi lúc

Sinh ra ở thành phố Vinh, nơi mà giới trẻ sớm được tiếp cận với nhiều hình thức giải trí, thế nhưng, ngay từ thuở thiếu thời, Thành Ngân từng được bạn bè, thầy cô biết đến là người hát dân ca say mê và đắm đuối. Anh hát mọi lúc, mọi nơi, thuộc ngay những giai điệu khó, những lời ca cổ khó chỉ sau một vài lần nghe qua. Bởi thế, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông anh chọn thi vào Trường Cao đẳng văn hóa - nghệ thuật thì gia đình đã rất ủng hộ.

“Thế nhưng, thay vì đi theo chuyên nghiệp tôi lại chọn cho mình hướng đi hoạt động cộng đồng. Điều này cũng lại gây bất ngờ cho những người biết và yêu quý mình từ nhỏ. Việc chọn con đường được gần gũi với Nhân dân, được hướng dẫn họ sinh hoạt dân ca đó là ước muốn lớn nhất của tôi”, Thành Ngân kể.

Một tiết mục Thành Ngân biểu diễn với NSƯT Minh Thành. Clip: NVCC

Niềm đam mê được hát lên những giai điệu da diết, nhớ thương là mong muốn suốt đời của Thành Ngân. Bởi thế, trong suốt quá trình công tác tại Trung tâm Văn hóa huyện Hưng Nguyên hễ có kỳ liên hoan nghệ thuật quần chúng nào là Ngân đều được trung tâm tín nhiệm lựa chọn, không chỉ vì khả năng của anh mà còn vì tình yêu và trách nhiệm mà anh dành cho sân khấu quê hương.

Thành Ngân đã giành được nhiều thành tích trong suốt quá trình hoạt động không chuyên: Huy chương Bạc cuộc thi "Đời sống văn hóa nông thôn mới" toàn quốc năm 2013; Huy chương Vàng Liên hoan nghệ thuật quần chúng khu vực Bắc Trung Bộ năm 2017; Giải Vàng chương trình “Câu hò nối những dòng sông” năm 2017; Giải A Hội diễn Đàn và hát dân ca 3 miền năm 2018; …

Những ngày này, anh đang tham dự hội thi tuyên truyền lưu động toàn quốc. Anh nói rằng, đi đến đâu các tuyên truyền viên xứ Nghệ cũng được đón tiếp nồng hậu, được bạn bè các tỉnh phía Bắc chờ đợi để được thưởng thức những câu Dân ca xứ Nghệ mộc mạc, ân tình. Với họ, đó là phần thưởng và niềm hạnh phúc lớn lao nhất.

Thanh Nga

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/tam-long-voi-dieu-dan-ca-que-minh-post287040.html