Tấm lòng tình nguyện với Trường Sa

Ngày đầu tiên đến đảo Trường Sa, thị trấn Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, tôi bắt gặp hình ảnh thầy giáo trẻ quây quần hát cùng nhóm trẻ lứa tuổi mầm non. Cảm nhận khoảnh khắc dễ thương, tôi lân la hỏi thăm mới biết đây là thầy giáo tình nguyện xin ra đảo Trường Sa để dạy cấp mầm non.

Háo hức đến với Trường Sa!
Trường Sa - Hải trình thiêng liêng - Bài 2: Song Tử Tây tươi đẹp
Tác nghiệp ở Trường Sa
Trường Sa xanh

Một góc đảo Trường Sa.

Gieo chữ nơi đảo xa

Thầy giáo trẻ tên Cao Văn Truyền, 35 tuổi, quê huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Viết đơn tình nguyện ra gieo chữ ở đảo Trường Sa, anh Truyền chia sẻ: "Ðiều này xuất phát từ ước muốn khi còn nhỏ là trở thành lính hải quân, được một lần canh gác trên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Không có duyên thực hiện, nên khi biết tin Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Khánh Hòa có công văn tuyển giáo viên ra Trường Sa, tôi xung phong tình nguyện đi. Vừa để gieo chữ cho các em nhỏ ở đảo, vừa được cống hiến một phần sức trẻ cho Trường Sa thân yêu".

Vì số học sinh không nhiều nên cấp mầm non ghép chung thành một lớp, từ 3-5 tuổi. Thầy Truyền cho biết: "Tuy không chia lớp theo độ tuổi nhưng trong giảng dạy tôi sẽ luân phiên, phân bổ phù hợp để dạy chữ, tô màu, phân biệt chữ số... Tôi cũng thường xuyên trao đổi với đồng nghiệp ở đất liền qua điện thoại để cập nhật thông tin, kiến thức nhằm giảng dạy các em tốt hơn. Các em ở đây có môi trường tốt, được gặp gỡ các chú bộ đội, tham gia chương trình văn nghệ, giao lưu cùng các đoàn công tác nên dạn dĩ, tự tin".

Thầy Cao Văn Truyền tập bài hát cho các em nhỏ trên đảo.

Thầy Lê Xuân Hạnh, quê huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, cũng viết đơn tình nguyện ra đảo, dạy tại Trường Tiểu học Trường Sa. Có 35 năm gắn bó với nghề gõ đầu trẻ ở đất liền, thầy Hạnh từ lâu đã ước mong được đặt chân đến đảo Trường Sa. Còn vài năm nữa là về hưu nên thầy mong muốn những năm tháng công tác còn lại này thật ý nghĩa và cống hiến hết mình cho vùng biển đảo thiêng liêng Trường Sa.

Thầy Hạnh chia sẻ: "Gắn bó với đảo xa quanh năm bốn bề sóng vỗ, càng thấy yêu thêm đảo nhỏ xinh đẹp, con người hiền hòa trên đảo. Và những tháng ngày công tác tại đây sẽ là trải nghiệm quý báu, chân thực nhất để cho tôi sau này sẽ tiếp tục truyền dạy cho lớp trẻ". Thầy Hạnh bảo, con trai cả của thầy hiện là giáo viên tiểu học, cũng mong ước sớm được ra Trường Sa cống hiến như bố.

"Cảm động hơn nữa là Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa rồi, vốn nghĩ nơi đảo xa chắc ngày lễ sẽ không được quan tâm nhiều như đất liền, nhưng thực tế thì khác. Ngày 20/11 năm qua có thể nói là năm đặc biệt trong bao nhiêu năm dạy học của tôi. Từ sáng sớm, chỉ huy đảo và các hộ dân đã âm thầm chuẩn bị rồi tổ chức một buổi lễ chúc mừng với đầy đủ hoa, quà và sự quan tâm ân cần đầy xúc động", thầy Hạnh chia sẻ.

Thầy giáo Lê Xuân Hạnh tận tâm với trò nhỏ nơi đảo xa.

Nơi hải đảo, sóng điện thoại kém, mạng Internet không có, nên rất hạn chế để cập nhật thông tin, kiến thức so với trong đất liền. 2 thầy giáo sáng tạo, tận dụng mọi thứ trên đảo như: sách, báo, tivi, các hình ảnh trực quan sinh động... tích hợp vào tiết dạy để nội dung bài học thêm phong phú, tạo tâm lý hứng thú cho các em. Cứ thế, sự gắn kết thầy trò mật thiết hơn, trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Những em bé Trường Sa với ánh nhìn trong veo, vẻ vô tư, hồn nhiên, thuần khiết của các em cứ thế được lưu giữ trọn vẹn nhất. Nhiều trẻ lớn lên ở đảo, khi về đất liền học cấp 2 đã thành những cô, cậu bé tự tin, dạn dĩ trước đám đông, giàu tình cảm và kiến thức không thua kém bạn bè ở đất liền.

Tình nguyện chăm sóc sức khỏe trên đảo

Gần trường học là Trạm Y tế thị trấn Trường Sa được quan tâm đầu tư tương đương với quy mô của một bệnh viện tuyến huyện. Ðầu năm 2024, thị trấn Trường Sa lần đầu được đón một tiến sĩ quân y tới đảo phụ trách Trưởng trạm. Ðó là Trung tá, Tiến sĩ, Bác sĩ Nông Hữu Thọ. Còn rất trẻ, dáng người dong dỏng, nụ cười hiền thật duyên, Bác sĩ Thọ công tác tại Bệnh viện Quân y 175 và có chuyên môn phẫu thuật lồng ngực. Là bác sĩ chăm làm tình nguyện, từng 2 lần tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19, Bác sĩ Thọ luôn ước muốn được một lần đến làm việc, cống hiến cho Trường Sa thân yêu.

Trung tâm y tế Thị trấn Trường Sa, nơi Trung tá, Tiến sĩ, Bác sĩ Nông Hữu Thọ, Trưởng Trạm Y tế Thị trấn Trường Sa chữa bệnh cho người dân, chiến sĩ trên đảo.

Bác sĩ Thọ chia sẻ: “Công tác trong ngành y, bản thân không ngừng phấn đấu nâng cao chuyên môn để chữa trị cho bệnh nhân. Trường Sa cũng là mặt trận, một chiến tuyến của đơn vị xác định nhiệm vụ, nên bản thân cũng muốn chia sẻ với anh em, đồng nghiệp. Thế hệ trước đã làm tốt nhiệm vụ rồi thì thế hệ sau như mình cũng phải làm tốt và tốt hơn nữa, góp sức trẻ cống hiến cho quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Trước khi ra đảo, Bác sĩ Thọ thường xuyên tham gia các buổi kết nối hội chẩn từ Trường Sa với bệnh viện bằng hệ thống Telemedicine để xử lý các ca bệnh khó, nguy hiểm.

Tất nhiên, điều kiện công tác nơi hải đảo xa xôi sẽ có nhiều bất tiện, nhưng Bác sĩ Thọ tâm đắc câu nói của người thầy rằng: Tình thương là phương thuốc tinh thần nhiệm màu nhất, giúp bác sĩ gắn kết với nhau, chữa lành cho bệnh nhân. Với kim chỉ nam ấy, Bác sĩ Thọ luôn muốn cống hiến sức mình nhiều nhất có thể, đặc biệt là nơi hải đảo thiêng liêng mang tên Trường Sa. Từ đó, góp sức điều trị bệnh nhân, chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Ngoài chuyên môn là khám chữa bệnh, Bác sĩ Hữu Thọ còn mong muốn sẽ phụ đạo thêm Tiếng Anh miễn phí vào thời gian rảnh để giúp chiến sĩ, người dân, trẻ em trên đảo trau dồi ngoại ngữ.

Những tấm lòng tình nguyện và việc làm rất đỗi bình dị này đã là việc lớn lao với nhiều người. Bởi điều kiện khắc nghiệt của Trường Sa không phải ai cũng đủ sức đảm đương, hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng với niềm tự hào dân tộc, sự tin yêu với quần đảo thiêng liêng này, biết bao người con đất Việt đã tình nguyện đến đây công tác, là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển đảo của nước ta./.

Gia Minh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tam-long-tinh-nguyen-voi-truong-sa-a32009.html