Tấm lòng người dì ruột với kẻ tội đồ

Thiếu thốn sự chăm sóc của mẹ, Tùng dựa vào bố. Nhưng bố là người thiếu trách nhiệm, chỉ có dì thương anh ta…

Lê Ôn Tùng, SN 1988, trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội, có gương mặt sáng, nom hiền lành. Nếu chỉ nhìn cái vẻ bề ngoài ấy thì ít ai nghĩ, anh ta lại là kẻ giết người cướp của.

Như lời buộc tội của nữ kiểm sát viên, tối 17-8-2015, Tùng lang thang tới xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, để trộm tài sản. Anh ta đã đột nhập vào nhà bà Lê Thị Nham, sát nhà ông Tạ Văn Cát, SN 1925, nhưng không lấy trộm được tài sản gì. Thấy cửa nhà ông Cát mở, Tùng đột nhập vào thì bị gia chủ phát hiện. Tùng đã lao vào ôm ông Cát vật xuống đất, rồi bóp cổ nạn nhân.

Ông lão chống cự, Tùng siết mạnh đến khi bị hại không còn cử động. Nghĩ ông Cát đã chết, Tùng ngồi bên cạnh hút thuốc. Anh ta sờ chân ông Cát thì mạch vẫn đập nên lấy khăn mặt trong nhà nhét vào miệng ông lão; lấy 1 đoạn ống nước bằng nhựa mềm ở trong nhà tắm trói 2 tay nạn nhận trước ngực. Sau đó, anh ta cầm đèn pin đi vào trong nhà ông Cát lục lọi các tủ, lấy được số tiền là 20 triệu đồng và 26 chỉ vàng (trị giá 80,6 triệu đồng) rồi bỏ trốn vào TP HCM. Ở nơi đất khách, Tùng mang số vàng cướp được của ông Cát bán tại nhiều cửa hàng vàng khác nhau để lấy tiền chi tiêu cá nhân hết. Còn nạn nhân đã tử vong vì ngạt thở.
Hầu tòa, Tùng ít khi ngoái xuống tìm kiếm người thân. Ngay cả lúc tòa nghỉ nghị án, anh ta cũng chỉ cúi gằm mặt, lặng thinh. Dì và bố của Tùng đều dự tòa nhưng họ không có cơ hội với bị cáo.

Tùng ngồi lặng thinh trong lúc tòa nghị án. Ảnh: H.Đỗ

Trả lời HĐXX, bị cáo đáp bằng giọng lí nhí. Tùng thừa nhận, đã cướp số tiền và vàng như cáo buộc của VKSND TP Hà Nội.
Kể về cuộc đời truân chuyên của bị cáo, dì của Tùng nói rằng, anh ta đáng thương lắm. Mẹ mất sớm, Tùng sống với bố. Người bố cục tính, không xót con nên Tùng bị ghẻ lạnh. Từ khi người đàn ông này đi bước nữa, cậu ta cảm thấy cuộc sống ngột ngạt nên thường ở với dì. Dì độc thân, là cô giáo nên coi Tùng như con. Chị đã thay người mẹ quá cố của Tùng chăm sóc cậu ta. Như lời chị, Tùng giàu tình cảm nhưng nhạy cảm. Bị cáo học giỏi, từng đạt giải 3 môn Vật lý khi còn học cấp 3. Tùng cũng thi đỗ ĐH nhưng chỉ học đến năm thứ 3 thì phải nghỉ vì không có tiền đóng học phí. “Xảy ra nông nỗi này là lỗi của chúng tôi. Trong lúc Tùng túng quẫn nhất thì không ai dang tay ra giúp đỡ nó, ngay cả tôi và người bố của bị cáo chỉ biết mắng nhiếc và đẩy bị cáo đến con đường lầm lỗi” – chị này khóc nói.

Dì của Tùng cho hay, ngày xảy ra vụ án, Tùng chưa có hạt cơm nào vào bụng. Bị cáo có về nhà ăn cơm nhưng bố mắng mỏ nhiều quá nên anh ta bỏ đi. Bố của bị cáo 2 lần suýt bị bắt vì đánh cờ bạc. Cũng vì lo cho bố mà Tùng tìm mọi cách xoay tiền. Nhưng khi con trai gây ra tội lỗi, bố của bị cáo thờ ơ với chính con và cả gia đình bị hại. Ông này không một lần đến thăm hỏi, chia sẻ với bị hại. Điều này khiến cho dì của Tùng thêm bức xúc khi thấy ông H làm cha mà chưa tròn trách nhiệm và vô trách nhiệm trước số phận của con.

Cho rằng, gia đình thiếu hạnh phúc là nguyên nhân dẫn đến hành vi của Tùng, dì của bị cáo mong tòa xem xét, chiếu cố cho anh ta một cơ hội để làm lại. “Dù khó khăn tôi vẫn xin thay bị cáo trả hết những gì bị hại yêu cầu. Nhưng xin cho tôi trả dần dần” – dì của Tùng trình bày. Chị cũng dùng 50 triệu đồng, số tiền dành dụm định cho Tùng lấy vợ, để gửi gia đình bị hại khắc phục một phần hậu quả.

Ngồi khuất dưới hàng ghế thứ 3, bố của Tùng nín lặng, khi cô em vợ quay xuống vừa nói vừa chỉ vào phía mình. HĐXX xét thấy bị cáo đã thành niên nên không hỏi ông bố này.

Trình bày với tòa, đại diện gia đình bị hại yêu cầu tòa xử lý nghiêm bị cáo. Họ phẫn uất vì cho rằng, Tùng tàn độc khi xuống tay với ông lão ở cái tuổi “gần đất xa trời”. Những người con của cụ Cát giọng đầy xúc động khi nhắc tới cái chết oan uổng của bố. “Bố tôi cả đời vất vả mưu sinh, nuôi các con trưởng thành. Cho đến cuối đời, cụ mới dành dụm được từng ấy tiền và 26 chiếc nhẫn vàng. Vậy mà, bị cáo đang tâm cướp đi mồ hôi công sức của cụ, còn hại bố tôi đến chết. Nếu Tùng không nhét giẻ vào miệng thì cụ chắc vẫn còn sống” – người con gái bức xúc, đề nghị tòa tuyên bị cáo mức án cao nhất.

Trong khi đó, luật sư bào chữa cho Tùng lý giải, ban đầu, bị cáo chỉ muốn trộm tài sản. Nếu có ý định giết người, Tùng đã mang theo hung khí. Việc hại ông cụ cũng chỉ là muốn ngăn chặn nạn nhân kêu cứu, sợ bại lộ. Do đó, luật sư đề nghị tòa cho bị cáo hưởng mức án có thời hạn.

Nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án, Tùng quay xuống nói lời xin lỗi gia đình bị hại, mong HĐXX cho một cơ hội sống. Nhưng HĐXX ngày 26-9 của TAND TP Hà Nội nhận định, hành vi của bị cáo là côn đồ nên tuyên bị cáo án tử hình về tội “Giết người”, 7 năm tù về tội “Cướp tài sản”; tổng hợp hình phạt chung cả 2 tội là tử hình; phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 273 triệu đồng.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/phap-luat/tam-long-nguoi-di-ruot-voi-ke-toi-do-119221