Tấm lòng của người mẹ Hải Lăng

Trong những chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ cùng với các cựu chiến binh từng chiến đấu ở tuyến phòng thủ sông Mỹ Chánh từ cuối tháng 5 đến tháng 8 năm 1972, chúng tôi tình cờ biết đến một người mẹ tận tâm với liệt sĩ, đó là mẹ Nguyễn Thị Cày, năm nay 90 tuổi đang sinh sống cùng con cháu ở thôn Tân Trưng, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng.

Mẹ Nguyễn Thị Cày ở xã Hải Chánh, Hải Lăng - Ảnh: V.V.H

Câu chuyện bắt đầu từ gia đình anh Nguyễn Hiền Thái ở Hà Nội đi tìm hài cốt anh trai là liệt sĩ Nguyễn Hiền Yên, đơn vị Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, hy sinh ngày 2/6/1972 tại xã Hải Chánh. Theo gia đình cho biết, liệt sĩ Nguyễn Hiền Yên nhập ngũ năm 1962 khi đang là giáo viên dạy cấp 2 ở Hà Nội và đến cuối năm 1972 thì gia đình nhận được giấy báo tử.

Do không có sơ đồ, tọa độ, điểm cao mai táng và chưa tìm được đồng đội nên gia đình 4 lần vào Quảng Trị tìm kiếm liệt sĩ đều không có kết quả. Cảm thông, chia sẻ với nỗi đau thương, mất mát của gia đình, chúng tôi đã cung cấp tên, số điện thoại, nơi sinh sống của các cựu chiến binh đã chiến đấu cùng thời điểm để gia đình liên lạc. Thật may mắn từ việc kết nối này, chỉ vài tháng sau gia đình liệt sĩ Nguyễn Hiền Yên đã tìm được 2 đồng đội đang sống ở Hải Dương và Quảng Ninh, đó là anh Tính và anh Hòa.

Khi đưa 2 đồng đội vào xã Hải Chánh, gia đình đã liên lạc và nhờ chúng tôi phối hợp tìm kiếm nơi hy sinh, điểm mai táng. Anh Tính ở Quảng Ninh cho biết: “Khẩu đội cối 82 của Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 88 được bố trí ở cao điểm 19 để đánh chặn các đợt tấn công của địch từ Quốc lộ 1 lên đánh chiếm điểm cao 35 - 52 là khu vực hậu cứ trung đoàn.

Sáng ngày 2/6/1972, khi trời vừa hửng sáng thì địch tổ chức tấn công, khẩu đội tôi và các khẩu đội bạn đồng loạt bắn vào đội hình địch, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của chúng. Tình thế trận chiến lúc đó diễn ra căng thẳng và ác liệt. Thấy cơ số đạn đã cạn, địch tiếp tục tấn công cộng với pháo từ căn cứ Động Lâm bắn dồn dập vào trận địa đơn vị nên Đại đội trưởng Nguyễn Hiền Yên liên lạc với tiểu đoàn xin rút khỏi trận địa để bảo toàn lực lượng và vũ khí.

Ngay lúc đó, khẩu đội bị trúng một quả đạn pháo hy sinh 3 người gồm Đại đội trưởng Nguyễn Hiền Yên, B trưởng Đoàn Thống Nhất và một chiến sĩ tên Bảo, còn tôi bị thương cách đó 10m nên không biết việc mai táng 3 liệt sĩ”.

Trở lại chiến trường xưa tìm nơi hy sinh của đồng đội, các anh không quản ngại vất vả, đi từ quả đồi này sang quả đồi khác. Thật may mắn sau nửa ngày trèo dốc, lội suối, dù địa hình thay đổi nhưng các anh vẫn tìm được khá chính xác công sự, vị trí đồng đội hy sinh để thắp nén hương sau mấy chục năm xa cách. Trở về quê nhà nhưng gia đình và đồng đội vẫn đau đáu nỗi lòng khi chưa tìm được người mai táng, chưa biết vị trí mai táng 3 liệt sĩ.

Trong thời điểm gia đình và đồng đội đang gặp khó khăn về thông tin tìm liệt sĩ Nguyễn Hiền Yên thì trên Tạp chí Cửa Việt có đăng bài: “Nhật ký chiến trường Quảng Trị” của tác giả Nguyễn Thiện Lợi. Trong nhật ký có đoạn ghi chi tiết trận đánh ngày 2/6/1972 với đầy đủ tên, tuổi, chức vụ người hy sinh và công tác mai táng liệt sĩ.

Với thông tin này là một hy vọng lớn đối với gia đình trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Hiền Yên nhưng khó khăn đặt ra là tìm anh Nguyễn Thiện Lợi ở đâu? Sức khỏe hiện nay thế nào? Với nhiều nỗ lực, chỉ mấy tháng sau gia đình liệt sĩ Nguyễn Hiền Yên đã tìm được anh Nguyễn Thiện Lợi đang sinh sống ở Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Khi gặp anh Lợi, gia đình mới biết trong 3 liệt sĩ, anh cùng đồng đội mai táng liệt sĩ Nhất và liệt sĩ Bảo, còn liệt sĩ Yên thì người khác mai táng. Tuy chưa có kết quả như mong muốn nhưng gia đình vẫn nhờ anh Lợi sắp xếp thời gian để vào lại Hải Chánh.

Trong thời gian chuẩn bị chuyến đi tiếp theo thì các đồng đội nhớ đến một người cùng tham gia mai táng vào tối ngày 2/6/1972, đó là anh Bùi Trần Tuấn nhưng không biết đang sinh sống ở đâu. Thế là một cuộc tìm kiếm đồng đội lại tiếp tục và không lâu gia đình đã tìm ra anh Bùi Trần Tuấn đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với hy vọng tràn đầy về chuyến đi có đồng đội ở trong Nam, ngoài Bắc nhưng khi trở lại chiến trường xưa tìm gần một ngày vẫn chưa có kết quả thì gia đình gặp mẹ Nguyễn Thị Cày ở thôn Tân Trưng đang sinh sống gần khu vực mai táng liệt sĩ Nguyễn Hiền Yên.

Biết đoàn đang tìm hài cốt liệt sĩ, mẹ Cày cho biết khoảng đầu tháng 6/1972, mẹ cùng chồng từ thôn Trung Chánh lên vùng Tân Trưng chặt củi thì gặp một anh bộ đội hy sinh khoảng 2 đến 3 ngày ở trong bụi cây gần bên khe suối. Trên ve áo anh bộ đội còn mang quân hàm. Thấy thế vợ chồng mẹ bàn nhau về lấy cuốc, xẻng và chuẩn bị hương đèn, đồ mai táng cho anh bộ đội này. Sau khi mai táng được một ngày thì chiến sự nổ ra suốt một thời gian dài.

Thời điểm đó mặc dù chiến tranh ác liệt nhưng gia đình mẹ vẫn phải vào rừng đốn củi để nuôi 7 đứa con và mỗi chuyến đi đều đến thắp hương cho liệt sĩ. Thời gian sau do địa bàn là nơi giao tranh ác liệt của hai phía, địch cấm người dân vào rừng để ngăn chặn việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội nên việc thắp hương cho liệt sĩ gặp khó khăn.

Thương nhớ anh bộ đội hy sinh vì đất nước đang nằm lại giữa núi rừng, không được hương khói, mẹ Nguyễn Thị Cày bàn với chồng con lựa thời cơ thuận lợi đưa hài cốt anh bộ đội về gần nơi sinh sống để tiện chăm sóc. Đến đầu năm 1974, dù chiến tranh đang xảy ra ác liệt nhưng gia đình mẹ vẫn bất chấp nguy hiểm thực hiện bằng được ý nguyện của mình. Sau khi đưa hài cốt liệt sĩ về, mẹ giao cho một đứa con đến làm nhà, lập nghiệp ở gần ngôi mộ liệt sĩ để chăm sóc, hương khói.

Đến năm 1976, do đất đai sỏi đá, khô cằn, không có nước sinh hoạt và cuộc sống hết sức khó khăn nên người con này bàn với mẹ lên vùng Tân Trưng cách đó 3 km để định cư lập nghiệp. Đặc biệt đây chính là nơi anh bộ đội này đã hy sinh. Thấy nguyện vọng của con chính đáng nên mẹ quyết định lên ở cùng con cho đến tận bây giờ. Khi biết được thông tin này, gia đình liệt sĩ Nguyễn Hiền Yên và các đồng đội đã nhờ mẹ chỉ nơi yên nghỉ của liệt sĩ và xin được cất bốc.

Theo anh Nguyễn Hiền Thái, em ruột liệt sĩ cho biết, đây có thể là anh trai hoặc đồng đội của anh trai nên muốn được đưa vào an táng tại nghĩa trang cùng với các liệt sĩ khác. Biết nguyện vọng của gia đình, mẹ Nguyễn Thị Cày đã chỉ chỗ để gia đình triển khai cất bốc. Sau hơn 2 tháng chờ đợi xét nghiệm ADN, gia đình nhận được kết quả hài cốt liệt sĩ cùng huyết thống với người thân.

Đây là một thông tin làm gia đình mừng rơi nước mắt, giải tỏa bao nỗi khát khao của người thân đã bỏ nhiều thời gian, công sức đi tìm hài cốt liệt sĩ.

Trước khi viết bài này có người đã hỏi chúng tôi tại sao mai táng rồi mà thi hài nằm ở cạnh khe suối? Xin thưa với mọi người rằng, sau khi nghe mẹ Nguyễn Thị Cày kể gặp anh bộ đội hy sinh trong bụi cây ven suối, chúng tôi đã tìm các bậc cao niên và du kích địa phương để tìm hiểu thì được biết, sau trận đánh khoảng 1 ngày thì xảy ra một trận mưa lớn kéo dài, nước từ các khe suối đổ về lớn nên có khả năng đất lở, nước lớn cuốn trôi.

Trong “Nhật ký chiến trường”, anh Nguyễn Thiện Lợi khi kể về việc mai táng có đoạn mô tả: “Trong đêm tối, tôi cùng với B phó Cán và 3 chiến sĩ ở C25 bò vào trận địa thấy anh em hy sinh và định chồm lên thì anh Cán ấn mạnh xuống vai và bảo địch đang ở phía trước”. Điều này cho thấy việc mai táng chu đáo cho đồng đội nơi chiến trường ác liệt gặp hết sức khó khăn nên khi mưa lũ bị nước cuốn trôi rất dễ xảy ra.

May mắn cho liệt sĩ và gia đình là gặp được mẹ Nguyễn Thị Cày có tấm lòng nhân hậu, dành tình thương yêu hết mình với những người lính Cụ Hồ đã hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Xin cảm ơn người mẹ Hải Lăng sống lặng thầm đã để lại tiếng thơm cho thế hệ mai sau biết đến tình người cao cả trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.

Võ Văn Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=167058&title=tam-long-cua-nguoi-me-hai-lang