Tâm đẹp của cựu chiến binh Dương Minh Tâm

Online – Trong lòng đồng đội, cựu chiến binh (CCB) Dương Minh Tâm (tên thường gọi là Dương Tâm) là gương sáng về tinh thần và ý chí thép trên chiến trường. Trở về đời thường với những mảnh đạn còn ghim trên thân thể, người lính Đặc công năm xưa vượt qua thương tật, hết lòng hết sức tham gia công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ đồng đội còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Việc làm của ông góp phần tô thắm phẩm chất, truyền thống cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.

Anh dũng trong thời chiến, nghị lực giữa thời bình

Nhắc đến CCB, chiến sĩ đặc công Dương Tâm, Đại tá Nguyễn Xuân Dinh, nguyên Chính ủy Sư đoàn 968, Quân khu 4; nguyên Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 19 Đặc Công, Sư đoàn 325, nhận xét: “Trong chiến đấu anh Tâm rất gan dạ, dũng cảm… khi bị thương vẫn nén nỗi đau dùng B41 tiêu diệt xe M113 của địch để mở lối rút cho đồng đội; tuy đang điều dưỡng nhưng vẫn quyết tâm đi bộ hơn 300km dưới mưa bom, bão lửa để hội ngộ với đơn vị trên chiến tuyến…”

CCB Dương Minh Tâm (đứng thứ 2 từ bên phải) ôn lại kỷ niệm thời hoa lửa cùng các CCB cùng là sinh viên đại học lên đường nhập ngũ những năm 1971

“Trong trận tiến công cứ điểm Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 258 của Ngụy đóng tại chợ Sải An Lưu, cách thành cổ Quảng Trị chưa đầy 10km đêm 24-8-1972, mặc dù đã bị thương ở tay phải những đồng chí Tâm với tiêu diệt được 4 mục tiêu quan trọng của địch. Tinh thần chiến đấu của đồng chí Tâm đã được đơn vị phát động phong trào thi đua giết giặc lập công và được đề nghị tặng Huân chương chiến công hạng Ba, danh hiệu dũng sĩ diệt xe cơ giới. Chỉ tiếc rằng khi Đảng ủy chuẩn bị bình xét anh hùng LLVT cho đồng chí Tâm thì đơn vị giải thể nhận nhiệm vụ mới”, Đại tá Dinh cho biết thêm.

Hòa bình lập lại, tháng 9-1976, Dương Tâm trở về quê nhà với thương tật gần 50%. Vốn là lính sinh viên, nguyên sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, CCB Dương Tâm trở về giảng đường tiếp tục học tập và trở thành làm giảng viên trường Đảng Hà Sơn Bình, nhưng những cơn sốt rét và vết thương chiến tranh đeo bám hành hạ anh mỗi khi trái gió, giở trời đã khiến anh phải rời bục giảng để chữa bệnh. Những lần sắp gục ngã, ý chí của Bộ đội Cụ Hồ lại giúp anh gượng dậy bước tiếp. Những cơn đau cũng dần nhẹ bớt để anh đủ sức khỏe bắt đầu bước vào một trận chiến mới trên mặt trận chống đói nghèo và giúp đỡ những gia đình chính sách.

CCB Dương Tâm kể lại: “Nghỉ giảng dạy, tôi làm đủ mọi nghề để kiếm sống nuôi gia đình. Sau đó, tôi về quê học nghề nuôi ong ở Hòa Bình. Mới đầu, do chưa nắm được kỹ thuật nuôi từ việc lấy mật cho đến phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo thức ăn... nhiều khi luống cuống tôi bị ong đốt sưng hết cả chân tay”.

Quyết tâm chiến thắng "giặc đói nghèo", người lính đặc công năm xưa đã theo chân người anh vào rừng học cách phát hiện dấu vết đàn ong, cách bắt ong cho vào các thùng, làm chân tầng để ong làm mật và kỹ thuật nuôi nhốt tại nhà. Vừa làm, vừa học, rút kinh nghiệm qua thực tế, anh Tâm đã nắm được tường tận quy trình nuôi ong lấy mật và dần thành thục với việc nuôi ong.

Lúc đó, phát triển đàn ong rất khó nên ông cũng chỉ nuôi với quy mô nhỏ. cách đây gần hai mươi năm, phong trào nuôi ong ngoại phát triển, anh Tâm đã tham gia nhiều hội thảo khoa học, các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong cùng với những kinh nghiệm của bản thân giúp anh ngày càng thành công với nghề. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình anh Tâm dần ổn định và trở nên khấm khá.

Trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội

Đến Hòa Bình thăm cơ sở nuôi ong mật của CCB Dương Minh Tâm, chúng tôi còn gặp CCB Nguyễn Cao Sáng, người đồng đội cùng chiến tuyến với anh Tâm ở trận đánh đêm 24-8-1972. Ngày ấy, anh Sáng bị thương mất 45% sức khỏe, nhưng đến năm 2016, nhờ anh Tâm, anh mới tìm được hồ sơ thất lạc. Nhờ vậy, anh đã được hưởng chế độ thương binh bậc ¾ và truy lĩnh số tiền hơn 200 triệu đồng.

Qua câu chuyện giữa hai CCB Đặc công, chúng tôi được biết, sau khi xuất ngũ, anh Sáng trở về quê hương Hòa Bình với thương tật, không nghề nghiệp, không đất sản xuất, lại thêm sức khỏe yếu nên đời sống gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Anh đã nhiều lần đi làm hồ sơ thương binh để hưởng trợ cấp nhưng vì giấy tờ thất lạc cộng thêm không có chi phí đi lại nên anh không làm được chế độ thương binh.

Đầu năm 2010, trong một lần dự hội thảo trao đổi kỹ thuật mới nuôi ong, xóa đói giảm nghèo tại địa phương, anh Sáng đã gặp được người chỉ huy năm xưa Dương Minh Tâm. Anh Sáng nói: “Biết hoàn cảnh của tôi, anh Tâm đã hỗ trợ kinh phí và đưa tôi đến gặp cơ quan chức năng các cấp; tìm gặp các đồng chí cấp ủy chỉ huy năm xưa để chứng nhận và hoàn thiện hồ sơ. Đi đi lại lại hơn 6 năm trời, anh Tâm đã giúp tôi tìm được hồ sơ để hoàn thiện thủ tục và được hưởng chế độ chính sách”.

CCB Dương Minh Tâm dâng hoa tưởng niệm tại Tượng đài "Sinh viên lên đường bảo vệ Tổ quốc" tại trường Đại học Bách khoa, Hà Nội

“Cùng sẻ chia gian khổ khó khăn, cùng đổ máu trên chiến trường đã gắn kết chúng tôi từ những con người xa lạ thành máu mủ ruột thịt. Chính vì thế, giúp đỡ đồng đội hay tri ân gia đình liệt sĩ vượt khó khăn trong cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần, đó là trách nhiệm của những người lính trận còn sống”, đó là những lời tâm huyết của CCB Dương Minh Tâm. Một trong những công việc CCB Dương Minh Tâm luôn đau đáu là tìm kiếm, quy tập các hài cốt liệt sĩ trở về quê hương.

Anh Nguyễn Đăng Trung, con trai Liệt sĩ Nguyễn Đăng Khoa, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 1 Đặc công, cho hay: “Năm 2008, gia đình tôi vui mừng khi bất ngờ được chú Tâm gõ cửa, báo tin về vị trí hy sinh của bố, cũng như được nghe về những câu chuyện thời chiến của bố. Trong giấy báo tử, chỉ ghi chung chung ký hiệu vị trí hy sinh, nên gia đình rất khó khăn trong việc đi tìm hài cốt của bố.”

Anh Tâm nhớ lại: “Trước anh Khoa có kể với tôi, quê anh ở Thái Bình nhưng bố mẹ đã mất cả, anh lấy vợ ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Kết thúc chiến tranh, tôi nuôi ý định tìm gia đình anh để báo tin nhưng không tìm được. Sau nhiều lần tìm kiếm tôi đã tìm được gia đình cháu Nguyễn Đăng Trung đang ở huyện Đông Anh, Hà Nội.”

Với tâm niệm “Trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội”, hễ gia đình nào lâm vào cảnh đặc biệt khó khăn, anh Tâm lại tụ họp với các cựu chiến binh cùng đơn vị cũ xây dựng các kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ. Gia đình đầu tiên được các anh giúp đỡ là gia đình chị Nguyễn Thị Vân (vợ Liệt sĩ Nguyễn Văn Thoa, nguyên Đại đội phó Đại đội 3, Tiểu Đoàn 4, Trung đoàn 95), hy sinh tại khu vực trường Bồ Đề (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị), bố chồng cũng là liệt sĩ, ở thôn Thiều Trang, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Đây là gia đình đặc biệt khó khăn, cả nhà có hơn 10 mét vuông. Năm 2012, các anh đã liên hệ bạn bè, vận động các nhà tài trợ và quyên góp được 120 triệu xây cho gia đình một căn nhà mái bằng khang trang.

Theo gia đình cố CCB Lương Xuân Toán ở Sơn Dương, Tuyên Quang, trước đây, gia đình gặp rất nhiều khó khăn vì nhà bị cháy, cộng thêm con bị ảnh hưởng chất độc da cam… Năm 2013, anh Dương Minh Tâm cùng những đồng đội cũ khi biết được hoàn cảnh đã vận động xây nhà tình nghĩa; tặng một tivi 21 inch và nhiều vật dụng gia đình khác với tổng trị giá 80 triệu đồng, cho gia đình.

Hay có những trường hợp cảm động như cựu chiến binh Nguyễn Văn Thông, (Trung đoàn 83, Đoàn 559 thông tin), người dân tộc Mường ở Na Hang, Tuyên Quang, khi được anh Tâm xin tài trợ giúp 50 triệu để phối hợp với Cựu chiến binh Đoàn 559 xây tặng nhà đồng đội, Tết nào cũng gọi điện chúc mừng và bày tỏ lòng cảm ơn vị ân nhân chưa gặp mặt bao giờ.

“Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, câu tục ngữ này thật đúng với trường hợp của anh Nguyễn Văn Liên (Bỉm Sơn, Thanh Hóa), nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 7, bị tai biến. Năm 2013, giữa lúc tuổi cao sức yếu, bệnh tật đeo bám, hai đứa con nhiễm chất độc da cam, kinh tế đặc biệt khó khăn, anh Tâm và một số anh em bạn bè đã tới thăm và tặng gia đình anh 10 triệu đồng và một số vật dụng gia đình.

Cho đến nay, CCB Dương Tâm đã vận động quyên góp được hơn 400 triệu đồng xây 7 nhà tình nghĩa, đưa một số gia đình thân nhân thăm nghĩa trang liệt sĩ; cùng ban liên lạc vận động tài trợ xây dựng tượng đài chiến thắng của Sư đoàn 325 tại An Đôn, thị xã Quảng Trị (năm 2013) 30 tỷ đồng; tu bổ nâng cấp nghĩa trang xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (năm 2016) trị giá 100 triệu đồng…

“Còn sức là còn cống hiến” câu nói tuy mộc mạc giản dị mà anh Tâm chia sẻ với chúng tôi lại là cội nguồn của những hành động mang đầy giá trị nhân văn sâu sắc và thấm đậm tình người, tình đồng đội. Người lính đặc công năm xưa kiêu hùng trên chiến trường nay lại trở thành nguồn cổ vũ, động viên tinh thần và là niềm tự hào của đồng chí, đồng đội trên mặt trận mới, đúng như lời Bác Hồ kính căn dặn “Thương binh tàn nhưng không phế”...

Bài, ảnh: NGUYỄN THÙY DƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-8-2016-2017/tam-dep-cua-cuu-chien-binh-duong-minh-tam-505382