Tẩm bổ vitamin vô tội vạ cho con, “lợi bất cập hại“

Vì tính tiện lợi của các loại nước bổ sung vitamin, nhiều người đã lạm dụng cho con uống một cách vô tội vạ. Nhưng ít ai ngờ rằng, bổ sung vitamin không đúng cách chẳng khác nào con dao hai lưỡi.

“Tẩm bổ” bằng nước uống chứa vitamin

Bản tin thị trường cho thấy, các loại nước bổ sung vitamin, nước trái cây đóng hộp được rao bán khá đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Thức uống này được khá nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Các nhà sản xuất quảng cáo, loại nước bổ sung vitamin không chỉ làm chức năng giải khát mà hơn thế nữa, nó giúp tăng cường sức khỏe , cung cấp vitamin thiết yếu như vitamin B3, B6, B12; vitaminC, các khoáng chất quan trọng như natri, kali,…

Tin vào quảng cáo của nhà sản xuất cũng như tính tiện lợi của các loại nước bổ sung vitamin, không ít bậc phụ huynh đã sử dụng nước trái cây đóng hộp cho con thay hoa quả tươi.

Chị Khánh Chi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, công việc bận rộn, chị thường xuyên đi sớm về muộn nên ít có thời gian chăm sóc con cái. Hàng tuần, chị đi siêu thị một lần vào Chủ nhật mua đồ ăn thức uống tích tủ lạnh.

Nước uống bổ sung vitamin là một thức uống không thể thiếu trong thực đơn của gia đình chị. Cô con gái chị giờ “nghiện” loại nước này, mỗi ngày uống ít nhất 1 chai.

Chị Chi cũng cho hay: “Mình thường chọn mua loại nước uống bổ sung vitamin R. Mình thấy trên bao bì sản phẩm có ghi không chỉ giúp giải khát mà còn bù đắp các vitamin B3, B6, B12, vitamin C và các chất điện giải cho cơ thể nên cũng tin dùng.

Loại nước này cũng góp phần bổ sung vitamin tương đương với hoa qua tươi, lại tiện lợi, cả nhà mình đều sử dụng thường xuyên”.

Không chỉ riêng chị Khánh Chi mà rất nhiều bà nội trợ đều lựa chọn các loại nước uống bổ sung vitamin cho con. Theo tìm hiểu của PV báo Ngườ Đưa Tin, hiện trên thị trường có bán các loại nước ép trái cây đóng hộp hoặc đóng chai không thêm đường, loại nước ép trái cây tự nhiên cho thêm đường, loại nước hương trái cây (chỉ có một phần nước cốt trái cây-PV) và tất cả các loại hương trái cây đều có đường.

Không chỉ lựa chọn các loại nước ép trái cây đóng hộp trong nước, nhiều người còn đặt mua hàng xách tay từ các nước Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… cho con uống để bổ sung vitamin.

Các loại nước ép xách tay nước ép của Woongjin (Hàn Quốc), nước ép trái cây nguyên chất Berri (Úc), nước ép trái cây 100% tự nhiên không đường Dimes (Thổ Nhĩ Kỳ)… giá dao động từ 100-145.000 đồng/lít.

Không thể cứ nước uống có vitamin là tốt

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – viện Dinh dưỡng Quốc gia, vì cuộc sống khá bận rộn, nhiều bà mẹ không có thời gian để đi lựa từng loại trái cây mang về ép cho con uống, điều này vừa mất thời gian, mà trái cây tươi khi ép cũng chỉ uống ngay mà không bao quản lâu ngày được.

Hơn nữa, các loại nước ép trái cây, nước bổ sung vitamin lại ngon miệng nên được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, bổ sung vitamin cũng phải có chừng mực nếu không lợi bất cập hại.

“Trẻ em nên ăn trái cây, uống nước trái cây để bổ sung các vitamin, trong đó ưu tiên ăn trái cây tươi, uống nước trái cây tươi. Không nên lạm dụng các loại nước uống bổ sung nhiều đường”, TS.Lâm khuyến cáo.

Theo một bác sỹ chuyên khoa dinh dưỡng (bệnh viện 108), nếu trẻ béo phì mà uống thêm nhiều loại nước có đường càng làm trẻ bị béo phì nhiều hơn. Còn với trẻ suy dinh dưỡng, bất cứ loại nước uống nào bổ sung thêm đường nhiều cũng có thể làm trẻ bị ngang dạ, đường huyết tăng lên, ảnh hưởng bữa ăn chính của trẻ.

“Các bậc cha mẹ vẫn tưởng rằng mình đang cho con uống loại nước tốt cho sức khỏe, nhưng thực tế thì lượng đường cao trong nước hoa quả đóng hộp đang ăn mòn răng của các con họ. Có nhiều em bị hỏng liền vài cái răng khiến bác sỹ phải gây mê mới điều trị hết.

Số trẻ em nhỏ tuổi bị hỏng răng mỗi năm một tăng mà nguyên nhân, chính theo các nha sỹ, là do chế độ ăn uống quá nhiều đường và không thường xuyên kiểm tra chăm sóc sức khỏe răng miệng”, vị này dẫn chứng.

Cũng theo vị bác sỹ trên, bổ sung vi chất và khoáng chất vào nước uống là xu hướng của nhiều nước, nhưng sử dụng nước uống bổ sung như thế nào, bổ sung bao nhiêu và loại vi chất gì thì không thể tùy tiện, phải phụ thuộc vào từng người và thói quen ăn uống của họ. Không thể cứ nước uống có vitamin là tốt và nên dùng hơn so với nước tự nhiên thông thường.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/tam-bo-vitamin-vo-toi-va-cho-con-loi-bat-cap-hai-2073956-l.html