Taliban mở lối, siêu dự án Vành đai Con đường tiến vào Afghanistan

Taliban vừa đồng ý với Trung Quốc và Pakistan về việc mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường tới Afghanistan, có khả năng thu hút hàng tỷ USD tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở quốc gia đang bị trừng phạt.

Đạt được thỏa thuận

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang và người đồng cấp Pakistan - ông Bilawal Bhutto Zardari đã gặp nhau tại Islamabad hôm 6/5 và cam kết hợp tác với nhau trong quá trình tái thiết Afghanistan, bao gồm cả việc đưa Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá 60 tỷ USD tới quốc gia do Taliban cai trị.

 (Từ trái sang) Ngoại trưởng Trung Quốc Qin Gang, Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto Zardari và Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi tại Islamabad ngày 6/5 vừa qua. (Nguồn: AFP)

(Từ trái sang) Ngoại trưởng Trung Quốc Qin Gang, Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto Zardari và Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi tại Islamabad ngày 6/5 vừa qua. (Nguồn: AFP)

“Hai bên nhất trí tiếp tục hỗ trợ nhân đạo và kinh tế cho người dân Afghanistan và tăng cường hợp tác phát triển ở Afghanistan, bao gồm thông qua việc mở rộng CPEC sang Afghanistan”, theo một tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Pakistan đưa ra sau cuộc họp.

Các quan chức Trung Quốc và Pakistan trước đây đã thảo luận về việc mở rộng dự án sang Afghanistan theo sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu từ gần một thập kỷ trước. Chính phủ Taliban thiếu tiền mặt đã bày tỏ sự sẵn sàng tham gia vào dự án và triển vọng nhận được đầu tư cơ sở hạ tầng rất cần thiết.

Ông Hafiz Zia Ahmad, phó phát ngôn viên của Taliban, cho biết qua điện thoại rằng Bộ trưởng Ngoại giao Taliban, ông Amir Khan Muttaqi, đã tới Islamabad để gặp những người đồng cấp Trung Quốc và Pakistan và đã đạt được một thỏa thuận.

Taliban cũng nuôi hy vọng Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các nguồn tài nguyên phong phú của đất nước, ước tính trị giá 1 nghìn tỷ USD. Chính phủ này đã ký hợp đồng đầu tiên vào tháng 1 với một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc để khai thác dầu từ lưu vực phía bắc Amu Darya.

Các bộ trưởng Trung Quốc và Pakistan cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải phóng các tài sản tài chính ở nước ngoài của Afghanistan. Taliban đã bị chặn truy cập khoảng 9 tỷ USD dự trữ ngân hàng trung ương của Afghanistan được cất giữ ở nước ngoài vì lo ngại số tiền này sẽ được sử dụng cho các hoạt động khủng bố.

Tài sản bị đóng băng

Washington sau đó đã đồng ý giải phóng một nửa số tiền đó để thúc đẩy nền kinh tế nhưng đã tạm dừng sau khi Taliban áp đặt một số hạn chế về giáo dục và việc làm đối với phụ nữ Afghanistan vào năm ngoái.

Các nhà quản lý đã từng là chiến binh Taliban coi đầu tư là một cách để khắc phục nền kinh tế thiếu tiền mặt sau khi viện trợ quốc tế, chiếm 60% chi tiêu công, bị tạm dừng sau sự rút lui hỗn loạn của quân đội Hoa Kỳ vào năm 2021.

Trung Quốc, Nga và Iran nằm trong số ít các quốc gia duy trì mối quan hệ thân thiết với Taliban. Họ đã cung cấp viện trợ hàng chục triệu USD cho Taliban, nhưng đã không chính thức công nhận chính phủ này.

Theo một báo cáo, Hoa Kỳ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất cho hành động nhân đạo của các cơ quan toàn cầu, và cung cấp hơn 2,1 tỷ USD kể từ khi Taliban giành lại quyền lực.

Một cơ quan của Liên Hợp Quốc tuần trước cho biết họ cần 4,6 tỷ USD trong năm nay để giúp đỡ hơn 2/3 trong tổng số 40 triệu dân của Afghanistan - đất nước đang sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Một cuộc thăm dò năm 2022 của Gallup cho thấy cứ 10 người Afghanistan thì có 9 người cảm thấy “khó khăn” hoặc “rất khó khăn” để tồn tại với thu nhập hiện tại của họ.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã cảnh giác với việc đầu tư vào Afghanistan do các cuộc tấn công của nhóm Nhà nước Hồi giáo, nhóm đang cạnh tranh với Taliban để tranh giành sức ảnh hưởng. Vào tháng 12, nhóm chiến binh này đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào một khách sạn ở Kabul, nơi các nhà ngoại giao và doanh nhân Trung Quốc lui tới.

Ngoài ra còn có sự hiện diện của Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan, một nhóm ly khai có trụ sở tại Tân Cương, khiến Bắc Kinh khá thận trọng trong việc mở rộng ảnh hưởng của mình.

Chuyến thăm thứ hai của Bộ trưởng Ngoại giao Muttaqi tới Pakistan diễn ra vài ngày sau khi Liên Hợp Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải can dự với những người cầm quyền Taliban khi Afghanistan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo “lớn nhất” trên thế giới.

Hồng Vân (Theo Bloomberg)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/taliban-mo-loi-sieu-du-an-vanh-dai-con-duong-tien-vao-afghanistan-post246776.html