Tài xế xe ôm - những nhân viên cấp cứu di động

Đặc thù công việc di chuyển nhiều khiến tài xế xe ôm ở Tanzania thường xuyên chứng kiến các vụ tai nạn giao thông đường bộ. Do vậy, họ đang được đào tạo kỹ năng sơ cứu để ra tay khi cần thiết và góp phần giúp giảm bớt thương vong trong tai nạn giao thông.

Tại Tanzania, xe ôm được gọi là “boda boda” và nhiều khách hàng coi đây là “vị cứu tinh” khi cần di chuyển khẩn cấp. Theo thống kê của chính phủ Tanzania, năm 2003, nước này nhập khẩu 1.884 xe máy, đến năm 2015 là 185.110 xe, hầu hết những phương tiện này đều được sử dụng làm xe ôm. Điều này cho thấy nghề lái xe ôm đang ngày càng thịnh hành tại Tanzania. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2016, có hơn 5.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ tại Tanzania và khoảng 1/4 trong số đó liên quan tới xe máy.

Các tài xế xe ôm hiện diện trên khắp các con đường ở Tanzania.

Anh Marko Hingi, một bác sĩ thực tập tại tỉnh Mwanza, lại nhận ra đây là điều kiện đặc biệt để biến các bác tài lái xe ôm thành nhân viên cấp cứu không chuyên. Điều này xuất phát từ thực tế rằng anh Hingi quan sát thấy trong các trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông tại Mwanza, thường xuyên có một người lái xe ôm có mặt gần hiện trường. Bác sĩ thực tập Hingi liền ấp ủ tâm nguyện muốn các lái xe ôm góp sức trở thành tình nguyện viên cứu người.

Hingi hiện là người đứng đầu tổ chức có tên Phong trào Sức khỏe Nông thôn Tanzania. Tổ chức này thường tuyển lái xe ôm và đào tạo họ kỹ năng cấp cứu cơ bản để phản ứng đầu tiên khi gặp nạn nhân tai nạn giao thông. Ông Anicet Mase, một trong những tài xế xe ôm tham gia Phong trào Sức khỏe Nông thôn Tanzania, nói: “Trước đây, khi một ai đó bị thương, họ thường chảy máu đến chết trong khi những người xung quanh không biết làm gì ngoài đứng nhìn”.

Nhưng điều này sẽ thay đổi. Mase và nhiều đồng nghiệp khác nay thường lái xe khắp Mwanza với áo ngoài màu cam phản quang và hộp đồ nghề đầy đủ dụng cụ sơ cứu. Ông Mase và nhiều tài xế tình nguyện khác được đào tạo kỹ năng cấp cứu cơ bản như thông khí quản, ngăn chảy máu và nẹp cố định xương gãy.

Bên cạnh đó, các bác tài còn được hỗ trợ công nghệ cao. Điện thoại di dộng của họ kết nối với hệ thống có tên gọi Beacon. Khi sở cứu hỏa Mwanza nhận các cuộc gọi báo cáo về trường hợp khẩn cấp, qua Beacon, thông tin chi tiết liên quan sẽ được gửi tới điện thoại tất cả các thành viên tham gia hệ thống. Nhờ vậy, nếu một người lái xe ôm ở gần đó, anh ta có thể phản ứng ngay lập tức, tới hiện trường và sơ cứu cho nạn nhân.

Ông Michael McGee, đại diện tại Đông Phi của công ty vận hành Beacon, chia sẻ: “Chúng tôi thiết kế Beacon để ứng dụng tại những quốc gia không có nguồn lực vận hành hệ thống đầu số cấp cứu khẩn cấp như 911 (Mỹ) hay 112 (Liên minh châu Âu)”.

Những nước nghèo không có dịch vụ cấp cứu khẩn cấp thì chính bệnh nhân tự lo liệu để đến bệnh viện. Bản thân Hingi cũng có ký ức không thể quên. Hingi vẫn nhớ như in hình ảnh người mẹ ốm yếu của mình phải đi bộ đến bệnh viện khi trong lòng còn canh cánh lo bị chó cắn trên đường đi. Khi đó, Hingi mới 6 tuổi và điều này đã trở thành động lực để anh trở thành bác sĩ và mang các xe cứu thương tới Mwanza.

Về phần mình, bác tài xế Mase lại có kỳ vọng đặc biệt, đó là “boda boda” nay có cơ hội giúp đỡ nhiều người khác thay vì bị gắn liền với việc là một trong những tác nhân gây ra tai nạn giao thông trên đường bộ.

Hà Linh

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/nhin-ra-the-gioi/tai-xe-xe-om-nhung-nhan-vien-cap-cuu-di-dong-20161202215830177.htm