Tại sao xe tăng M1 Abrams dễ dàng bị bắn hạ tại chiến trường Ukraine?

Sau sự việc xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) M1 Abrams đầu tiên của Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) bị phá hủy tại chiến trường Avdeevka, Tạp chí The National Interest của Mỹ và nhiều chuyên gia quân sự đánh giá, MBT của Mỹ được đánh giá quá cao nhưng trong thực tế lại tồn tại quá nhiều điểm yếu, dễ tổn thương tại chiến trường khốc liệt như tại Ukraine.

“Xe tăng M1 Abrams có lẽ bị đánh giá quá cao, tương tự như xe tăng Challenger-2 của Anh và xe tăng Leopard-2 của Đức”, tờ The National Interest nhận định.

Những điểm yếu không thể khắc phục

Chuyên gia vũ khí của Học viện Khoa học Quân sự Nga Vladimir Prokhvatilov đánh giá, Mỹ thực tế không gửi phiên bản hiện đại nhất của MBT M1 Abrams tới Ukraine vì Washington hiểu rõ chúng sẽ nhanh chóng bị phá hủy trên chiến trường. Thực tế, những xe tăng M1 Abrams viện trợ cho AFU không phù hợp để tham chiến trong môi trường bùn lầy ẩm ướt tại miền Đông Ukraine. Chúng được thiết kế phù hợp để tác chiến tại các khu vực có khí hậu khô nóng.

“Mặc dù ở Trung Đông, động cơ và chế hòa khí của xe tăng M1 Abrams thường xuyên bị cát làm tắc nhưng mọi thứ đều ổn với Quân đội Mỹ. Nếu động cơ gặp trục trặc, họ sẽ thay động cơ mới trong vòng 30 phút, nhưng tôi không nghĩ điều này có thể thực hiện ở Ukraine”, chuyên gia Vladimir Prokhvatilov nói.

Xe tăng M1 Abrams của Mỹ xuất hiện nhiều điểm yếu khi tham chiến tại Ukraine. Ảnh: Defense News.

Còn nhà phân tích quân sự, Tổng biên tập Tạp chí Arsenal of the Fatherland của Nga Viktor Murakhovsky chỉ ra khuyết điểm chính của mẫu M1 Abrams viện trợ cho Ukraine chính là việc nó bị cắt bớt nhiều thiết bị quan trọng. MBT Abrams của Ukraine không có giáp khiên Uranium để bảo vệ bán cầu phía trước tháp pháo hay hệ thống quản lý thông tin chiến trường tích hợp. Washington lo ngại những công nghệ tuyệt mật này lọt vào tay người Nga khi những phương tiện này bị hạ trên chiến trường.

Ngoài ra, xe tăng Mỹ không được trang bị thiết bị bảo vệ phần nóc xe và không lắp đặt thiết bị gây nhiễu UAV tự sát. Ông Viktor Murakhovsky cho rằng, chính những vấn đề trên khiến xe tăng Mỹ trở thành mục tiêu dễ dàng đối với Quân đội Nga.

Còn lãnh đạo vùng Kherson Vladimir Saldo cho biết, 30 xe tăng M1 Abrams viện trợ cho AFU đã được chuyển lại phương Tây để sửa đổi và nâng cấp phù hợp với điều kiện chiến trường Ukraine. Sau khi lắp đặt hệ thống bảo vệ chủ động, AFU đã mang chúng ra tiền tuyến.

Chính từ những hình ảnh về chiếc M1 Abrams bị phá hủy gần Avdeevka cho thấy phương tiện không có bất kỳ trang bị bảo vệ cần thiết khi tác chiến tại môi trường vốn tồn tại mật độ vũ khí chống tăng hiện đại và nguy hiểm như Ukraine.

Ukraine-chiến trường quá “khắc nghiệt” đối với xe tăng

Tạp chí The National Interest thừa nhận, tại chiến trường Ukraine, xe tăng do Mỹ, Anh hay Đức sản xuất không có khả năng trở thành vũ khí thần kỳ bất khả chiến bại như những lời quảng cáo. Ghi nhận thực tế tại chiến trường Ukraine, bất kỳ phương tiện chiến đấu nào xuất hiện tại tiền tuyến sẽ nhanh chóng trở thành mục tiêu của pháo binh, UAV tự sát và tên lửa chống tăng của đối thủ.

Giống như dòng xe tăng Leopard-2, Challenger-2, ngay khi xuất hiện, M1 Abrams đã phải đối đầu với hỏa lực áp đảo của Quân đội Nga. Các bãi mìn và hỏa lực pháo binh, tên lửa chống tăng, trực thăng tấn công của Nga quá mạnh, trong khi AFU chưa có đủ lực để chế áp, che đầu cho lực lượng cơ giới tác chiến trên bộ.

Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời của một số tù binh Ukraine cho biết, nhiều binh lính Ukraine cảm thấy bất an khi phải điều khiển các phương tiện chiến đấu do Mỹ và phương Tây viện trợ vì chúng luôn bị binh sĩ Nga ưu tiên săn lùng. Ngay khi phát hiện xe tăng phương Tây viện trợ cho AFU, pháo binh Nga lập tức chuyển làn để tập trung tiêu diệt. Điều này cũng diễn ra tương tự với các tổ điều khiển UAV tự sát săn lùng phương tiện chiến đấu của Ukraine.

Hình ảnh xe tăng M1 Abrams đầu tiên bị bắn hạ tại chiến trường Ukraine.

Một yếu tố quyết định khác chính là việc sử dụng rộng rãi các loại UAV tự sát trên chiến trường. Không khó để tìm ra những hình ảnh UAV tự sát Lancet hay FPV tự sát của cả Nga và Ukraine tấn công và phá hủy phương tiện thiết giáp của đối phương, kể cả những dòng MBT hiện đại và bọc giáp chắc chắn nhất.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tai-sao-xe-tang-m1-abrams-de-dang-bi-ban-ha-tai-chien-truong-ukraine-766739