Tại sao Trung Quốc 'không hành động' dù bị ảnh hưởng thương mại ở Biển Đỏ?

Bắc Kinh vẫn tránh xa xung đột ở Biển Đỏ bất chấp rủi ro đối với thương mại của Trung Quốc.

Trung Quốc bày tỏ quan ngại về tình hình leo thang ở Biển Đỏ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters ngày 15/1, Trung Quốc đã kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công vào các tàu dân sự ở Biển Đỏ, vốn đã làm gia tăng đáng kể cuộc xung đột Hamas-Israel và khiến lợi ích thương mại của Bắc Kinh dọc theo Kênh đào Suez gặp nguy hiểm.

Kể từ khi Tổng thống Abdel-Fattah el-Sisi lên nắm quyền vào năm 2014, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động đầu tư và thương mại dọc theo Kênh đào Suez của Ai Cập, qua đó một lượng đáng kể hàng hóa hướng Tây của "gã khổng lồ" châu Á lưu chuyển.

Theo dữ liệu từ Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) cho thấy, Bắc Kinh đã khuyến khích các công ty nhà nước đầu tư hàng chục tỷ USD vào các lĩnh vực hậu cần, vận tải và năng lượng của Ai Cập, đồng thời đã gia hạn khoản vay 3,1 tỷ USD, theo Ngân hàng Thế giới.

Và trong những tháng trước cuộc tấn công ngày 7/10 năm ngoái của Hamas vào Israel, các công ty từ Trung Quốc và Hồng Kông đã cam kết đầu tư ít nhất 20 tỷ USD vào các dự án khác nhau dọc theo tuyến đường thủy huyết mạch của Ai Cập.

Nhưng các cuộc tấn công nhằm ngăn cản hoạt động vận chuyển thương mại từ Biển Đỏ và Kênh đào Suez có thể khiến các nhà đầu tư Trung Quốc nản lòng, những người đã bỏ ra số tiền khổng lồ để phát triển tuyến đường thủy này nhằm thu lợi từ việc đi lại an toàn của họ.

Theo AEI, hãng vận tải khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc COSCO, vào ngày 7/1 đã cùng với Maersk, Hapag-Lloyd, Evergreen và các hãng vận tải lớn khác tạm dừng các dịch vụ đến Israel. Vào tháng 3 năm ngoái, COSCO đã đầu tư 1 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng cảng của Ai Cập.

Bị đe dọa không kém là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó Ai Cập, Yemen và Iran đều là thành viên.

Trung Quốc luôn khẳng định sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền khác, khiến các nhà phân tích đặt câu hỏi về cách họ nên phản ứng khi có vấn đề nảy sinh giữa các thành viên BRI.

Vấn đề nan giải đặc biệt nảy sinh khi căng thẳng làm suy yếu mục đích đã nêu của BRI, đó là kết nối châu Á với châu Âu thông qua việc tạo ra một loạt hành lang thương mại và đầu tư xuyên lục địa.

Cho đến nay, Trung Quốc tỏ ra kiềm chế trong hoạt động ngoại giao của mình vì lập trường không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền khác. Tuy nhiên, đồng thời Bắc Kinh muốn nâng cao điều mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi là “ảnh hưởng, sức hấp dẫn và quyền lực quốc tế” của Trung Quốc để định hình các sự kiện thông qua ngoại giao.

Hãng tin Bloomberg của Mỹ cũng cho rằng, khi Mỹ và Anh tiến hành các cuộc không kích nhằm ngăn chặn Houthi tấn công các tàu ở Biển Đỏ, Trung Quốc một lần nữa vẫn "đứng bên lề".

Không phải vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không có nhiều mối đe dọa: Trung Quốc nhập khẩu khoảng một nửa lượng dầu thô từ Trung Đông và xuất khẩu sang EU nhiều hơn Mỹ. Theo Bloomberg, Chỉ số vận chuyển hàng hóa container Thượng Hải tuần trước đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2022, phản ánh chi phí gia tăng do có khả năng phải chuyển hướng tàu vòng qua châu Phi.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi chấm dứt hành vi quấy rối các tàu dân sự ở Biển Đỏ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 12/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết Bắc Kinh “quan ngại sâu sắc” về tình trạng leo thang ở Biển Đỏ nhưng vẫn không cam kết thực hiện bất kỳ hành động nào.

Jennifer Welch, nhà phân tích kinh tế của Bloomberg nhận xét: “Họ (Trung Quốc) không thấy được nhiều lợi ích từ việc can dự mạnh hơn và điều này tương tự như cách tiếp cận của họ đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine".

Nhiều quốc gia Trung Đông trong những tuần gần đây đã kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng trong khu vực để ngăn chặn một cuộc chiến tranh rộng hơn. Nhưng Trung Quốc phải đối mặt với những khó khăn trong việc thuyết phục Houthi hoặc Iran, một nhà cung cấp dầu ngày càng quan trọng.

William Figueroa, Phó Giáo sư tại Đại học Groningen ở Hà Lan, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và Trung Đông, nói: “Trung Quốc có rất ít khả năng triển khai sức mạnh ở vùng Vịnh và chắc chắn không sẵn sàng bị lôi kéo vào một cuộc xung đột lớn hơn. Một sự lên án mạnh mẽ hơn sẽ có nguy cơ làm mất lòng các đồng minh của họ ở Tehran và sẽ không đạt được nhiều điều”.

Một số người ở Bắc Kinh cũng coi các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ là có lợi cho Trung Quốc. Xiao Yunhua, Giáo sư tại Học viện Quốc phòng Trung Quốc, cho biết: “Theo một cách nào đó, lực lượng Houthi đã vô tình mang lại cho Trung Quốc một cơ hội”. Ông Yunhua giải thích rằng sự gián đoạn (trên biển) sẽ thúc đẩy nhiều thương nhân sử dụng mạng lưới đường sắt hơn, củng cố BRI.

Về phần mình, Henry Huiyao Wang, người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một nhóm nghiên cứu chính sách ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc muốn có một cách tiếp cận toàn diện đối với những căng thẳng ở Trung Đông, bao gồm cả các cuộc tấn công của Houthi. Ông nói: “Căn bản là cuộc tấn công của Israel vào Gaza. Chúng ta cần thực sự nhìn nó như một bức tranh tổng thể thay vì chỉ riêng lẻ”.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Reuters/Bloomberg)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tai-sao-trung-quoc-khong-hanh-dong-du-bi-anh-huong-thuong-mai-o-bien-do-20240115220953358.htm