Tại sao Thái Lan từ bỏ việc mua tàu ngầm Trung Quốc?

Gần đây Hải quân Thái Lan đã phải từ bỏ việc mua tàu ngầm để chuyển sang mua khinh hạm của Trung Quốc, mặc dù hợp đồng mua tàu ngầm hai bên đã ký. Vậy đâu là nguyên nhân?

Trong hoạt động thương vụ mua bán vũ khí, Thái Lan nổi tiếng là quốc gia “chặt chẽ”, khi họ thường nhập khẩu vũ khí trang bị từ nhiều nguồn khác nhau với số lượng nhỏ dưới dạng nhỏ lẻ, sau đo dùng thử và xác nhận hiệu quả của nó, sau đó họ "mua từng ít một" trong nhiều đợt.

Xét đến việc chi tiêu quân sự hàng năm của Thái Lan tương đối hạn chế, thì phương pháp cập nhật trang bị “từng phần” này là điều dễ hiểu. Năm 2017, Thái Lan ký thỏa thuận mua chiếc tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc với giá 13,5 tỉ baht (hơn 373 triệu USD) và còn tính mua thêm 2 chiếc nữa trị giá 22,5 tỉ baht (hơn 622 triệu USD).

Tuy nhiên, thỏa thuận mua tàu ngầm Trung Quốc của chính quyền tiền nhiệm bị công chúng Thái Lan và phe đối lập chỉ trích mạnh mẽ. Câu hỏi đặt ra là liệu mua tàu ngầm vào thời điểm kinh tế đi xuống vì đại dịch có lợi hay không, và tàu ngầm có cần thiết cho an ninh của Thái Lan hay không?

Có một điều mà công chúng Thái Lan nhắc Quân đội Thái Lan đừng “chóng quên”, đó là việc họ đã nhiều lần “mắc hớ” khi mua vũ khí Trung Quốc, như vụ mua 4 tàu hộ tống khinh hạm lớp Chao Phraya (dựa trên thiết kế lớp Type 053H2) hay xe tăng VT-4.

Lãnh đạo Quân đội Thái Lan cho rằng, vũ khí Trung Quốc có “giá hợp lý”, điều kiện thanh toán thuận lợi, phù hợp với khả năng tài chính cũng như trình độ khai thác và sử dụng của binh lính Thái Lan. Tuy nhiên công chúng và phe đối lập thì cho rằng, độ bền và chi phí bảo dưỡng của vũ khí Trung Quốc rất kém.

Quay trở lại với thương vụ tàu ngầm mà Thái Lan đã ký với Trung Quốc, theo Hãng tin Reuters, Thái Lan đã trả góp khoảng 7 tỉ baht (193,7 triệu USD) cho Trung Quốc, để mua một tàu ngầm điện-diesel lớp Yuan S26T, với động cơ diesel do Đức sản xuất.

Tuy nhiên, hợp đồng mua tàu ngầm của người Thái với Trung Quốc gặp trục trặc, do Đức cấm sử dụng động cơ của họ để sử dụng với mục đích quân sự. Trung Quốc đề xuất với Thái Lan phương án thay thế động cơ Đức bằng động cơ do họ sản xuất, nhưng nhiều vòng đàm phán không mang lại kết quả.

Vào ngày 24/10/2023, trong chuyến thăm Bắc Kinh và dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường”của Thủ tướng Srettha Thavisin, phía Thái Lan đã đề xuất muốn mua tàu khu trục thay vì mua tàu ngầm. "Chúng tôi đã đề xuất với Trung Quốc và họ đang xem xét", Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Sutin Klungsang nói với báo giới.

Câu hỏi đặt ra là chiếc tàu ngầm lớp Yuan S26T mà Trung Quốc đóng cho Thái Lan giờ giải quyết thế nào? Theo tờ "Bangkok Post" của Thái Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Sutin cho biết, thay vì mua tàu ngầm, hải quân nước này có thể sẽ thay bằng mua một tàu khu trục nhỏ từ Trung Quốc.

Đối với số phận chiếc tàu ngầm S-26T thì giữa Trung Quốc và Thái Lan đang tiếp tục đàm phán. Mặc dù ông Sutin cho biết, hợp đồng mua bán tàu ngầm S-26T vẫn chưa bị hủy, nhưng ông cũng bày tỏ rằng, nếu Thái Lan cuối cùng từ bỏ việc mua tàu ngầm này, thì Trung Quốc có thể tự mình xử lý việc này, chẳng hạn như tìm khách hàng mới hoặc trang bị cho Quân đội Trung Quốc.

Về dư luận của Trung Quốc thì cho rằng, Thái Lan đã không tuân thủ quy định quốc tế về thương mại và ý kiến của lãnh đạo Quân đội Thái Lan là không nhất quán; khiến công ty đóng tàu Trung Quốc “dở khóc, dở cười”, khi tàu đã đóng xong, nhưng không có động cơ. Lý do là cách đây không lâu, chính phủ và các quan chức hải quân cấp cao của Thái Lan đã chấp nhận động cơ nội địa của Trung Quốc; do vậy công việc đóng con tàu này tiếp tục, để bàn giao chiếc tàu S-26T cho Thái Lan đúng thời hạn.

Tuy nhiên Thái Lan lại thay đổi quyết định một lần nữa, khi chính phủ và quân đội nước này nhất quyết sử dụng động cơ của Đức cho tàu ngầm S-26T. Có lẽ trong mắt người Thái, việc hủy bỏ hợp đồng mua S-26T và thay vào đó là mua khinh hạm Trung Quốc là một “lời giải thích hợp lý” đối với Trung Quốc.

Mục đích là lãnh đạo Quân đội Thái Lan giúp Trung Quốc không bị thiệt hại trong giao dịch này và duy trì được mối quan hệ hợp tác thương mại quân sự giữa hai nước trong nhiều năm. Nhưng vấn đề đặt ra là, Trung Quốc đóng hai chiếc tàu khác nhau, trong khi Thái Lan chỉ mua một chiếc. Vậy ai sẽ là người trả tiền cho việc đóng thêm những con tàu mới này?

Tiếp đến là liệu Hải quân Trung Quốc có chấp nhận đưa chiếc tàu ngầm S26T vào sử dụng? Khả năng này quả thực có thể xảy ra, nhưng tuyệt đối không phải là kết quả tốt nhất. Suy cho cùng, chiếc tàu ngầm xuất khẩu này được thiết kế riêng theo nhu cầu của Thái Lan, nên một số tính năng và thiết bị hỗ trợ có thể không hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Hiện tại Hải quân Thái Lan thiếu tàu mặt nước hiện đại, từ góc nhìn của Quân đội Thái Lan, nhu cầu về tàu mặt nước hiện nay quả thực có thể cao hơn tàu ngầm. Xét cho cùng, Hải quân Thái Lan có chưa đến 10 tàu khu trục nhỏ là lực lượng chiến đấu chính của Hải quân Thái Lan và hầu hết chúng đều đã lạc hậu.

Ngoài ra, tàu khu trục hạng nhẹ Sukhothai cũng bị chìm do tai nạn vào cuối năm 2022, khiến năng lực tác chiến trên mặt nước của hải quân Thái Lanh càng trở nên mỏng hơn. Do vậy để khỏi phải “mất lòng” đối tác Trung Quốc cũng như công luận và phe đối lập Thái Lan, thì giải pháp “chọn một tàu chiến” khác có lẽ là sự lựa chọn khả dĩ nhất.

Nhưng xét theo quy tắc thương mại quốc tế, về tàu ngầm S-26T, Thái Lan trước tiên phải thanh toán các khoản bồi thường thiệt hại theo hợp đồng, sau đó mới đến đàm phán việc mua tàu khu trục của Trung Quốc; không biết Bangkok có đủ khả năng gánh chịu mức giá đắt đỏ này hay không?

Tiến Minh (Theo Sina)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tai-sao-thai-lan-tu-bo-viec-mua-tau-ngam-trung-quoc-1949275.html