Tại sao Tết là dịp đặc biệt để con cháu hiếu kính cha mẹ

Vào dịp cuối năm, con cháu xa gần đều quy tụ về gia đình, dòng tộc để thăm hỏi ông bà, cha mẹ.

Tại sao phong tục ngày Tết lại khởi đi từ hiếu?

Khởi đi từ chữ hiếu nghĩa là:

+ Đạo lý hết lòng phụng dưỡng cha mẹ: Vào dịp cuối năm, con cháu gần xa đều quy tụ về gia đình, gia tộc để thăm hỏi ông bà, cha mẹ. Người ở dưới (tử) có dịp tỏ lòng kính trọng người bề trên (lão): Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ (Con em ở trong nhà thì hiếu thảo (hết lòng phụng dưỡng ông bà cha mẹ), ra ngoài thì kính nhường (bậc huynh trưởng lão thành). (Luận Ngữ, Học Nhi)

+ Đạo lý thờ kính ông bà tổ tiên. Bởi vì: Phù hiếu, đức chi bổn dã (Đạo phụng thờ cha mẹ là gốc của đức). (Hiếu kinh, Khai Tông Minh Nghĩa)

Cố sinh tắc thân an chi, tế tắc quỷ hưởng chi. Cho nên khi sống thì cha mẹ được yên vui, khi qua đời, hương hồn nhận lấy (lễ vật cúng tế). (Hiếu kinh, Hiếu trị)

+ Đạo lý cúng bái, tế tự để tỏ lòng kính trọng và biết ơn đấng thiêng liêng, như: Tử viết: Vũ, ngô vô gián nhiên hĩ. Phỉ ẩm thực nhi trí hiếu hồ quỷ thần, ác y phục nhi trí mĩ hồ phất miện, ti cung thất nhi tận lực hồ câu hức (Khổng Tử nói: Ta chẳng chê vua Vũ vào đâu được cả. Ông ăn uống đạm bạc mà cúng tế quỷ thần thì rất trọng hậu; ăn mặc xấu xí mà khi cúng tế thì lễ phục rất đẹp; cung thất nhỏ hẹp mà tận lực sửa sang ngòi lạch (có công trị thủy). (Luận Ngữ, Thái Bá).

Tết là dịp con cháu bày tỏ sự hiếu kính với ông bà cha mẹ. Ảnh: iStock.

Tại sao phong tục ngày Tết lại khởi đi từ ân?

Phong tục ngày Tết khởi đi từ chữ ân vì đó là: ƠN hay ÂN là lòng yêu thương mà giúp đỡ hay ban cho cái gì.

+ Đạo lý khắc cốt ghi tâm (tâm) việc nhờ (nhân) Trời đã cho mình được có mặt trên cuộc đời này. Tín hữu Công giáo cũng tạ ơn Thiên Chúa, vì “Đấng đã tạo thành tôi trong dạ mẹ”. (G 31,15) và bởi vì “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân”. (Tv 8,6-7)

+ Đạo lý khắc cốt ghi tâm (tâm) việc nhờ (nhân) cha mẹ đã cho hình hài và nuôi dưỡng mình khôn lớn.

+ Đạo lý khắc cốt ghi tâm (tâm) việc nhờ (nhân) thầy cô đã truyền cho mình tri thức và đạo đức làm người.

+ Đạo lý khắc cốt ghi tâm (tâm) việc nhờ (nhân) người bạn đời đã yêu thương và gắn bó với mình để thành nghĩa vợ chồng.

+ Đạo lý khắc cốt ghi tâm (tâm) việc nhờ (nhân) những người trong xã hội đã đồng hành với mình trong cuộc sống.

+ Đạo lý khắc cốt ghi tâm (tâm) việc nhờ (nhân) môi trường sống đã cưu mang, nuôi dưởng con người, bởi: Cha Trời Mẹ Đất, Trời sinh Đất dưỡng.

Tại sao phong tục ngày Tết lại khởi đi từ lễ?

Phong tục ngày Tết khởi đi từ chữ lễ vì đó là: LỄ là tế cúng cho thần thánh, cho tổ tiên và vật dâng biếu.

+ Tế cúng trời đất, thần thánh, hiền nhân, tổ tiên, ông bà cha mẹ để tỏ lòng tôn kính.

+ Tặng vật để cảm ơn vì việc người khác đã giúp đỡ mình: Lễ khinh tình ý trùng (Lễ mọn tình thâm).

Tại sao phong tục ngày Tết lại khởi đi từ lạc?

Phong tục ngày Tết khởi đi từ chữ lạc / nhạc vì đó là:

+ Thú vui âm nhạc (nhạc). Trong những ngày Tết, âm nhạc là thú vui không thể thiếu trong sinh hoạt thờ tự, gia đình và xã hội.

+ Vui mừng (lạc). Trong những ngày Tết, người ta tạm gác qua những điều phiền muộn để vui mừng đón xuân với nhau.

Nguyễn Hạnh/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-sao-tet-la-dip-dac-biet-de-con-chau-hieu-kinh-cha-me-post1456024.html