Tại sao ngày rằm tháng Giêng được gọi là Tết Nguyên tiêu?

Nguyên tiêu có nghĩa là gì và vì sao rằm tháng Giêng còn được gọi là tết Nguyên tiêu, đây là điều không phải ai cũng biết.

Ngày rằm đầu tiên của năm Âm lịch còn được gọi là Tết Nguyên tiêu. Đây là ngày lễ quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt. Bằng chứng là dân gian thường dùng câu "cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng" hay “lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” để nói về ngày này.

Nhưng vì sao gọi rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu, hai chữ "nguyên tiêu" có ý nghĩa gì là điều không phải ai cũng biết dù rất coi trọng lễ này.

Vì sao gọi rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu?

Tết Nguyên tiêu nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới, “nguyên” nghĩa là thứ nhất, “tiêu” nghĩa là đêm. Ngoài ra, tết Nguyên tiêu còn được gọi là tết Thượng nguyên để phân biệt với tết Trung nguyên (rằm tháng Bảy) và tết Hạ nguyên (Tết cơm mới, lễ mừng lứa mới được tiến hành sau khi kết thúc vụ mùa vào rằm tháng Mười).

Vì sao gọi rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu? (Ảnh: Pinterest)

Vì sao gọi rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu? Chia sẻ trên Vietnamnet, TS Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, tục đón Tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ những sự tích của Trung Quốc và có nhiều phiên bản khác nhau.

Truyện kể rằng vào đời Hán, có một cung nữ buồn tủi vì không được về thăm cha mẹ vào ngày 15/1 Âm lịch, quá đau buồn nên có ý định lao xuống giếng tự tử. Cảm động trước lòng hiếu của cô gái, vị quan cận thần của hoàng đế nghĩ ra một kế giúp cô. Ông tâu vua rằng vào ngày 16/1 Âm lịch, thiên đình sẽ sai hỏa thần xuống thiêu rụi kinh thành. Để tránh tai họa, trước đó một hôm, mọi người phải treo đèn lồng trước cửa nhà mình và ngoài đường.

Theo lệnh của vua, vào rằm tháng Giêng, nhà nhà đều treo đèn lồng. Nhân lúc mọi người đang mải ngắm những chiếc đèn xinh xắn đó, cô gái trẻ trốn về nhà thăm cha mẹ mà không ai biết.

Truyền thuyết khác kể, con thiên nga mà Ngọc Hoàng rất yêu quý trong một lần bay xuống hạ giới chơi đã bị người thợ săn bắn chết. Để trả thù cho con thiên nga, Ngọc hoàng sai một đội quân thiên đình đúng ngày 15/1 Âm lịch xuống hỏa thiêu toàn bộ hạ giới. Rất may cho loài người là có một số vị thần không đồng tình với quyết định này nên liều mình xuống hạ giới để hiến kế cho chúng sinh.

Theo kế của họ, vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, nhà nhà ở hạ giới đều treo đèn lồng đỏ và bắn pháo hoa để khi Ngọc hoàng nhìn xuống sẽ tưởng rằng nhà cửa, làng mạc đang bị lửa thiêu. Nhờ đó mà loài người và muôn thú mới thoát khỏi họa diệt vong.

Cũng chia sẻ trên Vietnamnet, TS Trần Long, giảng viên khoa Văn hóa, ĐH KHXH&NV cho rằng, tuy có nhiều sự tích về nguồn gốc của ngày rằm tháng Giêng, câu chuyện liên quan đến vua Hán Văn đế của Trung Hoa được truyền tai nhiều nhất.

Vị vua này lên ngôi vào đúng ngày rằm tháng Giêng nên hằng năm cứ đến ngày này, ông lại xuất cung chung vui với dân. Chữ đêm (dạ) trong cổ ngữ Trung Hoa được đọc là “tiêu”, rằm tháng Giêng là đêm rằm đầu tiên của năm nên Hán Văn đế gọi ngày này là ngày Tết Nguyên tiêu.

Có ý kiến cho rằng, Tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ công việc nhà nông. Sau ngày rằm tháng Giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu. Bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Theo một số tài liệu khác, rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo. Vào ngày này, chư tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp. Những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đức Phật... Nhiều người tin rằng đây là đêm đức Phật giáng lâm nên người người đi chùa cầu an.

Dù có nhiều cách lý giải về nguồn gốc ngày Tết Nguyên tiêu, tất cả đều thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với thiên nhiên, trời đất, thần phật, với ông bà tổ tiên và cầu mong một năm bình an, may mắn, thịnh vượng.

Nhộn nhịp Lễ hội Tết Nguyên tiêu tại TP.HCM. (Ảnh: TTXVN)

Làm gì trong ngày rằm tháng Giêng?

Ngoài nghi lễ cúng rằm tháng Giêng, mọi người thường làm một số việc sau:

Đi lễ chùa

Vào ngày rằm tháng Giêng, nhiều người lên chùa dâng hương để cầu bình an, may mắn trong năm mới. Có người còn tham dự các pháp đàn cầu an từ trước rằm cả tuần. Khi đến chùa làm lễ, mọi người cần tuân thủ các nguyên tắc về trang phục, hành xử như quần áo gọn gàng, kín đáo, đi nhẹ, nói khẽ.

Mâm lễ ngọt dâng lên chùa ngày rằm tháng Giêng. (Ảnh minh họa: Đào Huy)

Làm việc thiện

Làm việc thiện ngày rằm tháng Giêng không cần quá phức tạp. Bạn có thể quyên góp tiền, đồ dùng hoặc góp thời gian để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Việc thiện nguyện không bắt buộc phải là công to việc lớn, cốt ở lòng thành, sức đến đâu góp đến đấy.

Phóng sinh

Phóng sinh là việc được nhiều người thực hiện trong ngày rằm tháng Giêng, thể hiện lòng nhân ái, tôn trọng sự sống của muôn loài. Khi phóng sinh, bạn nên chọn nơi vắng vẻ, không có hoạt động săn bắt để các sinh vật có thể sống thoải mái với môi trường tự nhiên.

Nhật Thùy (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tai-sao-ngay-ram-thang-gieng-duoc-goi-la-tet-nguyen-tieu-ar854697.html