Tại sao Mỹ tụt hậu trong cuộc đua xe điện với Trung Quốc?

Trong khi Mỹ sa lầy trong những thách thức về cơ sở hạ tầng và sức ì của thị trường, thì Trung Quốc lại cung cấp một hệ thống giao thông đa phương thức đầy hiệu quả.

Gần đây, ngay sau khi Apple đột ngột hủy bỏ giấc mơ xe điện (EV) kéo dài hàng thập kỷ của mình, Xiaomi đã thông báo họ sẽ bắt đầu cung cấp những mẫu EV đầu tiên trong tháng này.

Không giống như Trung Quốc, việc áp dụng EV ở Mỹ diễn ra rất chậm. Gần đây, nỗ lực của công ty cho thuê ô tô Hertz nhằm phát triển thêm thị trường EV đã thất bại hoàn toàn. Không chỉ vậy, ngay cả các nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ như Ford cũng đang tạm hoãn các khoản đầu tư vào EV.

Trong khi đó, vào năm ngoái, hãng xe BYD của Trung Quốc đã vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất EV hàng đầu thế giới.

Khi lĩnh vực EV đang phát triển nhanh chóng, những động lực trái ngược nhau đã được bộc lộ ở hai thị trường hàng đầu thế giới.

Theo phân tích của SCMP, trong khi Trung Quốc thể hiện một chiến lược kết hợp toàn diện thì Mỹ lại vướng vào một câu hỏi hóc búa về những thách thức cơ sở hạ tầng và sức ì của thị trường. Sự phát triển của hệ sinh thái EV Trung Quốc cho thấy khi những chiến lược đúng đắn được kết hợp với lực lượng thị trường dồi dào có thể mang lại hiệu quả lớn tới như thế nào.

Mấu chốt trong quá trình phát triển thần tốc của Trung Quốc trong ngành công nghiệp EV là chuỗi cung ứng sản xuất pin. Theo đó, công ty công nghệ Amperex Đương đại (CATL) tại Trung Quốc đã thống trị hoạt động sản xuất pin EV, với 36,8% thị trường toàn cầu vào năm ngoái, so với 13,6% của nhà sản xuất pin EV hàng đầu Hàn Quốc LG Energy Solution.

Ba nhà sản xuất pin EV hàng đầu của Trung Quốc – bao gồm BYD và Pin Lithium Hàng không Trung Quốc (CALB) – có thị phần tổng hợp hơn 57%. Hàn Quốc, đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực này chỉ chiếm 23% thị phần.

Ảnh: Bloomberg

Thành công của thị trường EV Trung Quốc còn được hỗ trợ bởi quá trình mở rộng cơ sở hạ tầng sạc điện nhanh chóng. Theo đó, Trung Quốc đã thiết lập mạng lưới 2,7 triệu điểm sạc công cộng vào cuối năm ngoái và dự kiến sẽ tăng thêm 40% trong năm nay. Ngược lại, Mỹ chỉ có khoảng 170.000 điểm sạc công cộng và đặt mục tiêu tăng con số này lên 500.000 vào năm 2030.

Nhu cầu trong nước là yếu tố then chốt cho sự phát triển ngành công nghiệp EV của Trung Quốc. Năm ngoái, trong khi 1,2 triệu xe điện được bán ở Mỹ thì hơn có tới 8 triệu xe điện được bán ở Trung Quốc. Và trong khi EV chiếm 37% doanh số bán ô tô ở Trung Quốc thì ở Mỹ, chúng chỉ chiếm chưa đến 8%.

Khoảng cách này càng trở nên lớn hơn do chiến lược định giá mạnh mẽ của các nhà sản xuất EV Trung Quốc. Họ cung cấp vô số lựa chọn với mức giá dưới 100.000 NDT (14.300 USD), so với mức giá trung bình hơn 53.000 USD đối với 10 mẫu EV bán chạy nhất tại Mỹ.

Ảnh: SCMP

Thành công của hệ sinh thái EV của Trung Quốc cũng gắn chặt chẽ với hệ thống giao thông quốc gia. Hiện nay, EV đã trở thành một phần không thể thiếu trong cơ sở hạ tầng giao thông đa phương thức của Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Mỹ, chúng chỉ được coi là sự thay thế cho các phương tiện động cơ đốt trong ở một quốc gia vẫn phụ thuộc phần lớn vào phương tiện di chuyển cá nhân.

Nhưng nghịch lý thay, EV lại phát triển mạnh ở Trung Quốc bởi chúng có thể phối hợp với các phương thức vận tải khác. Theo đó, phương pháp vận tải đa phương thức tận dụng các thế mạnh của từng phương thức di chuyển: sự tiện lợi và linh hoạt của EV, tốc độ của tàu cao tốc cũng như khả năng tiếp cận của tàu điện ngầm – cho phép mỗi phương thức phát huy thế mạnh của mình. Bằng sự kết hợp hài hòa giữa hệ thống giao thông gắn kết như vậy, EV có thể phát huy hết tiềm năng của mình như một yếu tố quan trọng của mạng lưới giao thông tích hợp.

Trong khi đó, Mỹ đóng vai trò là bệ phóng cho sự đi lên của Tesla, nhà sản xuất EV hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh đáng gờm của Trung Quốc và có thể ngày càng phải phụ thuộc vào chính sách thương mại của Mỹ để duy trì tính cạnh tranh.

Một mảnh đất màu mỡ hơn cho sự phát triển mạnh mẽ của EV có thể được tìm thấy ở châu Âu, với các cam kết không khí thải cacbon, những khu đô thị đông dân cư và hệ thống giao thông công cộng được thiết lập tốt. Châu Âu có tiềm năng là một thị trường EV lớn và phát triển nhanh hơn nhiều so với Mỹ.

Theo SCMP, yếu tố tiên quyết để Mỹ có thể giành lại thị phần từ Trung Quốc sẽ là sự tích hợp liền mạch của EV trong mạng lưới giao thông toàn diện. Mỹ, mặc dù có vai trò tiên phong trong thị trường xe điện, nhưng vẫn phải đối mặt với những bất lợi đáng kể do người dân vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào xe cá nhân.

Đông Á và Châu Âu, nơi có mạng lưới tàu điện ngầm và đường sắt cao tốc rộng khắp, đang đi đầu trong cuộc cách mạng xe điện. Chìa khóa để khai thác toàn bộ tiềm năng của EV nằm ở cách chúng được kết hợp như thế nào trong một hệ thống giao thông phức tạp.

Theo SCMP

Tiến Dũng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tai-sao-my-tut-hau-trong-cuoc-dua-xe-dien-voi-trung-quoc-post174220.html