Tại sao lại ăn chè đậu đỏ trong ngày Thất tịch?

Vào ngày Thất tịch 7/7 âm lịch, giới trẻ rộ lên trào lưu ăn chè đậu đỏ. Vậy Thất tịch là ngày gì? Tại sao lại ăn chè đậu đỏ trong ngày Thất tịch. Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Ngày lễ Thất tịch là ngày gì?

Lễ Thất tịch được tổ chức vào ngày 7/7 âm lịch hằng năm và được gọi là ngày lễ tình yêu của một số nước châu Á. Ngày Thất tịch gắn với sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ.

Theo tương truyền, Ngưu Lang là một anh chàng chăn trâu nghèo khó nhưng lại rất chăm chỉ, thiện lương nên đã dành được tình cảm của nàng tiên Chức Nữ - con gái út của Vương Mẫu Nương Nương. Nàng có nhiệm vụ chuyên dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời.

Hai người nên duyên vợ chồng, trải qua những năm tháng hạnh phúc bên nhau và có được 2 người con, một trai một gái.

Nhưng vào một ngày, Chức Nữ phải trở về thiên đình theo lệnh của Ngọc Đế. Ngưu Lang đau khổ đuổi theo, nhưng bị chặn lại bởi con sông Thiên Hà, ranh giới giữa hai cõi phàm tiên. Thế nhưng Ngưu Lang không rời đi mà ở đó chờ đợi mãi.

Từ đó, bên cạnh sông Thiên Hà có thêm một vì sao, mọi người gọi đó là sao Ngưu Lang. Vương Mẫu vì cảm động trước tình cảm chân thành của Ngưu Lang nên đã đồng ý cho họ mỗi năm gặp nhau một lần vào ngày Thất Tịch (7 /7 âm lịch).

Do vậy, ngày này trở thành ngày biểu tượng cho tình yêu đôi lứa ở một số quốc gia phương Đông.

Tại Trung Quốc, Thất tịch là một lễ hội quan trọng và còn được gọi với cái tên khác là lễ hội Trùng thất. Lễ hội này được cho là du nhập vào Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8 và có tên gọi là “Tanabata”.

Ở Việt Nam, ngày lễ Thất tịch hay còn gọi là ngày “ông Ngâu bà Ngâu”, các đôi lứa yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên bền vững, son sắt.

2. Phong tục ăn chè đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch bắt nguồn từ đâu?

Phong tục ăn chè đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch bắt nguồn từ Trung Quốc. Nó còn có nhiều tên gọi khác là "đậu tương tư", "hồng đậu", "khổng tước"... Vì nó có kích thước nhỏ, dáng thon gần giống hình trái tim nên nó được xem như một biểu tượng của tình yêu.

Truyện xưa kể rằng thời Hán có một chàng trai bị ép đi lính, vợ của anh ngày ngày mong ngóng chồng trở về. Nàng cứ ngồi dưới gốc cây ở cổng làng, khóc đến nỗi ra máu mà qua đời. Sau khi cô mất, cây bỗng dưng kết thành những trái màu đỏ rực, người ta cho rằng đây chính là những giọt huyết lệ của người vợ nên gọi nó là "hồng đậu".

3. Tại sao lại ăn chè đậu đỏ trong ngày lễ Thất tịch?

Trong văn hóa Trung Quốc, đậu đỏ có ý nghĩa cầu mong đường nhân duyên thuận lợi. Bởi màu đỏ là màu của sự tốt lành, may mắn và hạnh phúc. Theo truyền thuyết thì những ai đang độc thân mà ăn đậu dỏ vào ngày này sẽ sớm tìm được "một nửa" của mình. Còn những người đã có đôi thì ăn đậu đỏ cũng sẽ giúp tình yêu bền chặt, bên nhau mãi không rời.

Chính vì ý nghĩa này mà hằng năm vào ngày 7 tháng 7 âm lịch giới trẻ đều đua nhau ăn chè đậu đỏ để đường tình duyên của mình trở nên viên mãn hơn.

Bảo Khánh (t/h)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-lai-an-che-dau-do-trong-ngay-that-tich-post261468.html