Tại sao hàng nghìn bác sĩ trẻ ở Hàn Quốc đình công?

Hàng nghìn bác sĩ thực tập ở Hàn Quốc đã từ chối tiếp bệnh nhân và hủy bỏ các cuộc phẫu thuật kể từ khi đình công vào ngày 20/2 để phản đối chính sách tăng cường tuyển sinh viên y khoa của Chính phủ Hàn Quốc.

Tính đến thứ Ba (27/2), khoảng 8.940 bác sĩ thực tập đã rời khỏi nơi làm việc để phản đối chính sách trên. Cuộc đình công này đã làm gián đoạn hoạt động của các bệnh viện lớn và tạo gánh nặng cho dịch vụ y tế chung của Hàn Quốc. Các nhà chức trách cảnh báo rằng họ có thời hạn đến thứ Năm (29/2) để trở lại làm việc, nếu không sẽ bị đình chỉ giấy phép và bị truy tố.

Các bác sĩ tổ chức một cuộc biểu tình phản đối chính sách y tế của Chính phủ Hàn Quốc gần Văn phòng Tổng thống ở Seoul vào ngày 25 tháng 2 năm 2024. Ảnh: AP

Tại sao hàng nghìn bác sĩ trẻ đình công?

Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch tăng tuyển sinh 2.000 sinh viên vào trường y hàng năm từ năm 2025, nhằm mục đích bổ sung tới 10.000 bác sĩ vào năm 2035 để đối phó với tình trạng dân số đang già đi nhanh chóng của đất nước. Các quan chức cho biết Hàn Quốc có 2,1 bác sĩ trên 1.000 dân, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,7 ở các nước phát triển.

Theo các bác sĩ thực tập đang đình công, trường học không thể đáp ứng được số lượng sinh viên y khoa tăng đột ngột. Họ dự đoán cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn giữa số lượng các bác sĩ tăng có thể khiến chi phí y tế công tăng cao.

Hơn nữa, hầu hết các sinh viên y khoa được tuyển dụng bổ sung cũng có thể sẽ chọn làm việc trong những ngành nghề được trả lương cao như phẫu thuật thẩm mỹ và da liễu. Điều đó có nghĩa là tình trạng thiếu bác sĩ kéo dài của đất nước trong các lĩnh vực thiết yếu nhưng có mức lương thấp như khoa nhi, sản khoa và cấp cứu sẽ không thay đổi.

Một số chuyên gia cho rằng các bác sĩ trẻ đình công chỉ đơn giản phản đối kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc vì họ lo ngại việc bổ sung thêm bác sĩ sẽ khiến thu nhập thấp hơn.

Ahn Cheol-soo, một bác sĩ chuyển sang làm luật, phát biểu trên một chương trình truyền hình địa phương rằng ông ủng hộ kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc. Nhưng nếu không có chính sách thu hút sinh viên lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu, "2.000 bệnh viện da liễu mới sẽ được thành lập ở Seoul 10 năm sau", Ahn nói.

Hậu quả của cuộc đình công

Những cuộc đình công đã khiến các bệnh viện phải hủy bỏ nhiều ca phẫu thuật đã lên kế hoạch cũng như các phương pháp điều trị y tế khác. Hôm 23/2, một cụ bà 80 tuổi bị ngừng tim được cho là đã tử vong sau khi 7 bệnh viện từ chối nhận bà, với lý do thiếu nhân viên y tế hoặc các lý do khác liên quan đến cuộc đình công.

Ở một số bệnh viện lớn, bác sĩ thực tập chiếm khoảng 30 - 40% tổng số bác sĩ, đóng vai trò hỗ trợ bác sĩ cấp cao trong quá trình phẫu thuật và điều trị bệnh nhân nội trú. Những người đình công nằm trong số 13.000 bác sĩ nội trú và thực tập sinh của đất nước. Họ làm việc và đào tạo tại khoảng 100 bệnh viện ở Hàn Quốc.

Sau các cuộc đình công, Chính phủ Hàn Quốc đã phải kéo dài thời gian làm việc tại các cơ sở y tế công, mở phòng cấp cứu tại các bệnh viện quân đội cho công chúng và trao cho các y tá quyền thực hiện một số thủ tục y tế thường do bác sĩ thực hiện.

Hôm thứ Ba, Thứ trưởng Bộ Y tế Park Min-soo cho biết việc xử lý các bệnh nhân nguy kịch và cấp cứu của nước này phần lớn vẫn ổn định. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng dịch vụ y tế tổng thể của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu cuộc đình công kéo dài hoặc nếu các bác sĩ cấp cao tham gia đình công.

Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, đại diện cho khoảng 140.000 bác sĩ ở Hàn Quốc, đã kiên quyết bày tỏ sự ủng hộ đối với các bác sĩ thực tập sinh. Park Jiyong, một bác sĩ phẫu thuật cột sống ở Hàn Quốc, cho biết các bác sĩ cấp cao tại các bệnh viện lớn có thể sẽ tham gia cuộc đình công trong những ngày tới. Điều này sẽ gần như làm sụp đổ hoạt động của các bệnh viện đó.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Hôm thứ Hai (26/2), Thứ trưởng Bộ Y tế Park cho biết chính phủ sẽ không áp dụng bất kỳ biện pháp kỷ luật nào đối với các bác sĩ đình công nếu họ quay trở lại làm việc trước thứ Năm (29/2).

Các thành viên của Liên đoàn Công nhân Vận tải và Dịch vụ Công Hàn Quốc tổ chức một cuộc biểu tình tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul ở Seoul, Hàn Quốc vào ngày 27 tháng 2 năm 2024. Ảnh: Ahn Young-joon

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng bất kỳ ai tiếp tục đình công sau thời hạn đó sẽ bị đình chỉ giấy phép y tế ít nhất 3 tháng và phải đối mặt với các hậu quả pháp lý, chẳng hạn như điều tra và truy cứu trách nhiệm theo cáo trạng của công tố viên. Tuy nhiên, các bác sĩ đình công được cho là sẽ không trở lại làm việc sớm.

Luật y tế của Hàn Quốc cho phép chính quyền ban hành lệnh quay trở lại làm việc cho các bác sĩ khi nhận thấy nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng. Những người từ chối chấp hành lệnh này có thể bị đình chỉ giấy phép y tế tới 1 năm và cũng phải đối mặt với án tù 3 năm hoặc phạt tiền 30 triệu won (khoảng 22.500 USD). Những người nhận án tù sẽ bị tước giấy phép hành nghề y tế.

Bác sĩ là một trong những ngành nghề được trả lương cao nhất ở Hàn Quốc, và cuộc biểu tình của các bác sĩ thực tập cho đến nay vẫn chưa giành được sự ủng hộ của công chúng. Một cuộc khảo sát cho thấy khoảng 80% người được hỏi ủng hộ kế hoạch tuyển dụng của Chính phủ Hàn Quốc.

Hoài Phương (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-hang-nghin-bac-si-tre-o-han-quoc-dinh-cong-post286053.html