Tại sao dải Ngân hà lại có tên là Milky Way?

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao dải Ngân hà của chúng ta lại được đặt tên là Con đường sữa (Milky Way) hay không?

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao dải Ngân hà của chúng ta lại được đặt tên là Con đường sữa (Milky Way) hay không?

Dải Ngân hà có đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng (1 năm ánh sáng tương đương với hơn 9,4 nghìn tỷ km). Trung tâm của Ngân hà chứa một hố đen siêu khối lượng có lực hấp dẫn mạnh đến nỗi bất cứ thứ gì, kể cả ánh sáng cũng không thể thoát khỏi nó. Ngoài ra, dải Ngân hà còn có các nhánh xoắn ốc xuất phát từ trung tâm chứa hàng triệu vì sao và trong số đó có cả mặt trời.

Dải Ngân hà được ước tính là có "tuổi thọ" lên tới 13,2 tỷ năm và là một trong hàng tỷ các thiên hà tồn tại trong vũ trụ. Có thể những thiên hà khác có kích thước và tuổi đời lớn hơn nhưng đã từ rất lâu dải Ngân hà đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của con người trong lĩnh vực thiên văn học.

Theo trang tin Live Science, dải Ngân hà đã được phát hiện bởi các nhà thiên văn học từ hàng ngàn năm trước đây và rất nhiều nền văn minh cổ xưa đã miêu tả dải Ngân hà như một nét đặc trưng trong thần thoại của họ. Mặc dù vậy, cho đến nay vẫn có không ít người thắc mắc về nguồn gốc tên gọi của dải Ngân hà (Milky Way).

Một nhà thơ nổi tiếng người La Mã là Ovid đã miêu tả dải Ngân hà trong tác phẩm "The Metamorphoses" xuất bản lần đầu vào thế kỷ thứ 8 sau Công Nguyên như sau: "Có một dải sáng được nhìn thấy rõ nhất khi bầu trời quang đãng và có tên gọi là Milky Way".

Theo Giáo sư Khoa học – Lịch sử Matthew Stanley của trường Đại học New York, cái tên "Milky Way" được nhắc đến sớm nhất từ thời Hy Lạp cổ đại, tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa xác định chính xác thời điểm tên gọi này ra đời.

Stanley cho biết: "Thuật ngữ này được sử dụng phổ biến trong thiên văn học phương Tây cách đây 2,500 năm và có liên quan đến các nhà chiêm tinh ở một số nước châu Âu". Chính vì lý do đó, dường như không có cách nào để biết được ai là người đầu tiên đặt tên cho dải Ngân hà là Milky Way. Thậm chí thuật ngữ này cổ đến nỗi nguồn gốc của nó đã bị lãng quên.

Trên thực tế, Stanley nói thêm, từ nguyên Hy Lạp cho "galaxy" (thiên hà) cũng có xuất xứ từ "milk" (sữa). Cụ thể hơn, "galactos" theo nghĩa đen là "con đường sữa trên bầu trời". Sở dĩ gọi như vậy là bởi diện mạo như dòng sữa vắt ngang qua bầu trời đêm của nó.

Thần thoại Hy Lạp về sự hình thành dải Ngân hà đã được thể hiện trong bức tranh "The Origin of the Milky Way" (Tạm dịch: Nguồn gốc của dải Ngân hà) của nghệ sĩ thời Phục hưng Jacopo Tintoretto năm 1575.

Tác phẩm của Tintoretto dựa trên một phiên bản của câu chuyện xuất hiện trong văn bản văn học dân gian "Geoponica" ở thế kỷ thứ 10. Theo đó, truyền thuyết mô tả rằng thần Zeus đã đặt em bé sơ sinh Hercules bên cạnh người vợ đang ngủ là nữ thần Hera để Hercules bú sữa dễ dàng hơn. Do không biết nên Hera đã tỉnh dậy và vô tình để dòng sữa của mình để lại một vệt dài trên bầu trời tạo ra dải Ngân hà.

Mặc dù các nhà thiên văn học đã có thể quan sát dải Ngân hà từ rất sớm nhưng họ không đưa ra được nhiều kết luận có giá trị. Trước khi kính thiên văn được phát minh vào đầu thế kỷ 17, các thiên hà được gọi là tinh vân và là một khu vực không hề giống những vật thể quen thuộc như các ngôi sao và hành tinh khác.

Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi khi nhà thiên văn học người Ý Galileo Galilei đã quan sát và phát hiện ra rằng thực ra những "đám mây bụi vũ trụ" đó lại là tập hợp của rất nhiều các vì sao ở gần nhau.

Stanley cho biết: "Đây là thời điểm quan trọng khi con người bắt đầu nhận thức được rằng tinh vân và một thứ gì đó thú vị và có thể nghiên cứu cấu trúc của nó. Họ đã đặt những cái tên cụ thể hơn vì đã xác định được hình dạng của chúng".

Tuy nhiên, không phải thiên hà nào cũng được đặt tên vì lý do đơn giản là có quá nhiều thiên hà trong vũ trụ. Số lượng thiên hà được con người khám phá ra tiếp tục tăng lên khi công nghệ phát triển và giúp cải thiện khả năng nghiên cứu và quan sát của các nhà khoa học. Ước tính, tổng số thiên hà đã được phát hiện cho đến nay có thể lên tới 200 tỷ.

Và cùng với sự phát hiện ra thêm nhiều thiên hà khác, các nhà thiên văn học đã đi đến kết luận là dải Ngân hà của chúng ta thực sự bình thường và không có gì quá đặc biệt.

Dù vậy, những hình ảnh tuyệt vời về dải Ngân hà vẫn tạo nên rất nhiều cảm hứng cho chúng ta và giúp chúng ta thêm hiểu cũng như trân trọng nơi mình đang sống trong vũ trụ bao la.

Huyền Thanh

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/1998015/tai-sao-dai-ngan-ha-lai-co-ten-la-milky-way