Tại sao cựu binh Mỹ muốn trở lại Việt Nam

Gần 40 năm sau chiến tranh, nhiều cựu chiến binh Mỹ đã tìm tới sống ở Việt Nam và nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa 2 nước, trong khi những người khác cũng đang tiếp tục đổ tới nhằm khép lại một chương lớn trong đời họ.

Một bức ảnh chụp Greg Kleven vào tháng 4/1967, cho thấy ông đang mặc một chiếc áo phông bẩn thỉu đứng trước một công sự mái thiếc, tay cầm một khẩu súng trường M-16. Cái đầu cạo nhẵn của Kleven nghiêng về bên trái và ông thè lưỡi tinh nghịch khi cười.

Người Mỹ đầu tiên trở lại TP.HCM

Kleven khi đó mới 18 tuổi, đã có 3 tháng chiến đấu ở Việt Nam trong một đại đội trinh sát của lính thủy đánh bộ. "Chúng tôi đều đã thực hiện các nhiệm vụ khó khăn. Chúng tôi cho nổ các cây cầu, nhảy dù ra khỏi máy bay. Mỗi cuộc tuần tra đều giống như một cuộc chiến cá nhân" - ông kể.

Kleven hiện đang sống trong một căn hộ chung cư nhìn ra kênh Nhiêu Lộc ở TP.HCM. Giờ ông không còn bất kỳ dấu vết nào của một anh lính trẻ liều lĩnh nữa. 2 thập kỷ sau khi rời Việt Nam trên một chiếc cáng với một vết đạn xuyên vào lưng, Kleven đã trở lại đất nước này với tinh thần thiện chí trong năm 1991. Hành động đó khiến Kleven, theo lời ông, đã trở thành người Mỹ đầu tiên sống ở TP.HCM sau chiến tranh.

Hai cựu chiến binh Greg Anderson (trái) và Bill Ervin trở lại một ngọn đồi ở Việt Nam, nơi họ từng chiến đấu trong năm 1969.

Ngày hôm nay, cứ vài lần mỗi tuần, căn hộ của Kleven lại biến thành một lớp học, khi các học sinh Việt Nam tìm tới thực hành tiếng Anh. Kleven là một ngôi sao sáng về giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam, công việc ông chưa hề biết tới khi lần đầu trở lại với tư cách một du khách trong những năm 1980.

Ông và anh trai, một cựu chiến binh không lực Hoa Kỳ, đã trở thành những người nước ngoài đầu tiên được chính quyền cấp phép dạy học ở Việt Nam. Giọng nói của ông giờ xuất hiện trong nhiều lớp học ở Việt Nam, trên những băng thu âm đào tạo tiếng Anh của chính quyền.

"Tôi muốn sửa chữa cho những gì mình đã làm trong chiến tranh" - Kleven nói về sự nghiệp dạy học của mình - "Tôi giờ có cơ hội thứ hai để làm điều đúng đắn. Tôi có cơ hội để trở thành một giáo viên ở đây, thay vì một người lính".

Hàng chục ngàn người đã trở lại

Kleven chỉ là một trong hàng ngàn cựu chiến binh Mỹ đã trở lại Việt Nam kể từ khi kết thúc một trong những cuộc xung đột gây chia rẽ nhất lịch sử Mỹ.

Trong 4 thập kỷ kể từ khi ký Hiệp định Hòa bình Paris 1973, vốn chấm dứt sự can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ vào cuộc chiến, nhiều cựu binh đã trở lại Việt Nam, ít nhất là với sự tò mò để chứng kiến mảnh đất và con người họ từng chiến đấu chống lại. Nhưng cũng không ít người muốn tìm sự kết thúc cho một “cuộc chiến” vẫn tiếp tục đè nặng tâm trí họ.

Trong khi không ai biết rõ có bao nhiêu cựu binh đã trở lại, phần lớn chuyên gia đều cho rằng con số phải tới hàng chục ngàn. Vietnam Battlefield Tours, một trong hàng chục nhóm tổ chức các chuyến đi cho cựu binh Mỹ, ước tính rằng họ đã đưa hơn 1.000 cựu chiến binh trở lại Việt Nam kể từ khi thành lập hồi năm 2005.

Chính quyền Việt Nam nói rằng trong những năm gần đây, hơn 400.000 người Mỹ, với phần nhiều trong số đó là cựu quân nhân, đã viếng thăm đất nước đều đặn mỗi năm.

Vài trăm người trong số này, như Kleven, đã dọn hẳn tới sống ở Việt Nam. Nhiều người đã giúp tháo dỡ bom mìn chưa nổ trên các chiến trường, nay là ruộng lúa.

Họ quyên tiền cho những người bị chẩn đoán bị tật nguyền, hoặc bị bệnh do chất độc da cam/dioxin gây ra. Và họ hoạt động như các đại sứ không chính thức, thông qua các công việc như giáo viên và hướng dẫn du lịch, để thúc đẩy sự hàn gắn quan hệ giữa những người Mỹ và người Việt.

Đi tìm lại chính mình

Thực tế cựu chiến binh Mỹ có truyền thống lâu dài trong việc hành hương trở lại chiến trường cũ. Các hành trình này thường là để tưởng nhớ quá khứ chiến tranh, tôn vinh những người đã bỏ mạng. Các cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam vì cùng một lý do. Nhưng họ còn muốn cuộc chiến gây tranh cãi của mình phải có ý nghĩa nào đó.

"Điều khiến cựu chiến binh Việt Nam khác biệt so với các cựu chiến binh Thế chiến thứ hai là chúng ta thua ở Việt Nam" - Paulette Curtis, một nhà nhân chủng học tại Đại học Notre Dame ở South Bend, Indiana, người đã nghiên cứu hiện tượng cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa nói - "Các cựu chiến binh trở lại Việt Nam đang tìm kiếm vị trí của họ trong lịch sử cả trên khía cạnh cá nhân lẫn quốc gia".

Trong khi những người lính trở về nhà từ Thế chiến thứ hai được tôn vinh như anh hùng, các cựu chiến binh Việt Nam đối diện với một công chúng Mỹ với phần lớn không ủng hộ cuộc chiến. Thêm vào đó, báo chí Mỹ ngừng đưa tin chiến sự ngay sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975, nên các cựu chiến binh không biết họ đã có vai trò gì khi tham gia vào cuộc chiến.

Kleven còn nhớ cảm giác rối bời sau khi về nhà từ Việt Nam vào năm 1967. "Tôi tự hỏi mình rằng vì sao chúng tôi ra trận? Thứ gì đứng sau hành động đó? Tôi chưa bao giờ biết rõ về lịch sử liên quan. Vì thế tôi đã tìm kiếm tất cả những điều chưa biết" - ông nói.

Tường Linh (Theo CS Monitor)
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/quoc-te/tai-sao-cuu-binh-my-muon-tro-lai-viet-nam-n20131112021542363.htm