Tại sao cuộc chiến năm 1967 của Israel là lời cảnh báo Đài Loan

Vào ngày 5/6/1967, Israel đã mở cuộc tấn công bất ngờ năm vào Ai Cập. Những điểm tương đồng giữa chiến lược của Trung Quốc hiện nay và chiến dịch đánh lừa trên không của Israel trong cuộc chiến năm 1967, là một lời cảnh báo cho Đài Loan.

Vào sáng ngày 5/6/1967, Không quân Israel (IAF) đã tiến hành các cuộc không kích bất ngờ, vào các sân bay, trận địa phòng không và các trung tâm chỉ huy và kiểm soát chính của Ai Cập, mở màn cho cuộc “Chiến tranh Sáu ngày”.

Đến chiều cùng ngày, với khoảng 500 lần xuất kích, IAF đã tấn công 17 sân bay của Ai Cập; phá hủy hơn 200 máy bay của Không quân Ai Cập, hầu hết là trên các sân bay và các máy bay không kịp cất cánh.

Cùng lúc với cuộc tiến công vào Ai Cập, IAF cũng đồng thời tấn công các sân bay ở Syria, Jordan và Iraq; giành hoàn toàn ưu thế trên không, so với các lực lượng không quân “thù địch” với Israel tại khu vực Trung Đông.

Sau các cuộc không kích bất ngờ, làm không quân của các quốc gia Ai Cập và Syria tê liệt; đồng thời lúc này, lực lượng mặt đất của Israel bắt đầu “đánh nhanh, tiến nhanh” vào Bán đảo Sinai và đến ngày 10/6, Israel đã chiếm Sinai, Dải Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem cùng Cao nguyên Golan.

Những chiến thắng đáng kinh ngạc trên, trước hết là do Israel có chiến lược đúng; nhưng điều quan trọng là do các đối thủ của Israel không còn lực lượng không quân, do vậy IAF có thể tương đối tự do tiến hành các nhiệm vụ yểm trợ trên không (CAS) và ngăn chặn các cuộc phản công.

Nhưng làm thế nào mà Không quân và Quân đội Israel có thể thực hiện một cuộc không kích bất ngờ như vậy vào Ai Cập và các quốc gia xung quanh? Và bài học chiến lược, có thể rút ra từ sự kiện này cho Đài Loan hiện nay là gì?

Để thực hiện được cuộc tập kích bất ngờ năm 1967, trước đó nhiều năm, IAF đã thực hiện các chuyến bay qua sa mạc Negev, thu thập thông tin tình báo. Không quân Ai Cập ban đầu theo dõi các chuyến bay của Israel bằng radar và đôi khi cho máy bay chiến đấu xuất kích, để ngăn chặn máy bay chiến đấu của Israel.

Nhưng sau một thời gian, chỉ thấy máy bay chiến đấu Israel bay tuần tra bình thường và Ai Cập đã nảy sinh thói chủ quan và coi thường. Thậm chi trong suốt hai năm trước khi cuộc “Chiến tranh Sáu ngày” bắt đầu, IAF đã tiến hành các chuyến bay buổi sáng, gần như hàng ngày trên Biển Địa Trung Hải.

Máy bay của IAF sẽ bay thấp gần như ở độ cao sóng biển, biến mất khỏi màn hình radar của Ai Cập, trước khi xuất hiện trở lại trên chuyến bay về nước. Đây vừa là màn nghi binh, nhưng cũng là việc huấn luyện cho phi công của IAF huấn luyện sát thực tế chiến đấu, mà Ai Cập không ngờ tới.

Khi Israel tiến hành các cuộc không kích bất ngờ vào sáng ngày 5/6, các trắc thủ phòng không Ai Cập vẫn cho là Không quân Israel đang tiến hành luyện tập thường ngày và không chuyển cấp chiến đấu; cho đến khi máy bay chiến đấu Israel gần như đồng thời xóa sổ các đài radar này, mà các trắc thủ Ai Cập vẫn còn “mơ ngủ”.

Kế hoạch đánh lừa thành công của IAF, để che giấu các cuộc không kích bất ngờ của họ, đã được xây dựng trong nhiều tháng, với các hình thức bay liên tục và thường xuyên của các chuyến bay, dường như không đe dọa đến ai.

Điều này dường như tương đồng với việc Lực lượng Không quân Trung Quốc (PLAAF) ngày nay, thường xuyên bay trong Vùng Nhận dạng Phòng không Đài Loan (ADIZ).

Kể từ năm ngoái, PLAAF đã cho máy bay bay vào ADIZ của đảo Đài Loan gần như mỗi ngày và thường xuyên băng qua đường trung tuyến, gây căng thẳng cho các hệ thống phòng không của hòn đảo này.

Từ tháng Giêng đến tháng Mười năm 2020, lực lượng không quân của vùng lãnh thổ Đài Loan (ROCAF) đã phải điều động 2.972 lần xuất kích máy bay chiến đấu, để đánh chặn máy bay PLAAF bay vào ADIZ của đảo Đài Loan.

Bộ Quốc phòng của hòn đảo này đã công bố thông tin liên quan đến các cuộc xâm nhập của PLAAF vào giữa tháng 9/2020. Việc Đài Loan liên tục phải điều động máy bay chiến đấu, ngăn chặn các hành động xâm phạm của PLAAF, đã tiêu tốn của Đài Loan khoảng 1 tỷ USD, tương đương 9% ngân sách quốc phòng năm 2020.

Ngoài ra, việc các máy bay của ROCAF thường xuyên phải xuất kích ngăn chặn máy bay của PLAAF, khiến máy bay chiến đấu của ROCAF bị hao mòn, dẫn đến chi phí bảo dưỡng cao và số lượng máy bay chiến đấu sẵn sàng hoạt động thấp hơn.

Vào cuối tháng 3 năm nay, chi phí xuất kích của các máy bay chiến đấu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chiến đấu của hòn đảo này. ROCAF đã quyết định không điều máy bay, mà mỗi khi PLAAF tiến vào ADIZ, sẽ sử dụng radar và hệ thống tên lửa phòng không, để theo dõi các máy bay của PLAAF.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã không giảm nhịp độ các chuyến bay gần như hàng ngày của PLAAF đến khu vực ADIZ của Đài Loan. Vào ngày 12/4, PLAAF đã tiến hành chuyến bay lớn nhất từ trước đến nay với 25 máy bay, trong đó có 14 máy bay chiến đấu hạng nặng J-16, 4 máy bay chiến đấu đa năng J-10 và 4 máy bay ném bom H-6.

Có rất nhiều tuyên bố về mục đích của các chuyến bay này của PLAAF, bao gồm giám sát eo biển Ba Sĩ chiến lược, biểu dương lực lượng chống lại các hoạt động của lực lượng vũ trang đảo Đài Loan và Hải quân Mỹ. Ngoài ra, PLAAF tiến hành các cuộc tập trận ở tầm xa hơn, với các máy bay mới hơn, nhằm phát tín hiệu chính trị cho cả Mỹ và đảo Đài Loan.

Tuy nhiên, những điểm tương đồng chiến lược giữa các cuộc “tuần tra” của Trung Quốc hiện nay và chiến dịch đánh lừa bằng đường không của Israel, chống lại Ai Cập trước cuộc “Chiến tranh Sáu ngày” năm 1967. Đây là bài học cảnh giác cho đảo Đài Loan ở thời điểm hiện tại. Nguồn ảnh: Warhistory.

Đài Loan lộ diện tàu chiến đa thân đầu tiên được hòn đảo này tự thiết kế và đóng mới hoàn toàn. Nguồn: Vice.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tai-sao-cuoc-chien-nam-1967-cua-israel-la-loi-canh-bao-dai-loan-1548844.html