Tại sao các nữ sinh liên tiếp bị bắt cóc ở miền bắc Nigeria?

Sự kiện các tay súng bắt cóc 287 học sinh tiểu học ở tây bắc Nigeria hôm 7/3 chỉ là vụ mới nhất trong một loạt các vụ việc tương tự tại quốc gia châu Phi này trong 1 thập kỷ qua.

Theo hãng tin AP, khoảng 1.500 học sinh đã bị bắt cóc trong các cuộc tấn công tại Nigeria kể từ sau khi khi nhóm khủng bố thánh chiến Boko Haram tấn công một trường trung học ở Chibok, bắt đi 276 nữ sinh vào năm 2014.

Các vụ bắt cóc chủ yếu diễn ra ở khu vực phía bắc đầy bất ổn của Nigeria, nơi mà bạo lực do các nhóm chiến binh Hồi giáo nổi dậy và các nhóm khủng bố gây ra đã hủy hoại cuộc sống của rất nhiều cộng đồng cư dân và giết chết hàng nghìn người.

Một phụ huynh có con em bị bắt cóc tại Nigeria hôm 7/3 đang kêu gào thảm thiết - Ảnh: AP

Trong khi một số nạn nhân ở Chibok được cho là đã bị ép kết hôn với phiến quân, hầu hết các vụ bắt cóc kể từ đó đều nhằm mục đích đòi tiền chuộc. Các tay súng cũng tấn công những cộng đồng dân cư để ép người dân lao động trên các vùng đất nông nghiệp và khu khai thác mỏ bị chúng chiếm được.

Một số cuộc đột kích nhắm vào các trường đại học, chẳng hạn như vụ tấn công năm 2021 vào Đại học Greenfield ở Bang Kaduna, khiến 5 sinh viên thiệt mạng vì phụ huynh không đáp ứng yêu cầu tiền chuộc. Nhưng hầu hết các vụ bắt cóc đều nhắm tới những trường học dành cho thiếu niên.

Dưới đây là cái nhìn sâu hơn về cuộc khủng hoảng bắt cóc ở quốc gia đông dân nhất châu Phi.

Điều gì đang xảy ra ở phía bắc Nigeria?

Khu vực phía bắc nghèo khó và khó khăn về giáo dục của Nigeria đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng tội phạm và tình trạng bất ổn xã hội.

Chính phủ tuyên bố đã đạt được tiến bộ trong việc chống lại nhóm khủng bố thánh chiến Boko Haram và phiến quân thuộc tỉnh Tây Phi của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISWAP), nhưng các nhóm này vẫn hoạt động và đã thành lập căn cứ và mở rộng thêm địa bàn thêm khá nhiều.

Nhưng một vấn đề thậm chí còn tồi tệ hơn và dường như khó giải quyết đã nảy sinh ở phía tây bắc Nigeria, nơi một số lượng lớn các băng nhóm vũ trang có xu hướng hoạt động như các nhóm cướp, nhóm phỉ đã nắm quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ, tấn công những trường học và cộng đồng để tiến hành các vụ giết người và bắt cóc hàng loạt.

Chúng đã chiếm giữ các khu khai thác mỏ và đất nông nghiệp và buộc người nông dân tại đây phải làm việc cho chúng. Các lực lượng vũ trang Nigeria, vốn mệt mỏi vì chiến đấu với những cuộc xung đột nội bộ bất tận trong hơn 10 năm, đã làm được rất ít để ngăn chặn các băng cướp, nhóm phỉ này.

Các băng nhóm này cũng đe dọa an ninh lương thực của đất nước vì chúng kiểm soát nhiều vùng sản xuất hoa màu lớn của Nigeria.

Những kẻ bắt cóc là ai?

Chưa có bên nào nhận trách nhiệm trong vụ bắt cóc hôm 7/3, nhưng nó xảy ra ở khu vực có bọn cướp hoạt động mạnh và từng tấn công cư dân trong quá khứ.

Những tên cướp thường thuộc bộ lạc du mục Fulani, những người ban đầu cầm vũ khí chống lại các bộ lạc Hausa ở bang Zamfara để giành quyền tiếp cận tài nguyên đất và nước. Nhưng giờ đây, chúng đã phát triển thành các nhóm vũ trang có tổ chức chuyên bắt cóc đòi tiền chuộc, chiếm đất nông nghiệp và mỏ vàng.

Người ta tin rằng hiện khu vực phía bắc Nigeria có hàng trăm băng đảng như vậy, mỗi băng đảng gồm rất nhiều chiến binh được trang bị vũ trang khá mạnh.

Tại sao các vụ bắt cóc xảy ra?

Theo ông Shehu Sani, cựu nghị sĩ liên bang ở Kaduna, nơi vụ tấn công xảy ra hôm thứ Năm (7/3), các vụ bắt cóc nói chung nhằm mục đích đòi tiền chuộc và đã trở thành một công việc kinh doanh béo bở.

Một xe tuần tra của lực lực an ninh Nigeria đứng gác ở nơi xảy ra vụ bắt cóc hôm 7/3 - Ảnh: AP

Ông Sani cho biết trong một bài đăng trên X rằng học sinh là mục tiêu hàng đầu vì bọn cướp “biết rằng điều đó sẽ khơi dậy sự đồng cảm của công chúng đối với học sinh và áp lực sẽ đè nặng lên chính phủ để phải tuân theo yêu cầu của chúng”.

Chính phủ Nigeria không thừa nhận việc tuân theo yêu cầu của bọn bắt cóc, nhưng các nguồn tin thân cận với những cuộc đàm phán tiết lộ, việc thanh toán tiền chuộc được thực hiện bởi cả gia đình và chính quyền bang, nghị sĩ Sani cho biết thêm.

Các khoản thanh toán tiền chuộc và các khoản thu nhập bất hợp pháp khác, chẳng hạn như tiền “bảo kê” thu được từ các trang trại và mỏ khoáng sản, đã giúp các băng nhóm tích lũy một kho vũ khí khổng lồ đủ mạnh để thậm chí bắn hạ máy bay quân sự.

Ông Nnamdi Obasi, cố vấn của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) có trụ sở tại Brussels, cho biết việc các gia đình tuyệt vọng, các cộng đồng cư dân và thậm chí cả chính quyền các bang sẵn sàng trả tiền chuộc đã “biến những vụ bắt cóc hàng loạt trở thành hoạt động tội phạm sinh lợi nhất ở khu vực phía tây bắc Nigeria”.

Các cộng đồng bị ảnh hưởng thường ở những vùng nông thôn hẻo lánh, nơi lực lượng an ninh của chính phủ hiện diện rất hạn chế, khiến họ dễ bị tấn công bởi những tên cướp sống trong các khu rừng gần đó.

Phản ứng của chính quyền như thế nào?

Trong khi chính quyền liên bang Nigeria giữ quan điểm chính thức là đáp lại các vụ bắt cóc bằng phản ứng vũ trang, một số chính quyền bang như Zamfara và Katsina đã thử các biện pháp nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như đàm phán và thỏa thuận ân xá với bọn cướp.

Ông Obasi cho biết việc chính phủ tiểu bang và liên bang không bắt được những kẻ bắt cóc đã làm tăng thêm “bầu không khí không bị trừng phạt” và “chỉ tạo ra nhiều hành động tàn bạo tàn khốc hơn”.

Những năm qua, một số thủ lĩnh băng đảng đã bị giết, trong đó có một tên gần đây ở Kaduna, nhưng các hoạt động trấn áp đó vẫn chỉ như bắt cóc bỏ đĩa. Việc giải quyết tận gốc rễ, là vận động hoặc ép buộc các băng đảng dừng công việc kinh doanh béo bở là bắt cóc rất khó khăn và hầu như không hiệu quả.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-cac-nu-sinh-lien-tiep-bi-bat-coc-o-mien-bac-nigeria-post287357.html