Tại sao AK-12 của Nga phải bỏ chức năng bắn điểm xạ 3 viên?

Mặc dù được đưa vào biên chế chiến đấu chưa lâu, nhưng súng tiểu liên AK-12 của Nga đã bộc lộ những điểm yếu ở chiến trường Ukraine; trong đó có tính năng bắn điểm xạ 3 viên, khiến Nga phải bỏ tính năng này.

Cách đây ít lâu, quân đội Nga đã công bố mẫu tiểu liên AK-12 cải tiến mới nhất, đúc kết từ kinh nghiệm thực chiến trên chiến trường Ukraine. Mẫu AK-12 mới này có nhiều thay đổi, ngoại trừ những điều chỉnh, một trong những thay đổi đó là bỏ tính năng bắn điểm xạ 2 viên ban đầu, chỉ để lại tính năng bắn phát một và tự động.

Lịch sử thiết kế súng trường tiến công có tính năng bắn điểm xạ bắt đầu từ Quân đội Mỹ. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Quân đội Mỹ đã tổng kết việc sử dụng vũ khí hạng nhẹ của bộ binh trong thực chiến trên chiến trường và phát hiện ra một vấn đề gây sốc, khi một số lượng đáng kể lính bộ binh nói rằng, họ thường không bắn viên đạn nào, vì “ngại lên đạn” lại.

Dựa trên kết luận này, trong Chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ bắt đầu trang bị rộng rãi súng trường tiến công M14 và M16 (tên đầu tiên là AR-15) với chức năng bắn hoàn toàn tự động.

Tất nhiên, độ giật của súng trường M14 rất khó kiểm soát và không thích hợp để bắn liên tục (do sử dụng đạn 7,62×51mm); nhưng súng M16 có hỏa lực mạnh và đã thể hiện những ưu điểm lớn trong thực chiến. Do vậy, việc nó trở thành súng trường tiến công thế hệ tiếp theo của Quân đội Mỹ là điều hợp lý.

Nhưng vấn đề là băng đạn của súng M16 chỉ có 20 viên, chỉ cần xiết cò vài phát ngắn là hết băng đạn, khiến hỏa lực của người lính giảm đi đáng kể. Trên chiến trường, khi nhiều lính mới hồi hộp và căng thẳng, họ sẽ bóp cò và bắn hết 20 viên đạn chỉ trong một lần xiết cò.

Do đó, khi quân đội Mỹ bắt đầu cải thiện các vấn đề tính năng của M16, một nhóm sĩ quan cấp cao của quân đội Mỹ đã hỏi: Có thể thiết kế một tính năng giới hạn cho M16, để ngăn người dùng thiếu kinh nghiệm bắn hết đạn không? Chính dưới sự hướng dẫn của ý tưởng thiết kế này, phiên bản M16A2 đã ra đời.

Là một phiên bản cải tiến toàn diện của M16A1, M16A2 có nhiều cải tiến mới đã được công nhận, nhưng dưới sự chỉ đạo của tư tưởng "tiết kiệm đạn", quân đội Mỹ đã bỏ chế độ bắn hoàn toàn tự động của M16A1 và thay vào đó, sử dụng tính năng bắn điểm xạ 3 viên. Đây là lần sản xuất quy mô lớn đầu tiên trên thế giới, một khẩu súng trường tiến công thay thế chế độ bắn hoàn toàn tự động bằng tính năng điểm xạ 3 viên.

Sau M16A2, nhiều súng trường và súng tiểu liên trên thế giới được thiết kế với chức năng điểm xạ ba viên, nhưng không bỏ chế độ bắn hoàn toàn tự động. Đối với M16A3 và M16A4 tiếp theo, chức năng bắn hoàn toàn tự động lại được thêm vào. Và những khẩu súng có cả tính năng điểm xạ và hoàn toàn tự động dường như phổ biến hơn.

Có vẻ như nhiều người cho rằng, bản thân việc bắn điểm xạ ba viên có thể ngăn ngừa lãng phí đạn và nâng cao tỷ lệ trúng đích. Nhưng trên thực tế, xét từ hiệu suất của vũ khí, việc bắn điểm xạ ba phát không thể cải thiện tỷ lệ bắn trúng của vũ khí, cũng như ngăn người bắn lãng phí đạn; những ý tưởng này chỉ là mơ tưởng của những người chưa từng chạm vào súng.

Trong báo cáo "Phân tích đặc điểm súng trường M16A2 và đề xuất cải tiến" do Quân đội Mỹ xuất bản cho thấy, tính năng bắn điểm xạ 3 viên hiệu suất là khá thấp, do người bắn không thể giữ chắc súng trong bắn điểm xạ. Và qua nghiên cứu, loạt điểm xạ ba viên không phải là số viên đạn bắn ra tối ưu, mà phải là 5-6 viên, xác xuất trúng đích mới bảo đảm.

Trong các thử nghiệm của Quân đội Mỹ cho thấy, các loạt ngắn 5-6 viên là hiệu quả nhất, cho phép một nửa số đạn trúng gần điểm ngắm; trong khi hai loạt 3 viên sẽ chỉ có hai viên rơi gần điểm ngắm, còn lại là 4 viên bắn lệch, hiệu quả thực tế chỉ tương đương với điểm xạ hai phát một.

Hơn nữa, bản thân cơ chế bắn loạt ba viên của M16A2 đã có những lỗi thiết kế cực kỳ nghiêm trọng; ngoài vấn đề về hiệu suất, còn có một vấn đề nổi tiếng là bắn gián đoạn không thể đếm lại được. Ví dụ bếu xạ thủ chỉ bắn hai viên đạn rồi buông tay cò, thì sẽ chỉ bắn được một viên đạn vào lần bóp cò tiếp theo.

Ngoài ra, cơ chế điểm xạ 3 viên này thực sự khiến lực bóp cò của M16A2 mỗi lần bắn sẽ khác nhau. Ai đã từng bắn súng đều biết lực bóp cò ảnh hưởng đến độ chính xác của phát bắn như thế nào; nhưng lực bóp cò mỗi lần khác nhau, như vậy làm sao khẩu súng này có thể ngắm bắn chính xác được?

Ở các loại súng khác, những vấn đề này có thể tránh được miễn là chúng được thiết kế phù hợp, nhưng có một vấn đề khác không thể giải quyết được, đó là tính năng điểm xạ ba viên sẽ dẫn đến độ phức tạp quá mức của vũ khí. Trên M16A2, tính năng này làm tăng đáng kể tỷ lệ lỗi trong khi bắn.

Nhưng ngay cả khi cơ chế bắn điểm xạ được thiết kế tốt, không ảnh hưởng đến cảm giác bóp cò, cũng như không ảnh hưởng đến độ tin cậy, thì việc thêm cơ chế bắn sẽ làm tăng chi phí sản xuất súng. Dù chỉ là một vài bộ phận nhỏ, nhưng đó là khoản chi bổ sung không nhỏ đối với một khẩu súng trường có số lượng mua hàng chục nghìn khẩu (ảnh cơ chế bắn ba phát của tiểu liên MP5 được thiết kế tốt hơn nhưng lại vô dụng).

Tất nhiên, không phải tất cả các chế độ bắn tự động điểm xạ đều vô dụng. Nếu tốc độ bắn của vũ khí đủ cao, có thể bắn 2~3 viên đạn trước khi phản ứng giật lại của súng có tác động lên người bắn và có thể tạo ra mật độ đạn tương đối dày đặc (ảnh súng G11 của Đức tính năng tốt, nhưng thiết kế cực kỳ phức tạp).

Nhưng để giảm thiểu ảnh hưởng của độ giật ảnh hưởng tới đường ngắm, tốc độ bắn của súng phải rất cao, ít nhất khoảng 2.000 phát/phút. Để đạt được tốc độ bắn cao như vậy, cấu trúc của những khẩu súng này cực kỳ phức tạp và chính xác, giá thành cực cao nhưng kết quả cuối cùng lại không đạt yêu cầu.

Ngay cả đối với những lính nghĩa vụ cực kỳ thiếu huấn luyện, kỹ năng bắn súng bằng vũ khí hạng nhẹ là một trong những kỹ năng cơ bản dễ thành thạo nhất; nếu họ không thể kiểm soát được số lượng viên đạn mình bắn ra từ súng của chính mình, những người lính như vậy khó có thể tồn tại trên chiến trường. Cũng chính vì lý do này, quân đội Nga đã từ bỏ chức năng điểm xạ 3 viên của AK-12.

Như vậy chế độ điểm xạ tự động 2 hoặc 3 viên không giúp cải thiện hiệu suất của súng trường tiến công, ngược lại, nó làm tăng độ phức tạp và giá thành; nên hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã từ bỏ thiết kế này. Đây chỉ là một bước đi “đường vòng cực kỳ cồng kềnh và tốn kém" trong lịch sử thiết kế vũ khí hạng nhẹ của thế giới.

Tiến Minh (theo Sina)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tai-sao-ak-12-cua-nga-phai-bo-chuc-nang-ban-diem-xa-3-vien-1898868.html