'Tài sản trong quá khứ là nền tảng, vị trí địa chính trị là cơ sở, chuyển đổi số là cơ hội cho tương lai'

Sáng nay, 27.9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã về đến thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Bangladesh và Cộng hòa Bulgaria.

Mối quan hệ truyền thống là tài sản vô giá

Trong cả hai chuyến thăm, Bangladesh và Bulgaria đều dành cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sự đón tiếp vô cùng nồng hậu, ấm áp “như những người thân trong gia đình” với các nghi lễ trọng thị nhất.

Và tại hai quốc gia, Chủ tịch Quốc hội đều nhắc lại mối quan hệ bang giao truyền thống quý báu giữa hai nước, hai dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Bangladesh Shirin Sharmin Chaudhury. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Bangladesh Shirin Sharmin Chaudhury. Ảnh: Doãn Tấn

Với Bangladesh, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là chuyến thăm đầu tiên của Người đứng đầu cơ quan lập pháp nước ta và là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta kể từ năm 2018. Đặc biệt, là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng nhất giữa Việt Nam và Bangladesh trong thời điểm lịch sử khi hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội không chỉ thúc đẩy quan hệ giữa Quốc hội hai nước ngày càng thực chất, hiệu quả mà còn củng cố, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực.

Với Bulgaria, đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 15 năm, có ý nghĩa quan trọng tiếp tục củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, tăng cường hợp tác nghị viện và thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rosen Zhelyazkov chủ trì lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Bulgaria. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rosen Zhelyazkov chủ trì lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Bulgaria. Ảnh: Doãn Tấn

Với Bulgaria, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ nhắc lại đây là một trong 10 nước đầu tiên công nhận Việt Nam độc lập và thiết lập quan hệ ngoại giao ngay từ năm 1950. Đó cũng là những tình cảm chí tình, chí nghĩa của Nhà nước và Nhân dân Bulgaria trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây của Việt Nam, với hình ảnh là những sinh viên tham gia biểu tình phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc tại Việt Nam, rồi những công nhân đóng góp tiền lương cho Quỹ đoàn kết với Việt Nam, và đông đảo chuyên gia Bulgaria đã giúp xây dựng và chuyển giao kinh nghiệm với Việt Nam... Đó là những “cây cầu hữu nghị”, những “tài sản vô giá” mà hai nước cần tiếp tục giữ gìn, trao truyền cho không chỉ thế hệ hôm nay.

Vị trí địa chính trị chiến lược

Đối với Bangladesh, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam xác định Bangladesh là một đối tác quan trọng. Hiện nay, Bangladesh là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Nam Á, là điểm đến đầu tư nhiều tiềm năng cho các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong tương lai. Với vị trí địa lý thuận lợi, Bangladesh được coi là cửa ngõ để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập, tiếp cận và tiếp tục vươn rộng ra các thị trường Nam Á và Trung Đông khác. Ngược lại, Việt Nam là cánh cửa để Bangladesh mở rộng thâm nhập vào các thị trường ASEAN và mở rộng hợp tác với các đối tác khác mà Việt Nam có FTA.

Đối với Bulgaria, “Việt Nam là đối tác quan trọng của Bulgaria trong khu vực Đông Nam Á, chúng tôi có mối quan hệ truyền thống hữu nghị thân thiết và tôn trọng lẫn nhau. Đối thoại chính trị được tăng cường trong những năm gần đây là điều kiện tiên quyết quan trọng để kích hoạt quan hệ song phương trong mọi lĩnh vực cùng quan tâm". Đây là những gì Tổng thống Bulgaria Radev đã nói trong cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Bulgaria Rumen Radev. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Bulgaria Rumen Radev. Ảnh: Doãn Tấn

Tổng thống Rumen Radev cũng bày tỏ ấn tượng trước việc Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao trong những năm qua và tại khu vực đang phát triển cực kỳ năng động ở Đông Nam Á. Tổng thống nhấn mạnh, thỏa thuận được ký kết giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam về bảo hộ đầu tư (EVIPA) là dấu hiệu rõ ràng cho thấy mối quan hệ với Việt Nam quan trọng như thế nào đối với các nước châu Âu.

Bulgaria sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ của EU với đối tác ưu tiên như Việt Nam, hai nước có thể nâng cấp hợp tác thương mại thông qua việc thành lập các doanh nghiệp chung, Tổng thống Radev khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Thủ tướng Bulgaria Nikolai Denkov. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Thủ tướng Bulgaria Nikolai Denkov. Ảnh: Doãn Tấn

Toàn cảnh Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Thủ tướng Bulgaria Nikolai Denkov. Ảnh: Doãn Tấn

Toàn cảnh Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Thủ tướng Bulgaria Nikolai Denkov. Ảnh: Doãn Tấn

Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Nikolai Denkov, ông cũng khẳng định với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về “vai trò của Việt Nam ở khu vực châu Á là then chốt và có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển kinh tế, giáo dục và công nghệ”. Và điều này có ý nghĩa đặc biệt với Bulgaria. Theo ông, Bulgaria có thể là cây cầu kết nối Việt Nam với EU, ngược lại Việt Nam có thể là cây cầu để đưa Bulgaria tới với các đối tác ở Đông Nam Á.

Khuôn khổ pháp lý từ hợp tác nghị viện tạo dựng niềm tin, động lực cho doanh nghiệp

Một trong những kết quả nổi bật nữa của chuyến thăm, đó là hai bên đều nhấn mạnh và khẳng định tầm quan trọng của hợp tác nghị viện, là sự bảo đảm cho việc xây dựng niềm tin cao và tạo động lực cho doanh nghiệp và xã hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Điều này đã được cụ thể hóa bằng những biên bản hợp tác được ký kết giữa các cơ quan lập pháp của Việt Nam và hai nước Bangladesh, Bulgaria.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury ký Bản ghi nhớ hợp tác đầu tiên giữa Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury ký Bản ghi nhớ hợp tác đầu tiên giữa Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn

Với Bangladesh, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội ghi dấu mốc với những “lần đầu tiên”, được kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới trong thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực. Đó là ngay sau hội đàm cấp cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury đã ký Bản ghi nhớ hợp tác đầu tiên giữa Quốc hội hai nước nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội thường xuyên và thực chất hơn nữa, góp phần thúc đẩy và mở rộng quan hệ hai nước.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Tổng Thư ký Quốc hội Bangladesh K.M. Abdus Salam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác đầu tiên giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Nghị viện Bangladesh; là bước cụ thể hóa, triển khai ngay các nội dung Bản ghi nhớ hợp tác giữa Quốc hội hai nước vừa được hai Chủ tịch Quốc hội ký.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Tổng Thư ký Quốc hội Bangladesh K.M. Abdus Salam ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Nghị viện Bangladesh. Ảnh: Doãn Tấn

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Tổng Thư ký Quốc hội Bangladesh K.M. Abdus Salam ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Nghị viện Bangladesh. Ảnh: Doãn Tấn

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Bangladesh cũng đã thông báo về việc thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Bangladesh Khóa XV và Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Bangladesh - Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Quốc hội hai nước Việt Nam và Bangladesh thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị nhằm tăng cường chặt chẽ hơn nữa quan hệ giữa các nghị sĩ, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rosen Zhelyazkov ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rosen Zhelyazkov ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn

Tại Bulgaria, sau hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Rosen Jhelyazkov đã ký Biên bản ghi nhớ giữa Quốc hội Bulgaria và Quốc hội Việt Nam. Cùng với đó, Tổng thư ký Quốc hội hai nước cũng ký biên bản hợp tác. Ngoài ra, còn có các văn bản ký kết được ký kết giữa một số bộ, ngành và địa phương hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rosen Zhelyazkov ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rosen Zhelyazkov ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn

Đánh giá về sự kiện này, Trang thông tấn BTA đã trích dẫn lời của Chủ tịch Quốc hội Rosen Zhelyazkov, trong đó khẳng định: “Các văn kiện được ký kết vừa là sự bảo đảm cho sự phát triển của quan hệ song phương, vừa là sự nối dài hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp Bulgaria - Việt Nam về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học-kỹ thuật”. Để cụ thể hóa những nội dung hợp tác, “một cuộc họp của Ủy ban sẽ được tổ chức vào ngày 10 - 12.10 tới", Chủ tịch Quốc hội Rosen Zhelyazkov thông tin tại cuộc họp báo sau hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Một kết quả và cử chỉ rất đặc biệt mà Bulgaria dành cho Việt Nam, đó là ngay trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội Bulgaria đã phê chuẩn EVIPA với sự ủng hộ tuyệt đối. Chân thành cảm ơn Quốc hội Bulgaria, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn Bulgaria ủng hộ và thúc đẩy các nước thành viên Liên minh châu Âu sớm ký phê chuẩn Hiệp định này. Đồng thời, bày tỏ tin tưởng khi Hiệp định có hiệu lực, doanh nghiệp của EU nói chung cũng như doanh nghiệp Bulgaria và Việt Nam sẽ có những cơ hội rất thuận lợi để tăng cường các hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Tận cùng của quan hệ bang giao là hiệu quả hợp tác kinh tế

Một dấu ấn nữa, đó là trong 6 ngày diễn ra chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có hai bài phát biểu rất quan trọng tại hai Diễn đàn Chính sách, pháp luật về kinh tế, đầu tư tại Bangladesh và Bulgaria; cùng 2 bài phát biểu về chính sách lần lượt tại Học viện Ngoại giao Bangladesh và trường Đại học Kinh tế quốc tế và quốc gia Sofia. Những nội dung phát biểu của Chủ tịch Quốc hội đều được báo chí nước sở tại trích dẫn, nhấn mạnh và đưa tin đậm nét.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn chính sách pháp luật thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam - Bulgaria. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn chính sách pháp luật thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam - Bulgaria. Ảnh: Doãn Tấn

Các đại biểu dự Diễn đàn chính sách pháp luật thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam - Bulgaria. Ảnh: Doãn Tấn

Các đại biểu dự Diễn đàn chính sách pháp luật thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam - Bulgaria. Ảnh: Doãn Tấn

Trong các bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đều chỉ ra những điểm thú vị trong quan hệ hữu nghị, hợp tác khi cả ba nước cùng đặt ra những mục tiêu và khát vọng phát triển với tầm nhìn cụ thể. Trong đó, Bangladesh đặt mục tiêu “Tầm nhìn 2041”, đưa Bangladesh trở thành quốc gia hiện đại và tri thức vào năm 2041 nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước. Với Bulgaria, đó là mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành một nền kinh tế cạnh tranh, ít carbon và là quốc gia có mức sống cao. Trong khi đó, Việt Nam cũng đặt ra hai mục tiêu mang tính dấu mốc quan trọng: Đến năm 2035 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Bangladesh. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Bangladesh. Ảnh: Doãn Tấn

Các đại biểu tham dự dự Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Bangladesh. Ảnh: Doãn Tấn

Các đại biểu tham dự dự Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Bangladesh. Ảnh: Doãn Tấn

"Để thực hiện mục tiêu và khát vọng trên, chúng tôi xác định nội lực là cơ bản và quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng và có tính đột phá cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự cường, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng". Khẳng định điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ: “Muốn đi nhanh thì từng nước có thể đi một mình, nhưng nếu muốn đi xa, muốn về đích các mục tiêu phát triển của Việt Nam và của Bulgaria thì hai nước cần phải đi cùng nhau” - Hãng thông tấn BTA của Bulgaria trích dẫn lời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đồng thời nhấn mạnh, hai nước có cơ sở để “cùng nhau” đạt được những mục tiêu của mình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rosen Zhelyakov tại cuộc họp báo. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rosen Zhelyakov tại cuộc họp báo. Ảnh: Doãn Tấn

BTA cũng trích dẫn ý kiến một số chuyên gia đánh giá cao bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Đặc biệt, trong bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã chỉ ra những "dư địa” hai bên còn có thể làm tốt hơn nữa cho mối quan hệ hợp tác song phương, ví dụ như lĩnh vực đầu tư. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng gợi mở, “hai nước nên thành lập các mô hình liên doanh để đầu tư vào thị trường của nhau hoặc đầu tư vào thị trường nước thứ ba”, và rằng với “vị trí của Việt Nam trong khu vực ASEAN, Bulgaria có thể đầu tư vào Việt Nam và qua đó đầu tư vào thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân, quy mô nền kinh tế thứ 5 thế giới”…

Chủ tịch Quốc hội cũng có một “bài giảng ấn tượng” như cách gọi của báo chí Bulgaria, tại Trường Đại học Kinh tế quốc tế và quốc gia Sofia (UNWE) về chính sách đối ngoại của Việt Nam, về quan hệ song phương Việt Nam - Bulgaria và các ưu tiên của xã hội Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Trường Đại học Kinh tế quốc tế và quốc gia Sofia (UNWE) về tình hình thế giới, khu vực hiện nay và quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Bulgaria. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Trường Đại học Kinh tế quốc tế và quốc gia Sofia (UNWE) về tình hình thế giới, khu vực hiện nay và quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Bulgaria. Ảnh: Doãn Tấn

Bài phát biểu đã được nhiều hãng thông tấn, báo chí chính thống của Bulgaria trích dẫn và đánh giá cao, như hãng thông tấn BTA, truyền hình quốc gia BNT, Tờ 24 Chasa (24 giờ), báo Novinite, Dariknews… Đưa nổi bật dòng tít “Con người là yếu tố then chốt để phát triển bền vững”, trang tin Baricada nhấn mạnh rằng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam chia sẻ chiến lược phát triển của Việt Nam - trọng tâm của mọi việc làm là hạnh phúc của người dân, bởi chính người dân mới là người được hưởng lợi - ý nghĩa của bất kỳ chính sách nào.

Các đại biểu dự chương trình tại Trường Đại học Kinh tế quốc tế và quốc gia Sofia (UNWE). Ảnh: Doãn Tấn

Các đại biểu dự chương trình tại Trường Đại học Kinh tế quốc tế và quốc gia Sofia (UNWE). Ảnh: Doãn Tấn

Chia sẻ với báo chí hai nước, nhiều học giả, chuyên gia của Bulgaria cũng vô cùng ấn tượng khi nghe Chủ tịch Quốc hội Việt Nam chia sẻ: Triết lý chỉ đạo trong mọi hành động của Nhà nước Việt Nam là “lấy con người làm trung tâm”. “Không có ý nghĩa gì nếu người dân không nhận được lợi ích từ các chính sách được thực hiện, nếu những chính sách đó không mang lại lợi ích cho họ. Con người là yếu tố then chốt để phát triển bền vững”. Đây có lẽ không chỉ là mục tiêu và triết lý hành động của Việt Nam mà còn là "điểm đồng" với tất cả các quốc gia tiến bộ trên thế giới.

Lãnh đạo Đại học Kinh tế quốc tế và quốc gia Sofia (UNWE) và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi tiếp đón. Ảnh: Doãn Tấn

Lãnh đạo Đại học Kinh tế quốc tế và quốc gia Sofia (UNWE) và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi tiếp đón. Ảnh: Doãn Tấn

Các trang báo của bạn đều nhấn mạnh khi giới thiệu Chủ tịch Quốc hội Việt Nam với khán phòng “Maxima” của UNWE - nơi tập trung đông đảo giáo viên, sinh viên và khách mời tham dự sự kiện, Hiệu trưởng UNWE, Giáo sư Dimitar Dimitrov nêu rõ: Ông Vương Đình Huệ là Giáo sư kinh tế - tài chính và có thâm niên học tập, giảng dạy lâu năm.

Trong thời đại 4.0, tương lai không còn chỉ là sự tiếp nối của quá khứ

Trong bài phát biểu chính sách tại UNWE, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, phát triển thông qua đổi mới là thách thức lớn nhưng cũng là động lực cho mọi quốc gia, khu vực. Theo ông, trong điều kiện cách mạng công nghệ 4.0, dường như tất cả các nước dù phát triển hay đang phát triển, dù lớn hay nhỏ, đều ở trong hoàn cảnh khó khăn như nhau, đều có cùng một điểm xuất phát. Bởi trong bối cảnh chuyển đổi số, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo và cách mạng công nghiệp 4.0, tương lai không còn chỉ là sự tiếp nối của quá khứ. Tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia "có vẻ là những quốc gia đi sau", đều được trao những cơ hội to lớn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Trường Đại học Kinh tế quốc tế và quốc gia Sofia (UNWE). Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Trường Đại học Kinh tế quốc tế và quốc gia Sofia (UNWE). Ảnh: Doãn Tấn

“Trong quá trình này, Việt Nam và Bulgaria nói riêng cũng như các nước Đông Nam Á, châu Âu nói chung có vai trò, đóng góp rất quan trọng - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh”, báo chí Bulgaria trích dẫn.

Cũng tại ngôi trường kinh tế bậc cao nổi tiếng có chiều dài lịch sử một thế kỷ của Bulgaria, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ tin tưởng, “lịch sử lâu dài của tình hữu nghị và sự hợp tác chân thành, hiệu quả giữa Bulgaria và Việt Nam có thể được nâng cấp thành công với những nỗ lực mới trên nhiều hướng”; đồng thời đưa ra 4 đề xuất cho phương hướng hợp tác trong tương lai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp lãnh đạo một số hiệp hội, tập đoàn Bulgaria. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp lãnh đạo một số hiệp hội, tập đoàn Bulgaria. Ảnh: Doãn Tấn

Trước hết, đó là làm sâu sắc thêm quan hệ chính trị và ngoại giao, trong đó có quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước cả trên bình diện song phương cũng như trên các diễn đàn đa phương.

Thứ hai, là sự cần thiết của hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước để trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương.

Thứ ba là hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh làm động lực phát triển. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh vai trò dẫn đầu của Bulgaria trong khu vực trên các lĩnh vực như “điện toán đám mây” thông tin, dữ liệu lớn, tự động hóa, chuỗi khối. Ngược lại, Việt Nam cũng đang trên con đường chuyển đổi số mạnh mẽ thông qua Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cuối tháng 10 năm nay, Việt Nam dự kiến sẽ khai trương Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây sẽ là trung tâm công nghệ, khoa học, đổi mới và khởi nghiệp, thu hút đông đảo chuyên gia, trí thức, nhà khoa học, doanh nhân và tập đoàn hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới đến thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Và cuối cùng là thúc đẩy hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực truyền thống, như giáo dục và đào tạo, văn hóa, hợp tác lao động.

Kết thúc bài phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội đã dẫn những vần thơ cảm động của nguyên Phó Tổng thống, nữ nhà thơ Blaga Dimitrova, viết năm 1969 và ví đây là những vần thơ mang “biểu tượng tuyệt vời của tình đoàn kết anh em và lòng trung thành, gắn kết giữa Việt Nam và Bulgaria”; đồng thời khẳng định, “thời thế có thể thay đổi, nhưng điều này vẫn nguyên vẹn và rạng ngời”.

Vậy, tiềm năng lớn nhất cho hợp tác Bulgaria-Việt Nam nằm ở đâu? Trả lời câu hỏi mà một sinh viên của UNWE đặt ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định: “Tài sản trong quá khứ là nền tảng, vị trí địa chính trị của hai nước ở khu vực Thái Bình Dương và Biển Đen là cơ sở quan trọng”. Và, hai nước cần bổ sung quan hệ đối tác chuyển đổi kỹ thuật số, công nghệ và thị trường lao động vào các lĩnh vực hợp tác truyền thống của mình. Đó chính là tiềm năng vô giá và vô tận của mối quan hệ song phương trong thời đại mới.

Câu trả lời vừa mang tầm lý luận, đồng thời cũng thấm đẫm thực tiễn cuộc sống của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có lẽ không chỉ thỏa mãn cá nhân bạn sinh viên của UNWE. Bởi, những tràng pháo tay rộn rã, liên tục khiến bài phát biểu cũng như những trao đổi của Chủ tịch Quốc hội nhiều lần "bị ngắt quãng" là minh chứng sinh động.

Lễ tiễn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại sân bay thành phố Burgas (Bulgaria). Ảnh: Doãn Tấn

Lễ tiễn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại sân bay thành phố Burgas (Bulgaria). Ảnh: Doãn Tấn

Với những kết quả cụ thể, toàn diện cả ở tầm vĩ mô và vi mô như vậy, có cơ sở để khẳng định rằng chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Bangladesh và Cộng hòa Bulgaria của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã thành công rất tốt đẹp, góp phần củng cố tin cậy chính trị, truyền cảm hứng và mở ra những hướng hợp tác mới cả trên bình diện song phương và đa phương trong giai đoạn phát triển mới hiện nay.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/tai-san-trong-qua-khu-la-nen-tang-vi-tri-dia-chinh-tri-la-co-so-chuyen-doi-so-la-co-hoi-cho-tuong-lai-i344560/