Tài sản của ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long có bị kê biên?

Theo luật sư, hành vi của ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long thuộc trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước nên tài sản của họ có thể bị kê biên để đảm bảo thi hành án.

Điều tra mở rộng vụ Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Chu Ngọc Anh (nguyên Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội), ông Phạm Công Tạc (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cũng liên quan vụ án, ông Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Y tế) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Việc bị khởi tố theo khoản 3 các Điều 219, 356 Bộ luật Hình sự 2015 cho thấy cơ quan chức năng xác định ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc và Nguyễn Thanh Long đã gây thiệt hại, thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn một tỷ đồng. Vậy tài sản của các cựu cán bộ này có bị kê biên nhằm đảm bảo việc thi hành án hay không?

 Các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và Phạm Công Tạc (từ trái sang).

Các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và Phạm Công Tạc (từ trái sang).

Ba trường hợp kê biên tài sản

Luật sư Hoàng Ngọc Biên (nguyên Điều tra viên hình sự cao cấp Bộ Quốc phòng) cho biết theo Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, kê biên tài sản là một trong các biện pháp cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bên cạnh các biện pháp khác như áp giải, dẫn giải hay phong tỏa tài khoản.

Theo quy định của bộ luật này, có 3 trường hợp mà bị can, bị cáo có thể bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản. Đó là khi họ phạm các tội mà Bộ luật Hình sự 2015 quy định hình phạt tiền; phạm tội có thể bị tịch thu tài sản hoặc kê biên để bảo đảm bồi thường thiệt hại.

Những người có thẩm quyền ra lệnh kê biên tài sản bao gồm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng VKS; Chánh án, Phó chánh án tòa án và Hội đồng xét xử.

Pháp luật cũng quy định chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản, người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản. Quá trình tài sản bị kê biên, người được giao bảo quản không được phép tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản.

Theo luật sư Biên, trường hợp này, công an xác định sai phạm của ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc và Nguyễn Thanh Long đã gây thất thoát, thiệt hại tài sản của Nhà nước. Ngoài ra, theo Điều 45 Bộ luật Hình sự 2015, tội danh của các bị can thuộc nhóm tội có thể bị tịch thu tài sản. Do đó, cơ quan chức năng có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản, bao gồm cả nhà ở đối với các bị can.

Cần nhanh chóng kê biên để đảm bảo thi hành án

Từng làm Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) cho biết việc kê biên tài sản được áp dụng trong trường hợp bị can, bị cáo không tự nguyện nộp lại số tiền thu lợi bất chính. Việc này nhằm ngăn chặn sự tẩu tán tài sản, đảm bảo hiệu lực thi hành của bản án.

"Tổng số tài sản thất thoát trong vụ Việt Á là rất lớn, với sự tham gia, tiếp tay của nhiều cá nhân. Trong vụ việc này, các bị can đều từng giữ chức vụ và đóng vai trò chủ chốt trong dự án nghiên cứu sản xuất kit test. Do đó, có thể thấy lợi ích do vi phạm pháp luật mà có của những người này có thể là rất lớn. Cơ quan tố tụng sẽ xem xét kê biên các tài sản có giá trị lớn như bất động sản, ôtô để thu hồi số tài sản thất thoát", ông Tiền chia sẻ.

 Cơ quan chức năng đảm bảo an ninh trật tự khi Bộ Công an khám xét nơi ở của ông Chu Ngọc Anh chiều 7/6. Ảnh: Duy Anh.

Cơ quan chức năng đảm bảo an ninh trật tự khi Bộ Công an khám xét nơi ở của ông Chu Ngọc Anh chiều 7/6. Ảnh: Duy Anh.

Tuy nhiên, trong trường hợp có đủ căn cứ cho thấy số tài sản bị thiệt hại, thất thoát tương ứng hoặc lớn hơn giá trị của bất động sản là biệt thự hoặc các tài sản khác, cơ quan chức năng mới có thể tiến hành kê biên số tài sản của các bị can. Việc kê biên phải đảm bảo quy định chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại, theo Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Theo luật sư, hình phạt chính mà Bộ luật Hình sự 2015 áp dụng đối với các bị can là phạt tù nhằm cải tạo, giáo dục người phạm tội. Các hình phạt bổ sung như phạt tiền, tịch thu tài sản chỉ nhằm khắc phục hậu quả mà hành vi phạm tội gây ra.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều vụ án hình sự gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, số tài sản bất hợp pháp thường được tẩu tán rất nhanh dưới nhiều hình thức, dẫn tới khó khăn trong công tác thi hành án. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần chủ động, nhanh chóng kê biên, phong tỏa tài sản một cách phù hợp, nhằm hướng tới khắc phục thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cũng như đảm bảo khả năng thi hành án của các bị can.

"Đối với các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử. Do đó, trong các vụ đại án có tính chất nghiêm trọng, cần có sự chủ động phối hợp của các cơ quan chức năng nhằm khắc phục tối đa thiệt hại và đảm bảo công tác thi hành án", luật sư Tiền cho biết.

Công an rời trụ sở Bộ Y tế và nhà ông Chu Ngọc Anh Hơn 19h ngày 7/6, công an, kiểm sát viên rời khỏi trụ sở Bộ Y tế. Cùng thời gian này, công an cũng kết thúc khám xét nơi ở của ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-san-cua-ong-chu-ngoc-anh-nguyen-thanh-long-co-bi-ke-bien-post1324838.html