Tài năng âm nhạc truyền hình: Tỏa sáng không dễ

Năm nay, các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình lại tiếp tục nở rộ, đồng nghĩa với việc hàng loạt “thần tượng” mới được phát hiện sau mỗi mùa lên sóng. Nhưng, để tìm được một tài năng âm nhạc đúng nghĩa, không phải chuyện đơn giản. Thực tế rằng, những năm qua, “thần tượng” thì nhiều, nhưng sức sống của danh xưng này lại chẳng dài lâu.

Ảo tưởng danh xưng “ca sĩ”

Cuộc thi “Vietnam Idol mùa thứ 7” đã lên sóng VTV3 những tập đầu tiên với số lượng người đăng ký dự sơ tuyển được công bố là 26.000. Tuy nhiên, tập đầu của vòng Audition ở khu vực phía Bắc lên sóng tối 27.5 được đánh giá là “bội thu” những giọng ca “thảm họa”. Ngoài Janice - cô gái đến từ Philippines, gây ấn tượng với chất giọng khỏe khoắn, giàu cảm xúc, Đặng Tuấn Phong - tác giả bản hit “Vì mất đi ánh mặt trời”; “Hotgirl cover nhạc” Mờ Naive dừng ở mức tạm được... thì ban giám khảo luôn trong tình trạng hoang mang, vì nhiều thí sinh xác định chỉ “đi thi cho vui” hoặc “mong đi thi để được lên sóng truyền hình tìm vợ”...

BGK Vietnam Idol 2016 thất vọng trước phần thi “thảm họa” của các thí sinh trong tập đầu.

Sau tập đầu tiên phát sóng, khán giả mong đợi tập tiếp theo sẽ có nhiều ứng cử viên tiềm năng. Nhưng, tập 2 phát sóng ngày 3.6 lại tiếp tục gây thất vọng. Đơn cử như thí sinh Đỗ Thị Thương, do không biết tiếng Anh, nên cô gái trẻ này đã hát sai lời ca khúc hit “Đừng yêu” của Thu Minh. Giám khảo Nguyễn Quang Dũng đã thẳng thắn cho biết, điều quan trọng nhất của ca sĩ là giọng hát, nhưng Thương không có. Còn giọng ca “Đường cong” ngao ngán: “Em sẽ hủy hoại đế chế Idol này. Em dễ thương, nhưng em sẽ gây náo loạn vòng Audition nếu cho em vé vàng”. Trong khi đó, 9 thí sinh nhận được tấm vé vàng cũng chưa hoàn toàn thuyết phục bộ ba quyền lực. Việc “đãi cát tìm vàng” không thu lại kết quả như mong muốn dự báo chất lượng ở vòng sau của Vietnam Idol mùa thứ 7.

Cũng như “Vietnam Idol”, chương trình “Nhân tố bí ẩn” cũng thu hút hàng nghìn thí sinh đăng ký dự thi. Dù mới bước vào mùa thứ 2, nhưng sức nóng của chương trình này cũng đang dần giảm nhiệt. Ngay từ vòng thi đầu tiên, gần như các thí sinh đều lộ rõ hết khả năng của mình, khiến nhiều người hoài nghi về chất “bí ẩn” của các thí sinh ở các vòng sau.

Mỗi cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình thời gian qua đều có hàng ngàn thí sinh đăng ký dự thi. Nhiều người cho rằng việc thành công ở các chương trình này là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để các tài năng đến với khán giả. Nhưng, con đường này đâu có trải sẵn hoa hồng như nhiều thí sinh lầm tưởng.

“Đến với nghệ thuật đừng nên tính toán”

Qua các chương trình truyền hình âm nhạc thành công trong thời gian qua như “Vietnam Idol”, “The winner is”, “Giọng hát Việt”, “Nhân tố bí ẩn” hay tân binh “Thần tượng Bolero”,... ngay sau khi kết thúc, các quán quân thường tận dụng ánh hào quang từ các cuộc thi này để tung ra các sản phẩm âm nhạc cho riêng mình, còn đa phần đều hoạt động mờ nhạt. Nhiều “thần tượng” sau các cuộc thi chỉ thấy ầm ĩ chuyện đời tư. Yasuy - quán quân Vietnam Idol 2012 là một ví dụ điển hình. Ngay cả những giọng ca trưởng thành từ sân chơi truyền hình thực tế được xem là “điểm sáng”, như Uyên Linh, Hoàng Quyên cũng phải vất vả lắm mới khẳng định được mình.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng – thành viên Ban giám khảo nhiều mùa giải của cuộc thi “Vietnam Idol” cũng phải nhìn nhận rằng, hiện nay làm ca sĩ quá dễ. Nhưng cũng chính vì sự quá dễ đó, nên để trở thành ca sĩ được khán giả nhớ đến thì lại vô cùng khó. Nếu họ thực sự muốn nổi trội trong số đông thì họ phải rất đặc biệt và khác biệt. Còn nhạc sĩ, ca sĩ Thanh Bùi - người từng lọt đến tốp 8 của cuộc thi “Australian Idol” - cho rằng, “hiện tượng” từ các cuộc thi truyền hình thực tế đã khiến thị trường, đặc biệt là thị trường âm nhạc Việt nhận thức sai lệch về nghệ thuật cũng như về người nghệ sĩ. Vậy nên, ngành âm nhạc cần thêm thời gian để thở và phát triển một cách đúng đắn, cân bằng với chất lượng của những nghệ sĩ. Các tài năng trẻ cần phải được nuôi dưỡng và phát triển theo thời gian, theo một lộ trình nhất định.

Trao đổi với LĐTĐ, ca sĩ Ngọc Anh - từng đạt quán quân chương trình “Chinh phục đỉnh cao” - chia sẻ, để trở thành ca sĩ ngôi sao là cả quá trình chông gai. Các chương trình truyền hình thực tế sẽ là bệ đỡ rất tốt cho những ai phù hợp, có đam mê, có hoài bão và có nhiệt huyết muốn cống hiến cho khán giả. Còn nếu những ai đến với chương trình truyền hình thực tế bằng khát vọng tỏa sáng thì mọi thể hiện sẽ trở nên gượng gạo. “Theo tôi, ai đó đến với nghệ thuật thì đừng nên tính toán, vì nghệ thuật cũng như cuộc đời rất công bằng với những giá trị. Nhiều nghệ sĩ trẻ hiện có kinh nghiệm, có tài năng, nhưng về đạo đức nghề nghiệp cần phải trau dồi nhiều. Nghệ sĩ tài năng, nhưng thiếu cái tâm, thì âm nhạc của họ bị giảm giá trị đi rất nhiều” - ca sĩ Ngọc Anh bày tỏ.

Lưu Nhi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tai-nang-am-nhac-truyen-hinh-toa-sang-khong-de-38280.html