Tai họa thiếu máu dinh dưỡng

SGTT.VN - Thiếu máu dinh dưỡng phổ biến trên nhiều đối tượng, xảy ra trong thời gian dài, để lại nhiều di chứng, điều trị tốn kém, là mối nguy gây tai biến sản khoa, giảm phát triển trí tuệ và thể lực, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia.

Trong điều trị y khoa, thiếu máu dinh dưỡng được hiểu là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng hemoglobin (Hb) trong máu xuống thấp hơn bình thường, do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu: sắt, axit folic, vitamin B12... Trong đó, tình trạng thiếu máu và thiếu sắt cùng lúc là phổ biến nhất. Học sinh trung học phổ thông là lứa tuổi đang tăng trưởng nên có nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cao. Trong giai đoạn này, thể tích máu cũng gia tăng, làm tăng nhu cầu về chất sắt. Đối với các em trai, khi chế độ ăn đạt nhu cầu về năng lượng và ăn đa dạng thực phẩm thì thường sẽ đáp ứng đủ nhu cầu chất sắt. Tuy nhiên, đối với các em gái, bên cạnh cần chất sắt để tăng trưởng thì các em còn cần để bù đắp lượng sắt mất theo chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, nhu cầu chất sắt của các em gái là 30 – 40mg/ngày, cao hơn so với các em trai (14 – 18mg/ngày). Vì nhu cầu năng lượng không cao (nữ giới thường ăn ít hơn nam giới) nhưng nhu cầu chất sắt lại cao nên các em gái rất dễ bị thiếu chất sắt, đưa đến tình trạng thiếu máu. Chất sắt là vi chất quan trọng tham gia trong quá trình tạo máu và một phần cấu trúc bộ não. Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và khả năng học tập của trẻ em: Giảm phát triển trí tuệ, vận động: chất sắt không chỉ cung cấp oxy cho não mà còn tham gia trực tiếp vào phát triển chức năng não bộ. Một số vùng của não chứa lượng sắt khá lớn. Thiếu sắt làm giảm phát triển trí tuệ, vận động của trẻ nhỏ và trẻ tuổi học đường. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy học sinh tuy chỉ mới thiếu dự trữ sắt, chưa có biểu hiện thiếu máu, nhưng khả năng toán học cũng đã thấp hơn các em học sinh có dự trữ sắt đầy đủ. Giảm khả năng học tập, hoạt động thể lực: thiếu sắt làm lượng hemoglobin giảm, khả năng vận chuyển oxy cung cấp cho các cơ quan bị hạn chế. Não bị thiếu oxy nên các em học sẽ kém tập trung, hay ngủ gật trong giờ học, học bài khó nhớ, mau quên. Cơ bắp không đủ oxy nên các em sẽ mau mệt khi hoạt động thể lực. Gây ra tình trạng suy tim, chóng mặt: nếu thiếu máu nặng, tim phải tăng cường hoạt động để đảm bảo lượng oxy cung cấp cho các cơ quan, lâu ngày sẽ dẫn đến suy tim, khó thở, tức ngực. Thiếu máu não còn dẫn đến chóng mặt, ù tai khi thay đổi tư thế hoặc làm việc nặng. Giảm sức đề kháng với bệnh nhiễm trùng: thiếu máu, thiếu sắt làm giảm chức năng bạch cầu (giảm khả năng tạo kháng thể, khả năng thực bào tiêu diệt tác nhân gây bệnh). Hậu quả là dễ bị nhiễm trùng, tạo vòng xoắn bệnh lý thiếu máu và nhiễm trùng. Tăng nguy cơ ở phụ nữ có thai: thiếu sắt ở thai phụ làm tăng nguy cơ bị bệnh ở người mẹ, nguy cơ đẻ non, dự trữ sắt ở trẻ kém, nguy cơ cao trẻ bị tử vong sớm sau sinh. Giảm phát triển thể lực: thiếu máu dinh dưỡng làm trẻ chậm tăng trưởng. Bổ sung sắt có thể giúp cải thiện cân nặng, chiều cao. Tuy nhiên kết quả còn tùy thuộc tuổi, bệnh tật kèm theo, mức độ thiếu sắt và khẩu phần ăn của các em. “Không nên uống nước trà đặc, càphê, coca ngay sau bữa ăn vì sẽ làm giảm hấp thu chất sắt” “Không nên uống nước trà đặc, càphê, coca ngay sau bữa ăn vì sẽ làm giảm hấp thu chất sắt” Thiếu máu dinh dưỡng là một bệnh tiềm ẩn, phổ biến, gây nhiều hậu quả xấu cho cá nhân và xã hội. Dự phòng thiếu máu cho nữ sinh cấp ba là hết sức cần thiết, giúp các em có thể chất khỏe mạnh để học tập, lao động và làm mẹ trong tương lai, bằng cách: Đa dạng hóa bữa ăn: chọn thực phẩm giàu sắt, có bổ sung sắt, giúp hấp thu tốt chất sắt. Sắt có nhiều trong thịt, cá, gan, huyết, trứng, đậu đỗ, rau xanh. Sắt từ thức ăn có nguồn gốc động vật sẽ hấp thu tốt hơn sắt từ nguồn thực vật. Dùng thực phẩm lên men (dưa chua, dưa giá…) cùng bữa ăn hoặc dùng các loại trái cây tươi giàu vitamin C như cam, bưởi, táo, sơri, thơm… ngay sau bữa chính sẽ giúp hấp thu tốt chất sắt từ bữa ăn. Những chất ức chế hấp thu sắt trong thực phẩm: phytat, inositol (có trong các hạt họ đậu, phần vỏ của các hạt ngũ cốc, một số loại rau), tanin (có nhiều trong trà, càphê, coca, một số loại rau có vị chát), canxi (từ một số sản phẩm sữa, chế phẩm dược). Do đó, không nên uống nước trà đặc, càphê, coca ngay sau bữa ăn vì sẽ làm giảm hấp thu chất sắt. Có thể uống từ 1 – 2 giờ sau bữa ăn, khi thức ăn đã được tiêu hóa khỏi dạ dày. Nên uống sữa và sản phẩm từ sữa riêng biệt với bữa ăn chính. Phòng chống nhiễm ký sinh trùng: vệ sinh ăn uống, môi trường sống, tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng. Bổ sung viên sắt: liều bổ sung sắt dự phòng thiếu máu cho các em gái từ 15 tuổi trở lên và phụ nữ tuổi sinh đẻ là: 60mg sắt và 0,4mg axit folic/tuần và dùng 16 tuần mỗi năm. Chú ý, viên sắt có vị tanh, tác dụng phụ gây xáo trộn tiêu hóa (buồn nôn, táo bón). Có thể khắc phục bằng cách không uống lúc bụng đói, ăn rau, trái cây để tránh táo bón. Khi uống viên sắt, đi cầu phân đen là bình thường. Không uống thuốc sắt cùng với sữa, chế phẩm từ sữa hoặc thuốc có canxi vì sẽ cạnh tranh hấp thu. Đậy kín nắp, để viên sắt nơi mát, tránh để bị ẩm và oxy hóa.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/khoe-va-vui/130466/tai-hoa-thieu-mau-dinh-duong.html