Tái hiện văn hóa làng chài qua lăng kính người trẻ

Từ đầu năm đến nay, các bạn trẻ đang sinh sống, học tập trên địa bàn thành phố cho ra mắt hai dự án liên quan đến lịch sử, văn hóa và kiến trúc làng chài Đà Nẵng. Bằng cách thể hiện mới lạ, độc đáo, sinh động, các dự án đều được công chúng ủng hộ, đón nhận và nhiều nhà văn hóa đánh giá cao. Mặt khác, việc các dự án ra đời cũng khẳng định, văn hóa làng chài truyền thống luôn có sức hút rất lớn đối với giới trẻ hiện nay.

Người dân đến tham quan triển lãm “Vươn khơi” và xem hai ấn phẩm sách “Đà Nẵng mái đình làng biển”, “Hồi ký làng chài” do sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng thực hiện. Ảnh: XUÂN DŨNG

Phát huy giá trị văn hóa làng chài

Vừa qua, nhóm sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng phối hợp Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm nghệ thuật “Vươn khơi”, nhằm tái hiện, lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và những nét kiến trúc đặc trưng của làng chài tại thành phố. Tại triển lãm, Ban tổ chức trưng bày 2 ấn phẩm sách “Đà Nẵng mái đình làng biển”, “Hồi ký làng chài”, 15 bản vẽ và 20 ký họa về làng chài. Đặc biệt, 2 ấn phẩm sách (song ngữ Anh - Việt) là dự án được đội ngũ gần 350 giảng viên, sinh viên trường thực hiện trong 3 năm nay, nhằm góp phần gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa làng chài.

Bà Phan Trần Kiều Trang, Giám đốc Trung tâm học tập gắn kết cộng đồng (thuộc Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) - điều phối dự án cho biết, với 2 ấn phẩm sách, các sinh viên đã đi dọc bờ biển Đà Nẵng và làm việc với 16 làng chài để thu thập tư liệu, cả về vật thể lẫn phi vật thể.

Trong đó, cuốn “Đà Nẵng mái đình làng biển” thể hiện những giá trị vật thể là các công trình kiến trúc đặc trưng của làng chài; cuốn “Hồi ký làng chài” thuật lại những câu chuyện của ngư dân trong quá trình bám biển, vươn khơn đánh cá. Cả hai ấn phẩm sách tái hiện chân thực toàn bộ khung cảnh, từ nghề cá đến phong tục, đời sống ngư dân gắn với tín ngưỡng đặc trưng của từng làng chài.

Theo bà Trang, trong quá trình đô thị hóa hiện nay, nhiều làng chài đang dần biến mất nên việc tiếp cận, tìm nhân vật, phỏng vấn tương đối khó khăn. “Thông qua những câu chuyện giản dị về hoạt động sinh kế, tín ngưỡng, tình yêu biển cả và mong ước của ngư dân làng chài, nhóm dự án hy vọng góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đang bị mai một; đồng thời nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục, tổ chức bảo tồn để hình ảnh làng chài không chỉ còn trong ký ức mà có cơ hội phát triển trong tương lại. Đây là thông điệp của hai ấn phẩm sách”, bà Trang nhấn mạnh.

Dự án được thực hiện trong thời gian dài và thu hút gần 350 sinh viên tham gia một lần nữa khẳng định, văn hóa làng chài có sức hút rất lớn đối với giới trẻ, nhất là những bạn đam mê văn hóa, lịch sử. Nguyễn Thanh Thúy, sinh viên ngành Ngoại ngữ, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho biết, sinh ra và lớn lên trên vùng cao nguyên của tỉnh Phú Yên, cách xa biển nên làng chài có sức hấp dẫn rất lớn, thôi thúc bạn tìm hiểu, tham gia dự án. Thông qua dự án, bạn được đến những vùng đất mới, gặp những con người hiếu khách, hào sảng và những nét văn hóa, lối sống đặc trưng của làng chài.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, các tác phẩm ký họa, ấn phẩm sách đều có chất lượng cao, sinh động, ngôn ngữ thể hiện cuốn hút, dễ hiểu. Đến “Vươn khơi”, chúng ta có thể hình dung được quá trình làm việc, nghiên cứu rất nghiêm túc, tâm huyết của nhóm sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng trong dự án liên quan đến di sản các làng chài Đà Nẵng. Thông điệp về phát huy các giá trị văn hóa từ cộng đồng, mang tiếng nói của cộng đồng vào trong nội dung các ấn phẩm, tác phẩm mỹ thuật được trưng bày chính là điều khiến cho triển lãm “Vươn khơi” trở nên ấn tượng, giá trị và giàu tính nhân văn.

Kể chuyện bằng nghệ thuật sáng tạo

Trước đó, tháng 2-2022, nhóm “Đà Nẵng tui” phối hợp Hội đồng Anh (British Council) tổ chức triển lãm nghệ thuật “Lênh đênh”, trưng bày 9 bộ tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ đam mê mỹ thuật, công nghệ. Các tác phẩm giúp công chúng ngược dòng thời gian về những năm 2000 để cùng ngắm nhà chồ, thuyền thúng, nghe câu chuyện mưu sinh trên biển của ngư dân Đà Nẵng. Triển lãm sử dụng các hình thức nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại nhằm tái hiện sinh động đời sống, văn hóa của ngư dân theo các giai đoạn: khởi đầu, khởi sắc, chông chênh, qua giông bão.

Anh Trần Việt Huy, phụ trách nghệ thuật triển lãm cho biết, nhóm 60 bạn trẻ dành gần 6 tháng để chuẩn bị cho việc tái hiện ký ức một thời của Đà Nẵng. Để đa dạng hóa trải nghiệm của người xem, khiến câu chuyện truyền thống có sắc màu mới mẻ, truyền cảm hứng, nhóm sử dụng nhiều hình thức nghệ thuật như: màu nước, sách pop-up, ảnh toàn ký, vẽ tranh bằng điểm ảnh, công nghệ thực tế ảo tăng cường.

Sau 9 ngày diễn ra (từ 19 đến 27-2), triển lãm thu hút hơn 2.100 người quan tâm, đến tham quan, tìm hiểu, trong đó phần lớn là các bạn sinh viên của trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Nhiều bạn trẻ trước đây chỉ biết đến nhà chồ, sông nước, nghề ngư qua lời kể hay những tư liệu, nay đã đứng hàng giờ trước các tác phẩm bởi sự lôi cuốn từ nghệ thuật sáng tạo và những câu chuyện đằng sau đó. Bà Nguyễn Thu Ngọc (quận Sơn Trà) cho biết, các tác phẩm được Ban tổ chức thực hiện rất công phu, ấn tượng. Tham quan triển lãm làm chị sống chậm lại và có những hồi tưởng đẹp về nghề ngư tại làng chài truyền thống.

Tham quan triển lãm “Lênh đênh”, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng Nguyễn Thị Trinh đánh giá, đây là một triển lãm đặc sắc kết hợp cả hai yếu tố văn hóa và nghệ thuật, được thực hiện bởi các bạn trẻ tâm huyết, tài năng và đầy sáng tạo. Các tác phẩm được diễn tả bằng ngôn ngữ đương đại trẻ trung mà sâu sắc, khiến người xem yêu Đà Nẵng hơn; hiểu thành phố biển xinh đẹp từ xa xưa cho đến bây giờ đã có bao lớp người ngày ngày ra khơi, “lênh đênh”, “sống trong đời sóng”.

Ngoài ra, các bạn trẻ cũng rất sáng tạo khi thực hiện những không gian trải nghiệm cho công chúng như: đan lưới, bói cá, tô thuyền thúng… “Cách làm triển lãm nghệ thuật, kết hợp công nghệ số của nhóm “Đà Nẵng tui” rất phù hợp xu hướng hiện nay, nhất là thu hút được sự quan tâm giới trẻ. Đây cũng chính là lứa tuổi mà nhiều đơn vị nghệ thuật tập trung hướng đến nhằm góp phần định hướng thẩm mỹ, tạo ra giá trị tốt đẹp, tích cực cho xã hội”, bà Trinh cho biết.

XUÂN DŨNG

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5414/202205/tai-hien-van-hoa-lang-chai-qua-lang-kinh-nguoi-tre-3914889/