Tái hiện nghi lễ Tết Đoan Ngọ trong kinh đô Thăng Long xưa

Khi tới với Hoàng Thành Thăng Long, bên cạnh 'nghi thức dâng tiến tổ tiên' dưới thời Lê Trung Hưng, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về 'nghi thức ban quạt'.

Hoàng Thành Thăng Long đang trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách nhất tại Thủ đô Hà Nội. Đến với Hoàng Thành Thăng Long, du khách không chỉ được tham quan những dấu tích khảo cổ chồng xếp trải dài cả nghìn năm mà du khách còn có cơ hội hòa mình vào những nghi thức cung đình thường xuyên được phục dựng, tái hiện vào mỗi dịp lễ tết.

"Tháng tư đong đậu nấu chè / Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm".

Hai câu ca dao trên đã phần nào khẳng định tầm quan trọng của dịp Tết Đoan Ngọ trong văn hóa cổ truyền Việt Nam. Đặc biệt, trong Lịch Triều Hiến chương loại chí cũng như Lê Triều Hội điển cũng đều tiết lộ: Thời Lê Trung Hưng, Tết Đoan Ngọ không chỉ là nghi lễ để người dân cả nước thanh tẩy sâu bọ cho mùa màng, bài trừ những điều không tốt trong cuộc sống, mà đây cũng là dịp để nhà vua, hoàng tộc sửa soạn lễ phẩm, dâng tiến lên tổ tiên và các bậc sinh thành.

Đồng thời, ngày này cũng là dịp để nhà vua ban thưởng cho các bề tôi thông qua Lễ ban quạt. Nghi thức này đã được ghi rất rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư năm 1572: "Tháng 5, ngày 5, ban quạt".

Đây là năm thứ hai Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội tái hiện các nghi thức cung đình trong dịp Tết Đoan Ngọ. Sự kiện này không chỉ giúp du khách tới với Hoàng Thành Thăng Long có thể trải nghiệm những nghi lễ cung đình thời phong kiến mà đây còn là dịp để mọi người dân, mọi miền tổ quốc thu nạp thêm kiến thức về truyền thống văn hóa phong phú đặc sắc của dân tộc ta.

Anh Thư - Đức Minh/Quốc Hội TV

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-hien-nghi-le-tet-doan-ngo-trong-kinh-do-thang-long-xua-post1441934.html