Tái diễn vi phạm hành lang an toàn lưới điện

Tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện ở Nghệ An vẫn tái diễn, điều này làm ảnh hưởng rất lớn trong việc vận hành cấp điện cũng như đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Mùa mưa bão đang đến gần, để phòng ngừa sự cố và bảo đảm an toàn hành lang lưới điện, Nghệ An đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.

Ông Lê Quang Thanh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho biết, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện ở Nghệ An đang ở mức đáng báo động, diễn ra hầu hết các địa phương, nhất là các huyện vùng núi cao như: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương. Theo thống kê của ngành Điện, hàng năm tỷ lệ số vụ cây cối vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp dẫn đến gây sự cố trên lưới điện chiếm trên 35% tổng số vụ sự cố.

Ảnh minh họa. Nguồn: EVN

Tại huyện Đô Lương, giữa Ban quản lý dự án ngành điện và chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp đồng bộ nên xảy ra tình trạng đường giao thông nằm giữa hành lang lưới điện. Sự việc này dẫn tới không đảm bảo hành lang lưới điện cao áp và quá trình thi công xây dựng đường phía dưới có nguy cơ mất an toàn cho các xe cộ tham gia giao thông, bên cạnh đó còn vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện gây tai nạn và ảnh hưởng hệ thống lưới điện. Điểm vi phạm tại khoảng cột 11 đến 12 trục chính và khoảng cột 01 đến 02 nhánh rẽ TBA Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương thuộc đường dây 374 E15.4, địa bàn xã Đà Sơn, huyện Đô Lương.

Thống kê của Công ty Điện lực Nghệ An, từ đầu năm tới nay có 32 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp; trong đó, 14 vụ nhà cửa, công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp; 18 vị trí vi phạm khoảng cách pha - đất. Hơn nữa, các khoảng cột có các loại cây cối trong và ngoài hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn các huyện, thị rất khó xử lý.

Bên cạnh những tồn tại đã nêu trên, vẫn còn phát sinh các mối nguy tiềm ẩn như tình trạng người dân bắt chim tại trạm điện, cột điện, câu cá, thả diều, chặt cây, đào xúc đất gần đường dây điện cao thế vẫn diễn ra, dẫn đến những nguy cơ vi phạm gây tai nạn cho người dân.

Ngoài ra, tình trạng người dân tái trồng cây trong khu vực hoặc ở gần hành lang an toàn lưới điện sau khi đã được đền bù giải phóng; chuyển đổi loại cây trồng từ cây ngắn ngày có chiều cao thấp như mía, cây ăn quả... hiệu quả kinh tế thấp sang cây có chiều cao lớn như keo, bạch đàn... có nguy cơ chạm vào dây dẫn gây sự cố và nguy cơ mất an toàn.

Tại huyện Thanh Chương, địa bàn này hiện có hơn 25.000 cây các loại vi phạm hành lang đường dây, với chiều dài 75 km/432 km tổng đường dây quản lý; trong đó, 90% là cây keo nguyên liệu. Nhiều diện tích rừng có cây cối vi phạm lưới điện nhưng chủ rừng ở tỉnh, thành khác, việc phối hợp xử lý gặp nhiều khó khăn, người thuê trông coi không quyết định được.

Ông Lê Quang Thanh cho biết thêm, ngành điện thường xuyên kiểm tra, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, cùng với đó phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, các chủ sở hữu cây cối hợp tác với địa phương và đồng thuận cho đơn vị quản lý, vận hành phát quang cây cối trong và ngoài hành lang tuyến, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện theo quy định.

Công ty cũng tổ chức sửa chữa, củng cố lưới điện thường xuyên, xử lý các vị trí cột điện, dây điện chùng, võng, dọn hành lang, cây cối quanh các công trình điện lực quản lý. Với lưới điện cao thế, trước mùa mưa bão, Công ty đã chủ động đưa ra các giải pháp bảo đảm an toàn hành lang lưới điện như kiểm tra toàn bộ hành lang các tuyến đường dây, chặt tỉa cây cao trong và gần hành lang lưới điện cao áp 110kV, phát tờ rơi an toàn điện trực tiếp đến người dân sống gần hành lang lưới điện 110kV...

Công ty Điện lực Nghệ An đã có văn bản yêu cầu các công ty điện lực kiểm tra, vận động các hộ dân và đơn vị vi phạm tự nguyện tháo dỡ các công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tiến hành cưỡng chế đối với các hộ, đơn vị cố tình vi phạm, nhất là các vụ vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ mất an toàn cao. Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Nghệ An cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, không để phát sinh vụ việc phạm mới; triển khai các dự án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp lưới điện, giảm các vụ vi phạm khoảng cách pha - đất.

Theo Sở Công Thương Nghệ An, để đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, từ ngày 15-4 đến 31-10-2023, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra an toàn hành lang lưới điện. Đoàn tập trung kiểm tra các điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện, và việc thực hiện công tác bảo vệ hành lang lưới điện cao áp tại một số điện lực thuộc Công ty Điện lực Nghệ An. Qua đó, đề xuất biện pháp xử lý giảm thiểu, phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn.

Trước đó, tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với đơn vị quản lý lưới điện về các biện pháp đảm bảo an toàn cho đường dây và an toàn trong quá trình xây dựng, cải tạo công trình trong hành lang an toàn lưới điện cao áp theo quy định.

Chính quyền các huyện, thị xã chịu trách nhiệm trong việc để các tổ chức, cá nhân chuyển mục đích từ trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến an toàn lưới điện cao áp; xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, lập biên bản các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Công ty Điện lực Nghệ An đang quản lý vận hành 884km đường dây 110kV và gần 7.130km đường dây trung thế bao gồm lưới điện 35kV, 22kV, 10kV. Hàng năm có đến 35% sự cố điện chập cháy, gây tử vong. Nguyên nhân là do việc trồng rừng vi phạm hành lang lưới điện và xây nhà cao tầng dưới đường điện cao áp. Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Nghệ An xảy ra 4 vụ làm 2 người chết và 3 người bị bỏng nặng.

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/tai-dien-vi-pham-hanh-lang-an-toan-luoi-dien-740218