Tái diễn 'ép' học sinh không thi vào lớp 10: Vì thành tích?

Dù không phải là câu chuyện mới nhưng cứ đến thời điểm các địa phương tổ chức kỳ thi vào 10 THPT công lập, tình trạng ép học sinh không thi vào lớp 10 lại gây tranh cãi, lùm xùm.

Phụ huynh bức xúc

Cách đây ít ngày, một số phụ huynh ở Hà Nội phản ánh về việc một số học sinh lớp 9 tại Trường THCS An Thượng (huyện Hoài Đức) được nhà trường yêu cầu viết đơn theo mẫu về việc xin không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. Lý do đưa ra là sức học của các em này không được tốt.

Về vấn đề này, chiều 13/5, Hiệu trưởng Nguyễn Công Hà cho hay, sau khi nhận được thông tin, ông đã yêu cầu xác minh từ tất cả 8 giáo viên chủ nhiệm của 8 lớp 9 đang dạy. Qua đó, hoàn toàn không có chuyện thầy cô vận động hoặc yêu cầu học sinh làm đơn xin không thi vào lớp 10.

Cán bộ coi thi phổ biến quy chế thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội.

Cán bộ coi thi phổ biến quy chế thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội.

Theo lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Hoài Đức, đơn vị này năm nào cũng có văn bản yêu cầu các trường THCS trên địa bàn thực hiện nghiêm túc công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 theo tinh thần chỉ đạo của Sở GDĐT; nghiêm cấm việc nhà trường yêu cầu, vận động học sinh không được dự thi vào lớp 10 công lập.

Phòng GDĐT Hoài Đức (Hà Nội) đã yêu cầu Trường THCS An Thượng kiểm tra lại thông tin và báo cáo cấp trên về phản ánh của phụ huynh.

Trước đó, sự việc giáo viên phát đơn xin không tham gia thi tuyển sinh vào lớp 10 cho học sinh điền tên xảy ra tại Trường THCS Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn, TPHCM cũng gây bức xúc dư luận.

Liên quan sự việc, UBND huyện Hóc Môn đã báo cáo với UBND TP HCM kết quả giải quyết. Theo báo cáo của huyện Hóc Môn, Ban giám hiệu trường THCS Nguyễn Văn Bứa đã nhận thiếu sót khi gửi cho phụ huynh mẫu đơn xin không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10, không đúng theo chủ trương của Phòng GDĐT huyện Hóc Môn.

Trường cũng đã tổ chức gặp gỡ phụ huynh và học sinh lớp 9 có nguyện vọng không thi lớp 10 công lập để lắng nghe nguyện vọng và định hướng cho việc đăng ký tuyển sinh lớp 10 phù hợp với nguyện vọng và năng lực. Tại cuộc họp, lãnh đạo nhà trường nhận khuyết điểm trước phụ huynh về việc gửi mẫu đơn trên là sai với chỉ đạo chung của ngành.

Liên quan vụ việc, Trưởng Phòng GDĐT huyện Hóc Môn đã chủ trì tổ chức cuộc họp chấn chỉnh, kiểm điểm lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cùng các cá nhân liên quan vì đã làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, của huyện, gây hoang mang dư luận, nhất là trong thời điểm học sinh đang đăng ký nguyện vọng để chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10

UBND huyện Hóc Môn huyện cũng đã chỉ đạo Phòng GDĐT rà soát lại tất cả các trường THCS có tổ chức hình thức cam kết tương tự như trường Nguyễn Văn Bứa hay không để có chỉ đạo chấn chỉnh và khắc phục ngay.

Vi phạm quyền trẻ em

Không phải đến bây giờ, việc các trường ép học sinh không thi vào lớp 10 công lập mới được nhắc tới, gây xôn xao dư luận mà đến hẹn lại lên, vào thời điểm kỳ thi vào lớp 10 của các địa phương chuẩn bị diễn ra, câu chuyện này lại được xới xáo, gây tranh cãi.

Phụ huynh, có người yếu thế thì sợ nếu phản ứng thì con sẽ khổ, sẽ bị thiệt thòi. Còn nhà trường, hay rộng hơn là ngành giáo dục tất nhiên sẽ phủ nhận tình trạng này.

Cùng thời điểm này trong 2 năm liên tiếp 2022, 2023, tại Hà Nội cũng xôn xao hiện tượng giáo viên định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập.

Trước phản ánh của dư luận, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho rằng, ranh giới giữa việc tư vấn, định hướng với việc có dấu hiệu ép buộc học sinh không tham gia kỳ thi rất mong manh. Nếu cô giáo ứng xử không khéo léo có thể khiến phụ huynh học sinh hiểu nhầm, dẫn đến câu chuyện đáng tiếc. Tuy nhiên, cần xem xét ở từng tình huống cụ thể, xác minh từ nhiều phía, không nên nghe phản ánh một chiều.

Thí sinh hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2023-2024.

Thí sinh hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2023-2024.

Dù Bộ GDĐT rồi sở GDĐT các địa phương hầu như năm nào cũng có nhiều văn bản, chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hiện tượng ép học sinh không thi vào lớp 10 công lập nhưng nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc và đặt câu hỏi về tác dụng cũng như sức nặng của các văn bản chỉ đạo này khi những sự việc phi lý như trên liên tục tái diễn từ năm này qua năm khác, nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này, ông Hồ Tuấn Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An) thẳng thắn nhìn nhận, việc phân luồng cho học sinh THCS hiện nay ở nhiều trường đang thực hiện không phải vì quyền lợi của học sinh, mà thực chất vì thành tích của nhà trường, của ngành giáo dục địa phương.

Thế nên, có một số trường làm sai chủ trương của Nhà nước, thậm chí chà đạp thô bạo lên quyền lợi của học sinh gây bất bình trong dư luận.

Ông Tuấn Anh khẳng định, việc ngăn cấm không cho học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập dù dưới hình thức nào thì cũng đều vi phạm pháp luật.

“Việc phân luồng chỉ đúng khi nhà trường căn cứ vào thực tế của địa phương, năng lực của học sinh để tư vấn cho học sinh và phụ huynh có lựa chọn phù hợp nhất.

Khi học sinh và phụ huynh đã lựa chọn thì nhà trường phải tuyệt đối tôn trọng phương án lựa chọn của họ và hết sức tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh đạt kết quả tốt nhất với lựa chọn của mình”, ông Tuấn Anh nêu quan điểm.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tai-dien-ep-hoc-sinh-khong-thi-vao-lop-10-vi-thanh-tich-10279769.html