Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững - Bài 4: Đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp

Trước những yêu cầu của nền nông nghiệp trong xu thế hội nhập và sản xuất hàng hóa, nhiều nông dân trong tỉnh không chỉ quan tâm đến trồng cây gì, nuôi con gì mà còn chủ động ứng dụng khoa học, kỹ thuật, cải tiến phương pháp canh tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Điều này cho thấy, nông dân đã đổi mới tư duy sản xuất.

● Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững - Bài 1: Nâng cao giá trị sản xuất từ chuyển đổi đất lúa

● Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững - Bài 2: Nâng cao chất lượng, năng suất lúa

● Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững - Bài 3: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững

ĐẨY MẠNH CƠ GIỚI HÓA

Gia đình anh Phạm Văn Hiệp, ngụ ấp Kênh 1, xã Đông Thái (An Biên) có 10 công đất làm lúa 2 vụ/năm. Nhiều năm nay, toàn bộ khâu làm đất, gieo sạ, thu hoạch lúa đều được gia đình anh đưa máy móc vào ruộng làm thay sức người. “Trước đây, cứ đến mùa gieo sạ và thu hoạch lúa, tôi lo lắng vì tìm không đủ nhân công thu hoạch. Hiện ở nhà, gọi điện thoại đặt lịch sẽ có máy gặt đập liên hợp đến thu hoạch lúa, chỉ tốn từ 260.000-300.000 đồng/công, trong khi thu hoạch thủ công chi phí cao gấp khoảng 2 lần”, anh Hiệp nói.

Anh Hiệp và nhiều nông dân khác cho rằng nhờ có máy móc phục vụ từ khâu làm đất, bơm tát đến thu hoạch lúa nên hiện nay người làm lúa không còn vất vả như trước. Nông dân ngày càng thấy rõ vai trò và lợi ích của việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ giải quyết được bài toán thiếu lao động tại nông thôn mà còn có thể áp dụng trên diện tích lớn, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

"Kết thúc giai đoạn 5 năm (2016-2020) thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, một trong những chuyển biến đáng ghi nhận là nông dân Kiên Giang dần thay đổi tư duy sản xuất. Sự đổi mới ấy không chỉ dừng lại ở việc thay đổi hình thức tổ chức sản xuất mà còn chú trọng đến chất lượng sản phẩm, tích cực tiếp thu cái mới, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất".

Đồng chí LÊ HỮU TOÀN - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, đến nay, trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, khâu làm đất cơ bản được cơ giới hóa trên 98%, khâu bơm tát đạt 99%, khâu phun thuốc và vận chuyển đạt gần 100%. Cơ giới hóa trong sản xuất lúa từng bước nâng lên theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Việc sản xuất rau màu và cây ăn trái cũng giảm nhân công hơn trước nhờ đưa máy móc vào làm đất, áp dụng tưới nước cho cây trồng bằng các hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.

CHỦ ĐỘNG TIẾP CẬN KHOA HỌC, KỸ THUẬT

Nhìn vào chiếc điện thoại thông minh có cài sẵn ứng dụng theo dõi dịch hại trên lúa, ông Đỗ Duy Nguyện - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 7A, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) nói: “Nhờ cài sẵn ứng dụng này trên điện thoại, các thành viên hợp tác xã khi ở nhà vẫn biết được tình hình sâu bệnh trên ruộng, từ đó có hướng điều trị bệnh phù hợp, kịp thời”.

Ông Nguyện cho biết, Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 7A đang tham gia chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Hợp tác xã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ lắp đặt trạm quan trắc cảm biến sâu rầy giúp nhận biết được mật độ sâu rầy. Điều đáng mừng, tham gia chương trình canh tác lúa này, nông dân đã thay đổi nhận thức và tư duy trong sản xuất, chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp, tính toán chi phí hợp lý để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình canh tác lúa, nông dân giảm lượng giống gieo sạ, thực hiện gieo sạ bằng máy sạ cụm, sử dụng phân bón tiết kiệm. Nhờ đó, vụ lúa đông xuân 2021-2022, nông dân giảm khoảng 40% chi phí lúa giống, giảm hơn 30% chi phí phân bón và giảm 50% chi phí phun xịt thuốc bảo vệ thực vật.

Là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, ông Trần Văn Nguyên, ngụ xã Kiên Bình (Kiên Lương) chia sẻ một trong những kinh nghiệm sản xuất lúa hiệu quả đó là ham học hỏi. Theo ông Nguyên, ham học hỏi là tranh thủ học hỏi các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cũng như ông Nguyên, nhiều người khác đã bỏ tập quán canh tác cũ, lạc hậu, thay vào đó chủ động hơn trong việc tìm tòi, ứng dụng công nghệ, phương pháp sản xuất mới. Các thành viên Hợp tác xã nông dân khoai lang Mỹ Thái, xã Mỹ Thái (Hòn Đất) đã có sự thay đổi như thế. Từ khi chuyển hướng sản xuất khoai lang theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất khoai cao hơn 2 tấn/ha so phương pháp canh tác truyền thống, lợi nhuận cao hơn khoảng 4-6 triệu đồng/ha.

Sản xuất nông nghiệp trong xu thế hội nhập, nông dân không chỉ là người thụ hưởng mà còn tham gia nghiên cứu khoa học, công nghệ. Ông Đinh Văn Cảnh, ngụ ấp Kênh 3A, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp) đã tích cực thực hiện mô hình sản xuất rau cần nước đạt tiêu chuẩn VietGAP, góp phần vào việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể rau cần nước của huyện Tân Hiệp. Ông Quách Ba, ngụ đường Trần Khánh Dư, phường An Hòa (TP. Rạch Giá) mạnh dạn tham gia làm chủ nhiệm dự án “Hoàn thiện hệ thống sấy lúa dạng tháp tuần hoàn, năng suất 30 tấn/mẻ”. Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Nguyễn Xuân Niệm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ từng nói: “Một số phát minh, sáng chế, ý tưởng sáng tạo của người dân mang dáng dấp nghiên cứu khoa học được hiện thực hóa vào đời sống sản xuất càng ngày càng nhiều”.

LIÊN KẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò, sự cần thiết và tầm quan trọng của hợp tác xã. Trong thư gửi nông gia Việt Nam vào ngày 11-4-1946, Người viết: “Hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức mạnh với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít, mà lợi ích nhiều”. Ngày nay, nhận thấy rõ vai trò, ý nghĩa và lợi ích của việc tham gia hợp tác xã, nhiều nông dân Kiên Giang tham gia vào hợp tác xã, sản xuất cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh, tính đến hết tháng 4-2022, toàn tỉnh có 514 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó 452 hợp tác xã nông nghiệp. Thực tế cho thấy, từ mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, giúp nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của các thành viên.

Hiện toàn bộ diện tích rau cần nước của tổ hợp tác trồng rau cần nước ấp Kênh 3A, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp) được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện toàn bộ diện tích rau cần nước của tổ hợp tác trồng rau cần nước ấp Kênh 3A, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp) được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hợp tác xã khoai lang Mỹ Thái đã có được những thành công ấn tượng nhờ sự đổi mới trong sản xuất, tăng cường liên kết. Trong 7 năm thành lập, hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất với nhiều công ty, doanh nghiệp gắn với bao tiêu sản phẩm. “Ban giám đốc hợp tác xã làm đầu mối liên hệ thu mua, tiêu thụ giúp thành viên. Sản lượng khoai lang trong hợp tác xã được thu mua và chở đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối lớn, công ty chế biến thực phẩm sấy khô tại các tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh”, ông Phan Văn Dũng - Giám đốc Hợp tác xã nông dân khoai lang Mỹ Thái cho biết. Hiện nay, hợp tác xã có 186ha đất lúa 2 vụ chuyển sang luân canh 1 vụ lúa 1 vụ khoai. Từ khi liên kết sản xuất với doanh nghiệp, các thành viên không còn lo lắng chuyện được mùa mất giá, hầu hết cải thiện đời sống.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp tác xã đang là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, giúp nông dân nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của sản phẩm, có thị trường tiêu thụ với giá ổn định. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhiều hợp tác xã hiện có quy mô hoạt động nhỏ, thiếu tính đa dạng, sức cạnh tranh thấp và còn bị động trong tìm đầu mối liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp. Để xây dựng được mối liên kết sản xuất bền vững cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa và sự đồng thuận, đồng lòng của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân.

Bài và ảnh: TÚ LY

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//phong-su-ghi-chep/tai-co-cau-nong-nghiep-de-phat-trien-ben-vung-bai-4-doi-moi-tu-duy-san-xuat-nong-nghiep-9027.html