Tài chính 24h: Các “ông lớn” bất ngờ đồng loạt giảm lãi suất huy động

Việc ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động có thể tạo tiền đề để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Ảnh minh họa.

Nhiều ngân hàng lớn đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động

Thông tin nhanh từ Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, từ ngày 26/9, một số tổ chức tín dụng lớn, trong đó có các ngân hàng thương mại Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy độngVND. Cụ thể, lãi suất VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm có các mức giảm khá mạnh, từ 0,3-0,5%/năm.

Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được các tổ chức tín dụng này này công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm . (Xem tiếp)

Vì sao khách báo mất 32 tỷ đồng mua bán nhà bằng sổ tiết kiệm

Vụ việc bà Ngô Phương Anh (57 tuổi) ở Đà Lạt, Lâm Đồng báo mất 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có liên quan tới giao dịch mua bán căn nhà của bố mẹ. Bà Phương Anh bán nhà cho bà Bùi Thị Anh Thư nhưng hai bên lại không giao dịch bằng tiền mặt như cách thông thường mà dùng sổ tiết kiệm của người mua (bà Thư). Theo nhiều luật sư, nếu bà Phương Anh yêu cầu người mua buộc phải rút tiền trong sổ tiết kiệm trả cho mình, có thể không xảy ra sự cố đáng tiếc mất tiền tại ngân hàng.

Trao đổi với VnExpress, bà Ngô Phương Anh cho biết, lý do chấp nhận sổ tiết kiệm vì sau khi thỏa thuận xong hợp đồng mua bán nhà với giá 36 tỷ đồng, bà Thư nói không có tiền mặt nhưng đang có một sổ tiết kiệm 30 tỷ đồng, kỳ hạn 3 tháng. Sổ này do phòng giao dịch D2 Giảng Võ BIDV chi nhánh Tây Hồ (Hà Nội) phát hành vào ngày 21/1 và hết hạn ngày 21/4/2016. Sổ tiết kiệm này theo bà Thư là không được rút trước thời hạn. (Xem tiếp)

Nữ nhân viên nhà băng chiếm đoạt gần 50 tỷ của khách

Ngày 26/9, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An xác nhận, cơ quan điều tra đã khởi tố Nguyễn Thị Lam (29 tuổi, trú ở huyện Đô Lương, Nghệ An) về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra ban đầu, Lam vốn là cán bộ kiểm ngân của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh huyện Đô Lương. Nữ nhân viên này có quan hệ mật thiết với nhiều khách gửi tiền tiết kiệm. Mỗi lần có người gửi, Lam là người trực tiếp làm hồ sơ rồi gửi vào sổ tiết kiệm hoặc cầm tiền của khách hàng để làm thủ tục gửi sau. (Xem tiếp)

“Ngân sách xử lý nợ xấu đâu phải cho không, biếu không”

Thời gian qua đã có nhiều cách tiếp cận rồi. Vay nước ngoài về thì không được, vì nhiều ràng buộc. Dùng ngân sách thì không có sự đồng thuận của xã hội.

Nhưng, yêu cầu đặt ra là phải xử lý nợ xấu càng nhanh càng tốt. Cứ để lâu dài thì sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu kém đi, vốn và chi phí vốn của doanh nghiệp vẫn rất cao, đặc biệt là trong một nền kinh tế mà tín dụng nội địa vẫn là nguồn đóng góp lớn, như là dòng máu chủ đạo dẫn vào cơ thể.

Vì thế này thế kia mà chúng ta vẫn chưa xử lý được một cách tương đối triệt để thì cơ thể đó dù vẫn sống, nhưng xanh xao, gầy yếu. Cái này thì ai cũng biết rồi. ( Xem tiếp)

Người bán vàng kêu trời: “Chúng tôi bị phạt oan”

Cơ quan chức năng cho rằng việc xử phạt là đúng đối tượng, đúng quy định. Tuy nhiên, tại buổi hội thảo về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vừa diễn ra tại TP.HCM, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM (SJA) Nguyễn Văn Dưng nhận xét: “Vừa qua khi đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra đồng loạt, đã có không ít doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng bị phạt vì có nhiều sai phạm. Điều này tạo nên tâm lý lo lắng, bức xúc cho DN”.

Nhiều DN kinh doanh vàng cũng cho rằng họ đang bị phạt oan. Một chủ tiệm vàng tại huyện Long Thành, Đồng Nai bức xúc cho biết có hợp đồng mua vàng nữ trang từ các chành-lò sản xuất vàng. Khi bày bán, hàm lượng vàng của sản phẩm được ghi là 61% nhưng đoàn kiểm tra lấy mẫu cân thử thì phát hiện kết quả không đạt. (Xem tiếp)

Phạm Công Danh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm

Ngày 25/9, TAND TP.HCM cho biết đã nhận được đơn kháng cáo của Phạm Công Danh , nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và một số bị cáo khác kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo.

Trước đó, ngày 9/9, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Danh 30 năm tù về 2 tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” vì gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Xây dựng VN trên 9.000 tỷ đồng; 35 đồng phạm liên quan bị tuyên mức án từ 3 năm tù treo - 22 năm tù cùng 2 tội danh trên. (Xem tiếp )

Người nước ngoài không được gửi tiết kiệm VNĐ?

Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty luật IPIC GROUP, cho rằng quy định của NHNN hiện thừa nhận người nước ngoài được phép gửi tiết kiệm VNĐ tại các TCTD. Nay nếu thông tư được ban hành thì đây là một bước lùi đáng tiếc trong quản lý hoạt động tiền gửi tiết kiệm nói chung và quản lý hoạt động tiết kiệm đối với người nước ngoài nói riêng.

“Trong một thời đại mà việc dịch chuyển dân cư theo xu hướng “thế giới phẳng” và “công dân toàn cầu” thì việc làm ăn sinh sống giữa các quốc gia cần phải được gỡ bỏ giới hạn về rào cản. Cùng với ý nghĩa đó thì việc gửi tiết kiệm bằng đồng tiền của quốc gia đó từ chính thu nhập hợp pháp cần được thừa nhận và khuyến khích, thay vì cấm đoán một cách không có cơ sở thực tiễn. Mặt khác, đây là một lãng phí lớn về nguồn vốn, vì nếu không được gửi tiết kiệm tại VN, những nguồn thu nhập hợp pháp này sẽ phải chuyển ra nước ngoài để tái đầu tư (thông qua gửi tiết kiệm hoặc tiếp tục đầu tư). Vô hình trung chúng ta là người bị thiệt”, ông Hưng phân tích. (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-24h-cac-ong-lon-bat-ngo-dong-loat-giam-lai-suat-huy-dong-2015863.html