Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng

Trong nhiều vấn đề phức tạp của nội hàm tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được nhắc đến nhiều hơn cả. Một phần là do đây là lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế. Mặt khác, bản thân nội tại hệ thống ngân hàng của nước ta hiện nay cũng đang chứa đựng không ít điều cần phải cải tổ, cần phải "phẫu thuật” để cho "cơ thể” tài chính tiền tệ trở nên mạnh khỏe hơn, trưởng thành hơn...

Trong nhiều vấn đề phức tạp của nội hàm tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được nhắc đến nhiều hơn cả. Một phần là do đây là lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế. Mặt khác, bản thân nội tại hệ thống ngân hàng của nước ta hiện nay cũng đang chứa đựng không ít điều cần phải cải tổ, cần phải "phẫu thuật” để cho "cơ thể” tài chính tiền tệ trở nên mạnh khỏe hơn, trưởng thành hơn...

KỲ 1:

CẦN MỘT CUỘC "ĐẠI PHẪU”

Hệ thống ngân hàng của nước ta hiện nay

đang chứa đựng không ít điều cần phải cải tổ

Ảnh: HOÀNG LONG

Trên 1/3 số ngân hàng thương mại (NHTM) hoạt động không hiệu quả

Ở nước ta lâu nay tồn tại một thực trạng, chúng ta đầu tư nhiều, phát triển tràn lan, nhưng hiệu quả không cao, có thể ví với hình ảnh "đầu voi đuôi chuột”. Điều này thể hiện rõ nhất ở những con số "khai tử” doanh nghiệp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đưa ra. Tính đến hết tháng 9-2011 đã có tới trên 48.000 doanh nghiệp đóng cửa vì nhiều lý do. Và, ngành ngân hàng cũng không phải là ngoại lệ, khi TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từng trăn trở nhắc tới sự phát triển ồ ạt về số lượng các ngân hàng nhưng hiệu quả hoạt động lại tỷ lệ nghịch với sự phát triển ấy. Theo TS Thành, ở Việt Nam đang diễn ra tình trạng vừa thừa, vừa thiếu ngân hàng. "Nếu xét về góc độ tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp thì thiếu, nhưng nếu xét về những nhiễu nhương mà các ngân hàng gây ra cho nền kinh tế thì quá nhiều”. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước đưa ra một con số khá bất ngờ: tính đến cuối năm 2010, Việt Nam có tổng cộng 52 NHTM được cấp phép hoạt động. Nếu tính cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài (50) thì con số này lên tới trên 100. Đó là chưa kể đến hệ thống các công ty tài chính, quỹ tín dụng trung ương và cơ sở... Con số đó, nếu so với nhu cầu phát triển của một nền kinh tế đang trên đà hồi phục như Việt Nam, không phải là nhỏ, song nếu đem so sánh với những hiệu quả mà ngành này mang lại trong thời gian qua, lại là quá nhiều.

Theo lời vị lãnh đạo một NHTM thuộc nhóm "G12 + 1” tại Hà Nội, việc để tồn tại tới 100 ngân hàng, tổ chức tín dụng đến hôm nay là không bình thường. Những hoạt động không đồng nhất của các đơn vị này phần nào làm náo loạn thị trường, ảnh hưởng đến chính sách điều hành từ Nhà nước. Thử nhìn lại những gì đang diễn ra trên thị trường tiền tệ thời gian qua, mới thấy rõ, những nhận định trên mới chỉ là khiêm tốn. TS Lê Xuân Nghĩa – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lo lắng khi đưa ra những con số liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu tại các NHTM thời gian qua. Theo TS Nghĩa, nợ xấu của nhóm NHTM nhà nước tăng 66,18%, nhóm các ngân hàng cổ phần tăng 44,29%, nhóm ngân hàng liên doanh, nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài tăng 59,23% so với cuối năm 2010. Tỷ lệ nợ xấu chung từ 2,16% cuối năm 2010 đã tăng lên mức 3,13% vào cuối tháng 6.2011. Tổng nợ xấu sáu tháng đầu năm khoảng 75.000 tỉ đồng. Trong đó, nợ xấu nhóm 5 (nợ mất vốn) chiếm khoảng 47%. Và người ta lo ngại, nếu tình trạng này không có điểm kết thì thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ vô cùng căng thẳng. Nợ xấu tăng cao khiến hoạt động của khu vực ngân hàng ngày một yếu đi.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nhóm 12 ngân hàng lớn đang chiếm 85% tổng số tín dụng ở Việt Nam. Như vậy, còn khoảng hơn 30 NHTM trong nước và hàng chục ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam chỉ chiếm có 15% tổng dư nợ trên thị trường. Những con số nói trên cho thấy, vẫn còn khoảng 30 NHTM trong nước ở quy mô rất nhỏ. Và theo các chuyên gia kinh tế, chính con số 30 ngân hàng "quy mô rất nhỏ” ấy là một trong những yếu tố gây nên sự bất ổn trong hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng. Trình trạng "loạn cuộc đua lãi suất” đã từng diễn ra là một ví dụ.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho hay, sở dĩ có tình trạng "loạn cuộc đua lãi suất” như thời gian vừa qua là bởi, con số 30 ngân hàng "quy mô nhỏ” nói trên thường xuyên ở trong trạng "thiếu và yếu”: Thiếu dịch vụ đặc biệt, thiếu phương pháp quản lý tốt cho khách hàng nên họ không còn cách nào khác là phải dùng lãi suất làm công cụ huy động vốn. Nói cách khác, các ngân hàng này do không huy động được nhiều vốn trong dân, buộc phải tìm cách đẩy lãi suất huy động lên để thu hút người gửi tiền. Và chính những ngân hàng nhỏ là "thủ phạm” khởi động cho cuộc đua tăng lãi suất huy động. Tình thế này đẩy các ngân hàng lớn vào thế buộc phải tăng lãi suất huy động cao lên, bởi nếu không, họ sẽ đánh mất dần khách hàng khi khách hàng chuyển tiền gửi từ chỗ lãi suất thấp sang nơi có lãi suất cao.

Song, việc cạnh tranh bằng lãi suất như vậy chỉ khiến dòng vốn chạy vòng quanh, từ nơi có lãi suất thấp sang nơi có lãi suất cao rồi lại tiếp tục chạy sang nơi có lãi suất cao hơn nữa... chứ không có tác dụng huy động thêm được nguồn vốn trong nhân dân. Hậu quả là lãi suất cao đã đẩy chi phí, giá tiêu dùng lên, và kéo theo đó là sản xuất kinh doanh bị đình trệ, lạm phát cũng bị đẩy lên.

Kiên quyết loại bỏ những "khối u”

Chỉ hai ví dụ nói trên đã cho thấy sự hoạt động yếu kém của các NHTM nhỏ đã và đang có tác dụng tiêu cực đến nền kinh tế. Bởi vậy, thanh lọc, loại bỏ các ngân hàng yếu kém, sáp nhập các ngân hàng yếu với ngân hàng mạnh, hay nói cách khác, tái cấu trúc toàn hệ thống ngành ngân hàng mà trước mắt là về cơ cấu, lực lượng đang là yêu cầu cấp thiết được đặt ra. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không thực hiện được yêu cầu đó, thị trường tiền tệ cũng như toàn ngành ngân hàng sẽ không thể hoạt động một cách minh bạch và ổn định. Và hậu quả tất yếu của nó là sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế - xã hội nói chung.

Song, tái cơ cấu ngành ngân hàng theo hướng nào, bắt đầu từ đâu? các nhà điều hành chính sách vẫn đang đi tìm câu trả lời chính xác nhất, hợp lý nhất. Một trong những nhiệm vụ cấp bách cần thực thi lúc này, được giới chuyên gia nhắc đến đó là cấu trúc lại lực lượng ngân hàng theo hướng sáp nhập các ngân hàng. Theo đó, người ta mong đợi một cuộc "thanh lọc” ngân hàng bằng nhiều cách, một là các ngân hàng nhỏ sẽ bị "khai trừ” khỏi hệ thống ngân hàng một cách thẳng tay, hai là những ngân hàng yếu sẽ được sáp nhập với các ngân hàng lớn. Các chuyên gia kinh tế hy vọng, nếu làm được hai điều đó, "cơ thể” toàn hệ thống ngân hàng sẽ "hồi sinh”.

Song, để thực thi cả hai yếu tố trên, đều không hề dễ dàng. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thực sự băn khoăn khi ông nhận định về vấn đề sáp nhập ngân hàng thời gian tới. "Việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn không hề đơn giản. Các ngân hàng lớn nếu muốn sát nhập các ngân hàng nhỏ thì cũng sẽ lựa chọn những ngân hàng đang hoạt động tốt để sát nhập. Họ không việc gì phải sáp nhập những ngân hàng đang ở mức nguy hiểm để bỗng dưng "mang họa vào thân”. Bởi sáp nhập những ngân hàng này đồng nghĩa với việc các ngân hàng lớn phải lãnh cả những khoản nợ khó đòi và nợ xấu của ngân hàng yếu kém, đang đứng bên bờ vực nguy hiểm.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không thể tiến hành quá trình sáp nhập. Một chuyên gia trong ngành đã ví hình ảnh loại bỏ các ngân hàng yếu kém giống như việc thầy thuốc loại bỏ một khối u trên cơ thể con người vậy, dù rất đau nhưng phải "cắn răng” để loại bỏ nó nếu không nó sẽ đeo bám ta suốt cả cuộc đời. Việc sáp nhập hay thanh lọc các ngân hàng yếu kém cũng vậy. "Chính phủ phải làm kiên quyết và có nguyên tắc, không được mềm yếu” – vị chuyên gia này thẳng thắn.

Như vậy, dù còn băn khoăn về những giải pháp đưa ra, song hầu hết giới chuyên gia đều đồng nhất với việc cần kiên quyết loại bỏ các ngân hàng yếu kém, tạo nên một "cơ thể” ngân hàng thực sự khỏe mạnh, không bệnh tật như suốt thời gian dài vừa qua.

Duy Phương

[Bài 1: Định vị lại mô hình tăng trưởng]

[Bài 2: Những nguyên tắc cơ bản của quá trình tái cấu trúc]

[Bài 3: Tái cấu trúc đầu tư công]

- [Kỳ 1: Phải thu hẹp đầu tư công và chi tiêu công]

- [Kỳ 2: Tái cấu trúc đầu tư công trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế]

- [Kỳ 3: Cần chấp nhận một lần đau]

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=41307&menu=1427&style=1