Tái cấu trúc, đầu tư công nghệ để vượt bão COVID-19

Sau thời gian chịu song gió vì COVID-19, các doanh nghiệp nhận ra rằng phải tái cấu trúc, sáng tạo và linh hoạt để thích ứng với các biến đổi của môi trường kinh doanh trong và hậu đại dịch.

Công ty Cổ phần HAPLAST tại huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) chuyên sản xuất các sản phẩm túi, bao bì sinh học tự hủy đã chủ động linh hoạt thích ứng với tình hình mới. Ảnh: TTXVN.

Công ty Cổ phần HAPLAST tại huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) chuyên sản xuất các sản phẩm túi, bao bì sinh học tự hủy đã chủ động linh hoạt thích ứng với tình hình mới. Ảnh: TTXVN.

Tầm nhìn chiến lược

Nhìn lại một năm qua, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thốt lên: “Năm 2021, có những lúc chúng tôi cảm thấy tuyệt vọng khi chưa bao giờ đồng loạt các đơn vị của tập đoàn phải ngừng sản xuất lâu như vậy, công đoàn dệt may chưa bao giờ nhiều lao động phải nghỉ và cần được hỗ trợ như vậy”.

Thế nhưng đến cuối năm 2021, Vinatex có bước tăng trưởng ngoạn mục, vượt giai đoạn trước dịch, với doanh thu 16.436 tỷ đồng, bằng 110,7% so với 2020 và lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ, đạt 170% kế hoạch. Mức lãi này cũng cao hơn năm 2019, thời điểm trước dịch, tới 70%.

Lý giải việc Vinatex giữ vững nhịp tăng trưởng, ông Cao Hữu Hiếu rút ra bài học ưu tiên bảo toàn lực lượng lao động. Nhờ các doanh nghiệp duy trì liên kết chặt chẽ với người lao động, ngay trong tháng đầu khi cả nước bước vào “bình thường mới”, tỷ lệ huy động lao động quay trở lại làm việc của toàn tập đoàn đã đạt 85 - 90%. Tới nay, Vinatex đã lấy lại được toàn bộ lực lượng lao động.

Cùng với đó, “trái ngọt” có được là do chiến lược đầu tư vào hệ thống nhà máy sợi và duy trì trong 5 năm qua. Nếu như trước đây ngành may chiếm khoảng 80% lợi nhuận của tập đoàn thì năm 2021, mảng sợi đóng góp trên 50% tổng lợi nhuận. Hai tháng trước, Nhà máy Sợi 2, Công ty CP Vinatex Phú Hưng với quy mô 22.800 cọc sợi, đi vào hoạt động. Trước đó, Công ty cổ phần Sợi Phú Bài hoàn thành đầu tư Nhà máy Sợi 3 với quy mô 3,2 vạn cọc sợi, là nhà máy có quy mô 2 tầng đầu tiên, hiện đại bậc nhất thế giới. Đây là cơ sở để Vinatex nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Chia sẻ về định hướng của Vinatex trong năm 2022, tầm nhìn 2025, ông Cao Hữu Hiếu cho biết, làm chủ nguyên liệu trong nước là “chìa khóa” giúp phát triển bền vững trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài.

Vượt qua những khó khăn và ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhà máy may Vinatex Bạc Liêu (Khu công nghiệp Trà Kha) vẫn hoạt động ổn định. Ảnh: TTXVN.

Vượt qua những khó khăn và ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhà máy may Vinatex Bạc Liêu (Khu công nghiệp Trà Kha) vẫn hoạt động ổn định. Ảnh: TTXVN.

Tái cấu trúc và quản trị doanh nghiệp

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh đều có dự phòng rủi ro nhưng chưa bao giờ xây dựng rủi ro về bệnh dịch”.

Do đó, khi dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp “trở tay không kịp”, bởi không có khu cho công nhân ở và trong 100 doanh nghiệp thì chỉ khoảng 30 doanh nghiệp có bộ phận y tế. Dịch COVID-19 trong hơn 3 tháng giãn cách tại TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp phải quyết định hoạt động theo 3 tại chỗ nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

“Sau ‘bão COVID-19’, doanh nghiệp đã bắt đầu hiểu rõ hơn và xây dựng quy trình về sức khỏe. Khoảng 70% các doanh nghiệp nói chung và 90% doanh nghiệp sản xuất đều có nhân viên đủ trình độ như một nhân viên y tế cấp địa phương, có thể theo dõi, nhận ra được triệu chứng của những F0 cần đi xét nghiệm”, ông Trần Việt Anh cho hay.

Các hoạt động văn phòng của doanh nghiệp cũng mang tính trực tuyến nhiều hơn, hạn chế các cuộc họp trong phòng, họp nhanh, họp ít người. Trong nhà xưởng, vấn đề thông gió được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đầu tư dây chuyền mới, chấp nhận chi phí cao hơn, để bố trí các công nhân đứng cách nhau khoảng 2m.

Công ty TNHH Tân Trang (Hà Nội) tổ chức tốt phương án “3 tại chỗ”, tránh đứt gãy trong sản xuất và cung ứng hàng hóa. Ảnh: TTXVN.

Công ty TNHH Tân Trang (Hà Nội) tổ chức tốt phương án “3 tại chỗ”, tránh đứt gãy trong sản xuất và cung ứng hàng hóa. Ảnh: TTXVN.

Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, đại dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường và tác động không chỉ trong thời gian ngắn, do vậy để thích ứng, các doanh nghiệp cần xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh mới.

Cùng với đó, doanh nghiệp buộc phải đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là áp dụng công nghệ 4.0 trong cả phương thức sản xuất lẫn phương thức giao dịch với khách hàng. Doanh nghiệp cần nghiên cứu, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời tăng cường sự chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.

“Cuối cùng là xây dựng chiến lược kinh doanh hậu COVID-19 để kịp thời nắm bắt những cơ hội khi nền kinh tế phục hồi, trong đó có việc tận dụng tốt các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký với các nước”, ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.

Còn ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm chuyển đổi mô hình hoạt động, số hóa trong các khâu vận hành, quản lý, khai thác, giao nhận vận tải và tạo nên những làn sóng lan tỏa trên thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.

“Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường đều là những doanh nghiệp đã và đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng của dịch COVID-19”, ông Hoàng Quang Phòng khẳng định.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tai-cau-truc-dau-tu-cong-nghe-de-vuot-bao-covid19-20220131224336883.htm