Tách bạch cơ cấu giá điện để ngăn độc quyền thị trường

Việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh đích thực, vận hành theo đúng nguyên lý thị trường đang trở nên cấp thiết.

Giá điện mà EVN đưa ra trên thị trường chưa thực sự hợp lý và rõ ràng

Tại hội thảo “Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong thị trường điện cạnh tranh” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 28/11, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, xây dựng thị trường điện cạnh tranh là một trong những trọng tâm của cải cách thể chế, trong đó điều kiện tiên quyết không thể thiếu là phải có được thị trường năng lượng vận hành theo hướng cạnh tranh bình đẳng.

Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, phát triển năng lượng tái tạo không thể thiếu thị trường điện cạnh tranh, việc phát triển thị trường điện cũng là dư địa cho các nguồn năng lượng khác xuất hiện và phát triển.

Tuy nhiên, thực trạng thị trường điện hiện nay của Việt Nam vẫn thiếu nền tảng của thị trường điện cạnh tranh do chưa đảm bảo tính độc lập của các doanh nghiệp trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối.

“Thị trường điện đã hoạt động nhưng chưa cạnh tranh. Hơn nữa, tính độc lập của các cơ quan điều tiết, giám sát cạnh tranh còn thấp. Đây cũng là lý do khiến thị trường điện Việt Nam khó thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư và cung ứng điện, chứ chưa nói tới phát triển năng lượng tái tạo mới”, ông Cung nói.

Theo ông Cung, tồn tại lớn nhất khiến thị trường điện chưa vận hành theo đúng thị trường cạnh tranh đích thực chính là giá điện chưa minh bạch. Người sử dụng không biết các cấu phần trong giá điện cụ thể là bao nhiêu, chi phí họ phải trả cho điện sử dụng có dựa trên chi phí sản xuất thực sự không, hay phải gánh thêm những thất thoát và các chi phí không rõ ràng trong khâu phân phối, truyền tải điện.

Ông Cung cho rằng, giá điện phải tách biệt phần chi phí sản xuất và phân phối điện ra khỏi cấu phần khác của điện. Giá điện hình thành theo chính sách, còn chi phí theo cạnh tranh. Theo đó, thị trường quyết định chi phí sản xuất, còn giá bán do Nhà nước quyết và phải được phân định rõ, đồng thời giải thích công khai, minh bạch để khách hàng sử dụng và người dân nắm được.

Việc minh bạch giá điện cần thực hiện theo hướng các nhà sản xuất công bố giá bán và chi phí sản xuất để người dân lựa chọn. Nếu để EVN nắm giữ độc quyền thị trường và giá điện như hiện nay thì người dân không thể nào biết được.

Ông Phạm Đức Chung, đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM bổ sung, phải đẩy nhanh và thực hiện rốt ráo việc tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trong đó, đặc biệt quan tâm đến tái cấu trúc quản trị công ty, bao gồm cả vấn đề chủ sở hữu. Đồng thời, đảm bảo tính độc lập đầy đủ giữa các doanh nghiệp sản xuất, phân phối với các nhà điều hành truyền tải; bảo đảm tất cả các nhà sản xuất và phân phối đều có quyền tiếp cận công bằng và như nhau đến hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Bên cạnh đó, nâng cao tính độc lập của Cục Điều tiết điện lực, nâng cao năng lực của Cục Quản lý cạnh tranh, áp dụng triệt để cơ chế giá điện cạnh tranh, thỏa thuận theo cơ chế thị trường.

Một yếu tố quan trọng khác để thị trường điện vận hành cạnh tranh đích thực là khách hàng được tự lựa chọn mua điện của nhà sản xuất theo giá công bố công khai trên thị trường.

“Phải trao quyền mua cho người dân và doanh nghiệp theo đúng nghĩa họ được tự lựa chọn, chứ không bắt buộc phải mua điện từ một nhà cung ứng theo một giá bán độc quyền như hiện nay”, ông Cung nhấn mạnh.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, trên thực tế có không ít doanh nghiệp không thuộc EVN bán điện với giá thấp hơn các doanh nghiệp phát điện thuộc EVN, hoặc doanh nghiệp mà EVN góp cổ phần. Điều này cho thấy, giá điện mà EVN đưa ra trên thị trường chưa thực sự hợp lý và rõ ràng.

Ông Phong cho rằng, trong điều kiện EVN vẫn giữ vị trí độc quyền mua và phân phối truyền tải điện như hiện nay thì giá thành sản xuất, giá truyền tải và phân phối điện cần được công khai, kiểm toán rõ để đảm bảo giá điện đến tay người tiêu dùng là hợp lý. Đồng thời, đây là cơ sở để người dân có thể kiểm chứng các yếu tố chi phí đầu vào mỗi khi EVN đề xuất tăng giá điện.

Hiếu Minh

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/tach-bach-co-cau-gia-dien-de-ngan-doc-quyen-thi-truong-171127.html